Tiếng Việt | English

20/08/2020 - 12:55

Hộ kinh doanh cá thể tiếp cận công nghệ 4.0 nhờ nguồn kinh phí khuyến công

Hộ kinh doanh (HKD) cá thể tại vùng nông thôn đang là một thành phần quan trọng, có độ thích nghi cao, từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, tạo việc làm cho lao động với mức thu nhập ổn định. Nguồn kinh phí khuyến công địa phương đang tập trung hỗ trợ, thúc đẩy thành phần kinh tế này hoạt động ổn định, phát triển tốt.

Ứng dụng công nghệ 4.0

Thời điểm này, sản phẩm gỗ được chạm khắc thu hút khá nhiều người dùng bởi có tính thẩm mỹ cao, bền, đẹp theo thời gian, đáp ứng tốt nhu cầu trưng bày, sử dụng trong gia đình. Ông Phạm Văn Tiến, ngụ khu phố 3, phường 1, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An theo nghề mộc và điêu khắc gỗ trên 20 năm. Thâm niên cộng với lòng yêu nghề nên hầu hết sản phẩm ông làm ra luôn sống động, mới lạ và có tính nghệ thuật cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Tiến cho hay, nghề mộc, nhất là điêu khắc hiện nay khá kén thợ vì lao động phải qua đào tạo, trình độ nghệ thuật cao và yêu thích nghề. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của công nghệ 4.0, nhất là máy khắc tự động (CNC), người thợ mộc đã qua giai đoạn suốt ngày cặm cụi đục đẽo mất rất nhiều thời gian, công sức. Chính vì vậy, ông Tiến mạnh dạn học hỏi, đầu tư máy CNC, học cách sử dụng cho công việc hàng ngày. Là hộ kinh doanh nhỏ, lẻ, nguồn vốn còn hạn chế, nắm bắt nhu cầu mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã xây dựng đề án hỗ trợ ông mua sắm và ứng dụng máy CNC trong quá trình sản xuất. Kinh phí thực hiện đề án 165 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 78 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng.

Ông Phạm Văn Tiến (bên trái) trình bày quy trình vận hành của máy CNC

Sản phẩm ông Tiến làm ra hiện nay khá đa dạng như tủ, giường, bàn, ghế, tranh gỗ, tượng,... Từ khi có máy CNC phục vụ nghề điêu khắc, ông Tiến cảm thấy hài lòng hơn với các sản phẩm mình làm ra bởi độ sắc nét cao, hài hòa cả về kích thước lẫn màu sắc. Để làm ra một sản phẩm như ý, quy trình khá công phu như thiết kế mẫu sản phẩm trên máy tính, cắt gỗ theo kích thước mẫu, đưa vào máy khắc, chỉnh sửa thủ công để đạt độ tinh xảo và kết thúc sản phẩm thông qua đánh nhám, sơn. Theo ông Tiến, nhu cầu dùng sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngày càng cao, nếu người thợ không áp dụng công nghệ sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong lĩnh vực khắc gỗ nghệ thuật. Khi sử dụng máy, sản phẩm tạo ra đúng với bản vẽ đã thiết kế và dễ dàng tạo ra nhiều sản phẩm thông qua khâu thiết kế. Ứng dụng máy CNC, cơ sở ông Tiến giảm chi phí sản xuất bởi giảm nhân công lao động, bảo đảm nguồn hàng cung cấp ra thị trường ổn định, chất lượng đồng đều, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Cũng giống như ông Phạm Văn Tiến, HKD Nguyễn Thị Tuyết Liễu, ngụ khu phố Gò Thuyền, thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, cũng vừa được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương để trang bị máy CNC vào phục vụ gia công, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Theo bà Tuyết Liễu, việc đầu tư trang thiết bị, nhất là công nghệ 4.0 tốn nhiều chi phí. Nhưng bù lại, việc sử dụng máy móc giúp các chi tiết hoa văn làm ra trên sản phẩm tủ, giường, bàn, ghế rất tinh xảo lại rút ngắn được thời gian làm ra một sản phẩm mỹ nghệ nên có rất nhiều đơn hàng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh - Phạm Văn Hường cho biết, tỉnh hiện có khá nhiều HKD sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Theo đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở đầu tư hệ thống máy CNC. Điều đó cho thấy sự nhạy bén trong việc tiếp cận công nghệ để áp dụng vào sản xuất của các cơ sở sản xuất mộc trong tỉnh. Đây là một hướng đi phù hợp với xu thế thị trường, sản phẩm làm ra chất lượng, góp phần tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy nghề gỗ mỹ nghệ phát triển theo hướng hiện đại.

Xu hướng tất yếu

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh vừa tổ chức trình diễn, nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nước đá an toàn thực phẩm” tại HKD Võ Văn Lợi (ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường). Kinh phí thực hiện đề án 345 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 150 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng từ HKD. Thực hiện đề án, HKD Võ Văn Lợi đầu tư hệ thống lọc RO trong sản xuất nước đá nhằm thay đổi quy trình, từng bước khép kín sản xuất, nâng cao chất lượng nước đá, đáp ứng tốt về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Lợi, trước đây, sản xuất nước đá của gia đình phải dùng hệ thống lọc thủ công, có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất. Đây là các mối nguy hại đối với sức khỏe người dùng. Hệ thống lọc RO sử dụng màng lọc với các khe lọc có kích thước 0.0001 micro mét, giúp lọc được nước nhiễm mặn, các chất rắn, ion kim loại nặng và khử các vi sinh vật, vi khuẩn mang lại nguồn nước tinh khiết sau khi xử lý. Hệ thống lọc RO ông đầu tư công suất 9m3/giờ. Ngoài ra, hệ thống lọc này còn giúp nước đá lâu tan chảy nhưng nhanh làm đông đá so với nước đá gia công. Từ đó, rút ngắn thời gian sản xuất trong toàn bộ quy trình, tiết kiệm nhân công.

Theo ông Phạm Văn Hường, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều đối tượng kinh doanh, trong đó có HKD cá thể. Nhưng, làm sao để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là câu hỏi không dễ trả lời. Trong khi đó, HKD cá thể giải quyết nhiều việc làm cho lao động và đang là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực tăng trưởng kinh tế. Để gia tăng tính ổn định sản xuất, đáp ứng tốt tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, nguồn kinh phí khuyến công địa phương thời gian qua tập trung nhiều cho việc hỗ trợ HKD thay đổi công nghệ sản xuất để gia tăng tính cạnh tranh, tồn tại và bắt kịp xu thế vận động chung của nền kinh tế./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích