Tiếng Việt | English

05/11/2018 - 15:05

Hồ sơ hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai: Thêm thủ tục trích lục, trích đo cho dễ quản lý?

Thời gian gần đây, một số người dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An bức xúc khi đến giải quyết hồ sơ (HS) hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai thì Trung tâm Hành chính công (TTHCC) huyện yêu cầu phải nộp thêm bản trích lục hoặc trích đo bản đồ địa chính (BĐĐC). Điều này, khiến thủ tục, HS càng thêm rườm rà, gây mất thời gian, chi phí đi lại cho tổ chức, cá nhân.

Từ tháng 8/2018, thủ tục trích lục, trích đo bản đồ địa chính được thực hiện tại Trung tâm Hành chính công huyện Đức Hòa

Từ tháng 8/2018, thủ tục trích lục, trích đo bản đồ địa chính được thực hiện tại Trung tâm Hành chính công huyện Đức Hòa

Thêm thủ tục để thu tiền?

Ông N.T.M, ngụ thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, bức xúc: “Tôi đến TTHCC huyện làm thủ tục tách thửa đất cho con, được cán bộ, công chức làm việc tại đây yêu cầu phải có giấy trích lục hoặc trích đo BĐĐC. Để bổ túc HS, tôi đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện hợp đồng đo đạc mất khá nhiều thời gian, chi phí nhưng gần 3 tháng qua vẫn chưa xong”.

“Tôi thấy nhiều địa phương khác trong tỉnh như TP.Tân An, Kiến Tường, Thủ Thừa,... người dân làm thủ tục tách thửa, sang tên, chuyển nhượng đất đâu có yêu cầu giấy trích lục hoặc trích đo như ở huyện Đức Hòa. Họ chỉ cần thực hiện công chứng HS rồi nộp tại TTHCC huyện, sau đó, trung tâm liên thông HS đến Chi nhánh VPĐKĐĐ tự trích lục hoặc trích đo BĐĐC, không phải mất thời gian, chi phí đi lại, hợp đồng đo đạc như ở Đức Hòa” - bà N.T.L, ngụ xã Đức Hòa Đông, phàn nàn.

Giám đốc TTHCC huyện Đức Hòa - Nguyễn Tấn Lực cho biết, trước đây, HS hành chính thuộc lĩnh vực đất đai (HS có yêu cầu trích lục, trích đo) được tiếp nhận, giải quyết tại Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện. Sau cuộc họp giữa lãnh đạo huyện với một số sở, ngành tỉnh, từ tháng 8/2018, thủ tục trích lục, trích đo BĐĐC được thực hiện tại TTHCC huyện. Tuy nhiên, do thủ tục trích lục, trích đo BĐĐC chưa được đưa vào bộ thủ tục hành chính của tỉnh nên chưa cập nhật trên phần mềm theo dõi giải quyết HS cũng như chưa có quy định cụ thể, gây khó khăn cho công tác quản lý của huyện đối với thủ tục này.

Theo Phó Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện - Huỳnh Thị Xuân Hồng, sở dĩ những HS hành chính thuộc lĩnh vực đất đai có yêu cầu trích lục hoặc trích đo là do liên quan đến nghĩa vụ tài chính cắt ranh. Nếu phiếu chuyển không thể hiện đầy đủ thông tin là vị trí thửa đất từ 0m-50m thì Chi cục Thuế huyện khó thu tiền người dân.

Riêng ở Đức Hòa có bổ sung thủ tục trích lục, trích đo đối với một số HS hành chính thuộc lĩnh vực đất đai vì trước đây, công tác chỉnh lý biến động của địa phương chưa cụ thể, kịp thời nên có những HS chưa trích được từ chủ cũ sang chủ mới. Hiện, huyện có 5 xã cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai: An Ninh Đông, Lộc Giang, Đức Lập Hạ, Mỹ Hạnh Nam và Mỹ Hạnh Bắc. Khi 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu đất đai, ngành chuyên môn chỉ cần lên hệ thống là có thể trích lục, trích đo, không cần phải đo đạc, thẩm định lại thửa đất.

Bổ sung thủ tục không phải vì “cò”

Ông L.T.P, ngụ xã Lộc Giang, bộc bạch: “Mặc dù trong bộ thủ tục hành chính của tỉnh không có thủ tục trích lục, trích đo BĐĐC nhưng TTHCC huyện vẫn yêu cầu khách hàng đến thực hiện HS hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, thậm chí những người có hộ khẩu nằm trên địa bàn 5 xã hoàn thành dữ liệu đất đai cũng phải bổ sung giấy trích lục hoặc trích đo BĐĐC. Để bổ túc HS nhanh, chúng tôi không chỉ tốn phí hợp đồng đo, thẩm định xác lập BĐĐC mà còn bỏ tiền thuê người am hiểu làm hộ giấy tờ”.

Theo Phó Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện - Huỳnh Thị Xuân Hồng, hiện 5 xã hoàn chỉnh dữ liệu đất đai vẫn còn nhiều trường hợp người dân xâm canh trong quá trình ngành chuyên môn thực hiện trích đo yêu cầu họ đến cấp đổi nhưng họ không đến. Vì vậy, khi họ có nhu chuyển nhượng thì phải hợp đồng trích đo lại để xác định ranh giới thửa đất. Bên cạnh đó, không ít trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tín chấp vay ở ngân hàng, khi họ lấy ra không đi làm thủ tục cấp đổi (theo quy định không bắt buộc người dân cấp đổi) mà bán luôn cho người khác.

“Việc bổ sung thủ tục trích lục, trích đo BĐĐC trên địa bàn không phải để gây khó dễ cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho “cò” hoạt động mà để huyện dễ dàng xác định nghĩa vụ nộp thuế. Toàn huyện hiện có 187.038 HS chưa được chỉnh lý biến động, trước đây, kinh phí phục vụ công tác này do huyện cấp, từ 01/01/2017, giao về cho đơn vị, chủ yếu sử dụng nguồn thu phí thẩm định HS chuyển quyền sử dụng đất” - Phó Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện - Huỳnh Thị Xuân Hồng khẳng định.

Thêm thủ tục trích lục, trích đo cho dễ quản lý?

Đầu năm 2018 đến ngày 17/10/2018, TTHCC huyện tiếp nhận 72.204 HS (có 6.459 HS tồn kỳ chuyển sang); trong đó, đã giải quyết 66.500 HS, quá hạn 6.459 HS (chiếm 9,71%), chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai. Theo thống kê của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, hiện nay, TTHCC huyện Đức Hòa là một trong những đơn vị có tỷ lệ HS trễ hạn cao của tỉnh.

“Ngày 13/7/2018, UBND huyện có Văn bản số 5.603 kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ tỉnh xem xét, trình UBND tỉnh đưa thủ tục trích lục, trích đo BĐĐC vào bộ thủ tục hành chính của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, huyện vẫn chưa nhận được công văn chỉ đạo của cấp trên liên quan đến vấn đề này; rất mong lãnh đạo tỉnh sớm xem xét, giải quyết để có quy trình thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh và làm cơ sơ cho Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cập nhật phần mềm quản lý, góp phần tạo thuận lợi cho địa phương đối với thủ tục trích lục, trích đo BĐĐC” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Trường Chinh kiến nghị./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết