Tiếng Việt | English

11/02/2016 - 10:08

Hỗ trợ đầu ra cho nông sản, nông dân vui như tết

Một trong những cách tốt nhất để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam nói chung và những sản phẩm đặc trưng của Long An nói riêng đó chính là tìm “đầu ra” bền vững. Đây là một trong những vấn đề bức thiết mà các cấp, các ngành chức năng cùng chung tay giải quyết trước mắt và có định hướng lâu dài.


Sở Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu, trưng bày nông sản đặc trưng của Long An tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Mai Hương

Tìm đầu ra cho nông sản

Thời gian qua, nhiều thương lái gặp trực tiếp nông dân (ND) đặt vấn đề lựa chọn các loại nông sản cần trồng. Tuy nhiên, nếu sản xuất theo kiểu đồng loạt, đại trà thì khi thu hoạch, những thương lái này sẽ quay sang ép giá, khiến ND chịu nhiều thiệt thòi. Thực tế trên từng diễn ra ở khắp nơi trên cả nước như: ND tỉnh Vĩnh Long bị lừa khi ồ ạt cùng nhau trồng khoai lang tím, hay ND tỉnh Sóc Trăng phải dở khóc, dở cười với mặt hàng củ hành tím,... Dù có nhiều bài học, song do thiếu hiểu biết, ham lợi nhuận trước mắt, nhiều ND vẫn bị dính vào các “bẫy” này.

Hiện nay, nhiều nông sản nổi tiếng của tỉnh nhà như: Chanh không hạt, thanh long, khóm,... vẫn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định với số lượng nhiều, nhiều mặt hàng rau sạch vẫn chưa có thương hiệu. Nguyên nhân do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Do đó, Sở Công Thương tập trung hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) tìm đầu ra cho nông sản bằng các hoạt động thiết thực như: Thực hiện liên kết với các hiệp hội nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, tìm giải pháp tối ưu trong việc khai thác, tìm thị trường cho sản phẩm; tăng cường liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà kinh doanh) trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể vùng sản xuất, vùng nguyên liệu; khuyến khích đưa công nghệ mới vào khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch; tận dụng nguyên liệu tại chỗ, lao động địa phương, kết hợp với du lịch để quảng bá sản phẩm.


Nông dân thu hoạch khóm.  Ảnh: Duy Bằng

Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Trần Thanh Minh cho biết: “Trước đây, chúng tôi sản xuất và tự tìm thị trường tiêu thụ. Nhưng từ khi Sở Công Thương phối hợp Liên minh HTX tổ chức các hoạt động giao lưu, giới thiệu sản phẩm, chúng tôi ký được những hợp đồng thu mua nông sản với số lượng ổn định, điều đó khiến ND rất phấn khởi”.

Xúc tiến thương mại

Để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, các địa phương cần hình thành một số mô hình tập trung chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Mối quan hệ giữa DN với HTX, ND cần được các địa phương quan tâm thực hiện thông qua các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ, khép kín từ cung ứng vật tư - tiêu thụ nông sản - chế biến và xuất khẩu. Phát triển các mô hình cây ăn trái theo hướng VietGAP; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - Công Hoàng Bạch, khó khăn trong việc tìm đầu ra cho nông sản của tỉnh hiện nay là một số HTX nông nghiệp hoạt động chưa đủ mạnh, chưa thực sự làm đầu mối để các hộ ND, xã viên ký kết hợp đồng với các DN; thiếu liên kết giữa người sản xuất với DN, chưa xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất tiến bộ theo hướng kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác phong phú ở nông thôn, bao gồm liên kết giữa các hộ ND với nhau và giữa ND với DN. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa quan tâm đến vấn đề xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại,...

Để làm được điều đó cũng như góp phần hỗ trợ tìm đầu ra cho nông sản đặc trưng của tỉnh, Sở Công Thương có vai trò rất quan trọng. Năm 2015, Sở Công Thương tổ chức 22 “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, các khu, cụm công nghiệp và vùng biên giới”; hỗ trợ DN tham gia 17 hội chợ triển lãm thương mại tại các tỉnh, thành phố và hỗ trợ DN tham gia hoạt động xúc tiến thương mại sang các quốc gia: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.

Từ năm 2009, Sở Công Thương hỗ trợ các HTX duy trì mặt bằng kinh doanh tại chợ đầu mối Bình Điền nhằm giúp các HTX có nơi kinh doanh ổn định. Năm 2013 đến nay, sở tăng cường hoạt động tham gia kết nối giao thương với TP.HCM và các tỉnh bạn. Trong những hoạt động đó, sở mời các đơn vị như: Ba Huân, San Hà, Vissan và các HTX rau an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản tham gia, từ đó, nhiều đơn vị ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, thông qua sàn giao dịch thương mại của tỉnh do sở chủ trì, các DN, HTX tham gia sẽ giới thiệu được những sản phẩm của mình ra thị trường và có dịp tiếp cận thêm nhiều khách hàng mới./.

“Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại cả thị trường trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ các DN, nhất là các DN có những sản phẩm đặc trưng như: Lúa, gạo, thanh long, chanh,... Đồng thời, chỉ đạo ngành Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra những hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là những hàng hóa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không rõ nguồn gốc, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như hỗ trợ các DN làm ăn chân chính” - Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Xuân Hồng cho biết.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết