Tiếng Việt | English

02/07/2018 - 17:50

Hỗ trợ hợp tác xã phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ hợp tác xã (HTX) nhằm góp phần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng năng suất và thu nhập cho người dân.

Nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả (Trong ảnh: Vườn ươm tại Hợp tác xã Phước Hòa, huyện Cần Đước)

Nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả (Trong ảnh: Vườn ươm tại Hợp tác xã Phước Hòa, huyện Cần Đước)

Nhiều chính sách hỗ trợ

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Đối với HTX điểm trên cây lúa, tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình điểm ứng dụng đồng bộ các kỹ thuật tiên tiến cho HTX Nông nghiệp Hưng Phú (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) và HTX Nông nghiệp Tân Tây (huyện Thạnh Hóa) với diện tích thực hiện 150ha. Đối với HTX điểm trên cây thanh long, HTX Thanh long Dương Xuân (huyện Châu Thành) được hỗ trợ củng cố tổ chức, bộ máy hoạt động, thông tin, tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh với số tiền 1 tỉ đồng. Đối với HTX điểm trên cây rau, HTX Rau an toàn Mười Hai (huyện Cần Đước) được hỗ trợ xây dựng nhà lưới; 4 thành viên của HTX được hỗ trợ vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh 120 triệu đồng. HTX Nông nghiệp rau, củ, quả Khánh Hậu (TP.Tân An) được hỗ trợ xây dựng mô hình điểm trên khổ qua và dưa leo. Đối với HTX điểm chăn nuôi bò thịt, hỗ trợ tuyên truyền và vận động thành lập HTX Chăn nuôi bò thịt Hòa Khánh Đông (huyện Đức Hòa), HTX Tây Hòa (huyện Đức Huệ); đồng thời, hỗ trợ các thành viên của HTX và người dân về thông tin, trang thiết bị, kỹ thuật, đi học tập kinh nghiệm chăn nuôi ở một số địa phương khác,...”.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX được tập trung thực hiện. Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II thường xuyên mở các lớp tập huấn ngắn hạn tuyên truyền về Luật HTX năm 2012 và các chính sách của Nhà nước, xây dựng phương án kinh doanh cho hội đồng quản trị các HTX điểm.

Bên cạnh đó, chi cục còn phối hợp Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác hỗ trợ tư vấn phát triển HTX Hưng Phú (huyện Vĩnh Hưng), HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Bình Hòa (huyện Mộc Hóa) củng cố tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành theo đúng Luật HTX năm 2012; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh ngắn hạn, dài hạn (hàng năm, 3 năm, 5 năm) theo hướng khả thi và hiệu quả; hướng dẫn quản lý sổ sách, chứng từ kế toán đúng quy định tài chính của các HTX; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và hỗ trợ xúc tiến thương mại (thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu,...).

Hầu hết thành viên các HTX tham gia dự án VnSAT đều được tập huấn về quy trình “1 phải, 5 giảm” và “3 giảm, 3 tăng”, góp phần giảm thiểu lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất và lợi nhuận.

Giám đốc HTX 1/5 (huyện Tân Hưng) - Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “HTX thành lập năm 2013 và sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Hiện, diện tích sản xuất lúa của HTX là 310ha. Vụ Đông Xuân vừa qua, HTX có 50ha sản xuất theo hướng CNC. Vụ Hè Thu 2018, HTX tiếp tục thực hiện 70ha lúa sản xuất theo hướng CNC và 50ha sản xuất theo hướng hữu cơ hoàn toàn, có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Giá lúa trong mô hình cao hơn ngoài mô hình khoảng 800 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn trên 3 triệu đồng/ha.Kết quả này là nhờ sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp”.

Tiếp tục phát triển

Mục tiêu đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 16 HTX điểm ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có 13 HTX điểm nằm trong vùng triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC.

Mô hình ứng dụng phân hữu cơ vi sinh Fito - Long An

Mô hình ứng dụng phân hữu cơ vi sinh Fito - Long An

Năm qua, tỉnh có 10/16 HTX điểm hoạt động hiệu quả với tổng doanh thu gần 5 tỉ đồng, lợi nhuận 450 triệu đồng/năm; 6 HTX còn lại mới thành lập, đang trong giai đoạn củng cố. Ngành nghề hoạt động của các HTX khá đa dạng: Dịch vụ nông nghiệp (làm đất, bơm nước, thu hoạch lúa,...); mua bán vật tư nông nghiệp, nông sản; tham gia sản xuất (rau an toàn, lúa giống, thanh long,...).

Hiện nay, có 5/16 HTX điểm có hợp đồng liên kết doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra (cây lúa có 4 HTX, cây rau có 1 HTX).HTX thanh long hiện chưa liên kết được với doanh nghiệp nên chủ yếu bán cho thương lái.HTX bò thịt đang hỗ trợ kết nối, tìm nơi tiêu thụ thông qua các lò giết mổ tại địa phương.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng, thời gian tới, ngành phối hợp các sở, ngành tỉnh và địa phương tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về kinh tế hợp tác, sản xuất nông nghiệp ƯDCNC; củng cố tổ chức, tư vấn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động HTX; hoàn thành củng cố tổ chức, bộ máy của 16/16 HTX theo Luật HTX năm 2012; 100% cán bộ quản lý HTX được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo kiến thức; hỗ trợ HTX sản xuất theo quy trình sản xuất VietGAP (đối với các HTX rau, lúa, thanh long,...), sản xuất theo quy trình chăn nuôi hướng an toàn sinh học đối với HTX bò thịt; xây dựng mô hình ƯDCNC; 16/16 HTX có trụ sở hoạt động và có bảng tên; hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX do Liên minh HTX tỉnh quản lý; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các HTX;.../.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết