Tiếng Việt | English

22/05/2019 - 08:45

Họa sĩ Đặng Ái Việt: Mỗi bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng là một lời tri ân

8 năm, hơn 2.000 bức vẽ Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) cả 3 miền, tổ chức 5 triển lãm tranh chân dung Bà mẹ VNAH trên khắp Việt Nam với họa sĩ Đặng Ái Việt vẫn chưa đủ. Khi nào còn mẹ chưa được vẽ chân dung là nữ họa sĩ còn tiếp tục cuộc hành trình. Bởi với bà, mỗi bức chân dung là một lời tri ân sâu sắc dành cho đồng đội đã hy sinh.

Họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Chỉnh, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành

Họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Chỉnh, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành

Đã biết họa sĩ Đặng Ái Việt qua báo chí, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được gặp và theo chân bà trong hành trình vẽ chân dung các Mẹ VNAH. Nữ họa sĩ bình dân đến ngỡ ngàng! Bà xuất hiện trên chiếc “cánh phượng” quen thuộc với đầy đủ dụng cụ vẽ và lỉnh kỉnh vật dụng khác cần có cho những chuyến đi xa. Ngoài 70 tuổi, nữ họa sĩ chưa hề “ngán” bất cứ cung đường nào dẫn về nhà các mẹ, dù đó là vùng cao hiểm trở, vùng sâu đường sá gập ghềnh hay những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo bụi phủ.

Với bà, được gặp và vẽ chân dung Mẹ VNAH là một niềm vui. Bà nói: “Các mẹ chính là tình yêu của tôi”. Tình yêu đó giúp bà vượt qua mọi khó khăn. Trong suốt hành trình 8 năm độc hành của mình, bà chưa từng biết sợ bất cứ điều gì, chỉ sợ mình “chậm chân” khi tìm về với mẹ. Bà chia sẻ: “Công trình tôi đang thực hiện như một cuộc “rượt đuổi nghiệt ngã”, mà có khi tôi đến nơi thì mẹ đã không còn. Có nỗi buồn nào hơn như thế! Lần này, tôi trở về Long An, cầm trên tay danh sách 190 Mẹ VNAH nhưng đến nay, khi gần kết thúc hành trình, tôi chỉ vẽ được khoảng 180 mẹ mà thôi...”.

Đằng sau hình ảnh mỗi Mẹ VNAH là một câu chuyện bi hùng, sự hy sinh lớn lao cho đất nước. Từng tham gia chiến đấu trên chiến trường, họa sĩ Ái Việt hiểu rõ sự khắc nghiệt của chiến tranh và nỗi đau khi đồng đội hy sinh. Đó là một trong những động lực to lớn để nữ họa sĩ thực hiện công trình của mình. Với bà, mỗi bức chân dung về Mẹ VNAH được hoàn tất là một lời tri ân dành cho anh linh đồng đội đã hy sinh. Đó là cách mà "người lính Cụ Hồ" trả nợ đời, nợ nghiệp, nợ cố nhân. Họa sĩ chia sẻ: “Tôi cũng là phụ nữ nên hiểu nỗi lòng những người mẹ khi sinh ra và nuôi dưỡng đứa con của mình. Các mẹ là người gánh chịu nỗi đau lớn nhất khi chồng, con hy sinh trên chiến trường. Không thể so sánh được người mẹ nào vĩ đại hơn! Đối với tôi, hình ảnh các mẹ đủ để khái quát cả cuộc chiến tranh. Các mẹ chính là hình ảnh đại diện cho đất nước, quá trình đấu tranh anh hùng của cả dân tộc”.

Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Khởi và Trịnh Thị Tỏ do Họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ

Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Khởi và Trịnh Thị Tỏ do Họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ 

Khi hàng loạt triển lãm tranh chân dung Bà mẹ VNAH được tổ chức từ Bắc vào Nam và nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng, cứ ngỡ họa sĩ sẽ an tâm khép lại công trình cùng những tháng ngày rong ruổi. Nhưng không, năm 2013, Nghị định 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH” có hiệu lực, thêm nhiều Mẹ VNAH được phong tặng, truy tặng thì nữ họa sĩ lại tiếp tục lên đường. Bà khẳng định, khi nào còn Mẹ VNAH chưa được vẽ chân dung thì bà còn tiếp tục, dù mẹ ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam này!

Hơn 70 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, nữ họa sĩ vẫn miệt mài trên những cung đường để tìm về cùng các mẹ, chỉ vì một “món nợ” tự “vương mang”. Bởi ngoài sự tri ân, bà còn mong mỏi được truyền lại cho thế hệ sau những giá trị lớn lao mà cha ông dày công gìn giữ. Thêm vài mươi năm nữa, khi các mẹ về với Bác thì những bức chân dung còn lưu lại cùng những câu chuyện kể về nỗi đau, chia ly, mất mát, sự hy sinh thầm lặng cho Tổ quốc, dân tộc của các mẹ đáng giá biết dường nào!

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt nguyên là phóng viên Báo Phụ nữ Giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Bà đã rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc trong 8 năm để khắc họa trên 2.000 chân dung các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đây là công trình mang tên “Hành trình nét thời gian” của họa sĩ, khắc họa chân dung các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Tại Long An, đến nay có khoảng 290 Mẹ Việt Nam Anh hùng được họa sĩ vẽ chân dung. Hành trình tại Long An của họa sĩ dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 5/2019. Sau đó, họa sĩ tiếp tục ra các tỉnh phía Bắc.

Với mong muốn lưu truyền lại những giá trị quý báu từ công trình của mình, họa sĩ sẵn sàng tặng, bán hoặc cho các bảo tàng mượn tranh khi có nhu cầu trưng bày, lưu trữ. Đến nay, bà tặng 300 bức chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tặng 100 bức cho Bảo tàng Quân khu 7 và bán cho Bảo tàng Mỹ thuật 70 bức chân dung. Toàn bộ tiền bán tranh, bà thay mặt các mẹ gửi đến chiến sĩ Trường Sa.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết