Tiếng Việt | English

03/10/2016 - 15:47

Hoàn thiện cơ chế để cải thiện môi trường đầu tư

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), xác định nhiệm vụ tập trung khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trong đó, thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng. Vì vậy, các cấp, các ngành trong tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế để cải thiện môi trường đầu tư cũng như nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.


Long An luôn "Đồng hành với nhà đầu tư, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của mình"

Cải thiện chỉ số PCI qua dịch vụ công trực tuyến

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành cũng như nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương, qua đó, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Thời gian qua, các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản và thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, dịch vụ công trực tuyến cũng được các sở, ngành trong tỉnh thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, các chỉ số: cải cách hành chính, PCI, PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) từng bước được cải thiện, góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho lao động trong và ngoài tỉnh, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo báo cáo từ Sở Thông tin-Truyền thông, tính đến giữa tháng 8-2016, các cơ quan trong tỉnh triển khai và vận hành 37 dịch vụ mức 3+ và 4 dịch vụ mức 4, tăng 18 dịch vụ công trực tuyến so với 6 tháng đầu năm.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Phan Nhân Duy thông tin: Thực hiện nhiệm vụ nâng cao chỉ số PCI thông qua nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh công bố kịp thời các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu giải quyết thủ tục. Đồng thời, sở đầu tư trang thiết bị hiện đại tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, tích hợp trang thông tin điện tử của sở vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh,...

Sở TN&MT cũng tiến hành rà soát, đánh giá, kiến nghị phương án, sáng kiến đơn giản hóa đối với 2 thủ tục hành chính và trình UBND tỉnh ban hành 4 quyết định công bố sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT, UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Riêng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, có 33 thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa và 55 thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông.

Đặc biệt, để góp phần hiện đại hóa hành chính công, Sở TN&MT phối hợp Viễn thông Long An thực hiện thông báo qua tin nhắn điện thoại đối với cá nhân, tổ chức khi tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại sở hoặc qua mạng. Qua đó, khách hàng có thể biết được tình trạng giải quyết hồ sơ của mình. Sở cũng đưa dịch vụ công mức độ 3 đối với 9 thủ tục hành chính (1 thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, 6 thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên nước, 2 thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường) đi vào hoạt động.

Ban Quản lý Khu kinh tế là đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Ngoài ra, Ban còn là đơn vị cung cấp dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế. 

Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế - Trần Văn Bình thông tin: Phần mềm quản lý, điều hành trong công tác quản lý nhà nước của Ban đang sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, từ ngày 1-6-2016, Ban áp dụng thực hiện dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 cho một số thủ tục trong lĩnh vực xây dựng, môi trường và lao động; đến nay, số lượng hồ sơ nộp qua hệ thống trên 30 hồ sơ. Điểm đặc biệt của dịch vụ công này là các tổ chức, cá nhân chỉ 1 lần duy nhất đến Ban Quản lý để nhận kết quả, góp phần tiết kiệm chi phí trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Sau 3 tháng triển khai áp dụng các dịch vụ công trực tuyến này, các tổ chức, cá nhân đánh giá rất cao về hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp.


Một góc Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc

Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Với phương châm “Đồng hành với nhà đầu tư, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của mình”, lãnh đạo tỉnh tập trung chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, trọng tâm là cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận các thủ tục hành chính.

Ông Trần Văn Bình cho rằng, công tác cải cách hành chính được xem là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của Ban. Lãnh đạo Ban thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở toàn thể công chức nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao với tinh thần là người “phục vụ tổ chức, cá nhân”, có đạo đức công vụ chuẩn mực khi thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài tập trung cải cách hành chính, thời gian qua, Long An dành nhiều sự quan tâm cho việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư cũng như các dự án hiện hữu trên địa bàn thông qua các buổi đối thoại cùng doanh nghiệp, thăm hỏi, động viên doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong các cuộc tiếp xúc với đại diện doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh đều nhấn mạnh, thời điểm hiện nay, phương thức quảng bá mang lại hiệu quả một thì việc làm hài lòng, chăm sóc nhà đầu tư hiện hữu mang lại lợi ích gấp mười lần. Vì vậy, việc tiếp cận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp rất cần thiết. Điển hình như cuộc đối thoại với doanh nghiệp tại huyện Đức Hòa vừa qua, hầu hết doanh nghiệp thứ cấp “thỏa lòng” với những quyết định của lãnh đạo tỉnh trong việc nhà đầu tư thứ cấp phản ánh nhà đầu tư hạ tầng áp mức phí duy tu hạ tầng, phí nước khá cao,...

Với những gì đã và đang thực hiện hiệu quả trong thu hút đầu tư, mong muốn đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững cũng như thái độ trân trọng tâm huyết của các nhà đầu tư, tin rằng, Long An tiếp tục đón thêm nhiều nhà đầu tư lớn trong thời gian tới./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết