Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ trẻ em tốt hơn

Những năm qua, tình trạng trẻ em bị lạm dụng tình dục cũng như bị bạo hành về thể xác ngày càng tăng cao. Thực trạng đau lòng đó, trước hết phải kể đến hệ thống văn bản pháp luật chưa cụ thể và mức xử phạt chưa đủ độ răn đe. Khung pháp luật hiện hành mới chỉ tập trung điều chỉnh một số hình thức xâm hại tình dục trẻ em có tính chất nghiêm trọng mà chưa điều chỉnh những hình thức ít nghiêm trọng hơn như quấy rối tình dục, dâm ô trẻ em, mặc dù những hành vi này cũng để lại những tổn thương sâu sắc về tâm lý cho nạn nhân vốn ngây thơ, thiếu kỹ năng sống và chưa biết cách tự bảo vệ. Bên cạnh đó, một số hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn chưa được điều chỉnh; việc phát hiện, tố giác tội phạm, và quy trình tiếp nhận, bảo mật thông tin, bảo vệ nhân chứng trong các vụ liên quan đến trẻ em cũng chưa được quy định cụ thể, khiến nhiều trường hợp rất khó khăn trong việc thực thi pháp luật.

Thực tế hiện nay cho thấy, số vụ trẻ em bị bạo hành, xâm hại ngày càng tăng một phần cũng do công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa thực sự hiệu quả, có lúc có nơi còn xem nhẹ. Việc dạy những kỹ năng sống cho trẻ em chưa được nhiều gia đình và nhà trường chú trọng, khiến trẻ dễ rơi vào nhóm có nguy cơ cao, thậm chí đôi khi chính trẻ lại trở thành thủ phạm bạo lực, xâm hại những trẻ em khác. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác cũng đã tác động không nhỏ đến việc trẻ em bị bạo hành như: Nước ta hiện chưa có hệ thống các dịch vụ bảo vệ trẻ em chắc chắn, liên tục và chuyên nghiệp. Việc bảo vệ trẻ em chủ yếu còn dựa vào gia đình, trong khi chính nơi đây vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ. Các cơ sở, văn phòng tư vấn tâm lý cho trẻ em còn thiếu và hoạt động chưa hiệu quả. Đội ngũ làm công tác trẻ em nhiều nơi chưa thực sự chuyên nghiệp, do đó việc thu thập thông tin về tình hình trẻ em không đầy đủ, thiếu chính xác; nguồn lực dành cho các hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu.

Trẻ em chính là tương lai của đất nước, đồng thời, cũng là những “búp non trên cành” rất dễ bị tổn thương và cần được chăm sóc, bảo vệ. Vì vậy, đã đến lúc phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó chú trọng những quy định về việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho trẻ, cũng như trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều biện pháp chế tài nghiêm và đủ mạnh để răn đe, giáo dục những đối tượng có hành vi vi phạm. Làm được như vậy thì trẻ em mới có điều kiện để phát triển toàn diện và trở thành người có ích cho xã hội trong tương lai./.

Nguyễn Thy Khuê 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích