Tiếng Việt | English

13/07/2017 - 16:11

Hoạt động của nhiều hợp tác xã ngày càng hiệu quả

Toàn tỉnh Long An hiện có 133 hợp tác xã (HTX), trong đó có 87 HTX nông nghiệp. Thời gian qua, một số HTX nông nghiệp, dịch vụ,... tích cực huy động nhiều nguồn vốn đầu tư mua sắm tư liệu sản xuất hiện đại, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phục vụ sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả.

Xu thế của hội nhập đó là sản phẩm phải an toàn

Ông Nguyễn Văn Hải - thành viên HTX Gò Gòn, huyện Tân Hưng cho biết: “Hiện nay, nhiều HTX từng bước khắc phục tồn tại, đổi mới công tác quản lý, điều hành, trình độ cán bộ quản lý được nâng cao và xác định đúng hướng hoạt động, tổ chức thêm ngành nghề mới, chủ động hơn trong cơ chế thị trường, hiệu suất sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng. Người dân thấy được sự cần thiết và hiệu quả của HTX với mục tiêu giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất, khắc phục một số yếu kém của kinh tế hộ: Thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Thời gian qua, Giám đốc HTX cố gắng thể hiện vai trò của mình trong việc tìm nguồn vật tư nông nghiệp chất lượng, góp phần làm lợi cho xã viên. Nhằm bảo đảm liên kết lâu dài, tôi cam kết và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng lúa theo HTX, có như vậy mới tạo ra lúa đạt chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế”.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn - Trương Hữu Trí chia sẻ thêm: "HTX với quy mô sản xuất nông nghiệp trên 450ha. Mô hình liên kết sản xuất thật sự cần thiết và có lợi nhiều mặt: Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, tạo ra chuỗi giá trị nông sản sạch cung cấp cho công ty xuất khẩu, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống người dân. Khi nông dân tham gia HTX, lợi nhuận trung bình khoảng 28 triệu đồng/ha, cao hơn so với bên ngoài 5 triệu đồng/ha. Thời gian qua, HTX liên kết với Công ty Phước Sơn xuất khẩu gạo, xây dựng vùng lúa nguyên liệu trong cánh đồng lớn của tỉnh và thu hút được 103 thành viên, qua đó, giảm chi phí sản xuất, ổn định đầu ra sản phẩm. Đồng thời, HTX ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, đầu tư cơ bản thiết bị nhà kho tạm trữ lúa và thiết bị máy nông nghiệp, áp dụng tiến độ khoa học - công nghệ".

Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa, huyện Cần Đước - Kiều Anh Dũng cho biết: "HTX Rau an toàn Phước Hòa thành lập vào tháng 10/2006. Lúc mới thành lập, HTX có 32 thành viên, diện tích canh tác 4,7ha, vốn điều lệ 50 triệu đồng, đến nay phát triển được 38 thành viên, diện tích gieo trồng 19,7ha, vốn điều lệ 200 triệu đồng, vốn góp thành viên 253,5 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn huy động vốn nhàn rỗi của 8 thành viên được 350 triệu đồng, mua sắm xe tải phục vụ vận chuyển hàng hóa cho HTX. Đến nay, với sự nỗ lực cao, chúng tôi cố gắng tạo dựng tên tuổi cho rau an toàn và giúp xã viên, nông dân trong vùng có thu nhập khá hơn, đời sống ngày càng được nâng cao".

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - Nguyễn Thanh Hải cho biết: "Thực tế cho thấy, chất lượng hoạt động của các HTX bắt đầu chuyển biến mạnh từ năm 2015 và đặc biệt là năm 2016. Số lượng các HTX không tăng nhưng chất lượng có nhiều thay đổi tích cực, đó là dấu hiệu rất phấn khởi. Số HTX tham gia liên kết và tiêu thụ sản phẩm cũng tăng. Xu thế của hội nhập đó là sản phẩm phải an toàn, hướng tới các tiêu chuẩn như VietGAP hoặc xuất khẩu thì cần tiêu chuẩn cao hơn nữa. Nếu HTX cứ sản xuất manh mún và không có chứng nhận chất lượng sản phẩm, xuất xứ, nguồn gốc thì trước xu thế hội nhập ngày càng sâu, hàng hóa nước ngoài tràn vào thì mình thua ngay trên sân nhà. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, tạo đầu ra ổn định, tạo thương hiệu của riêng mình là mục đích mà các HTX luôn hướng đến".

Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của HTX, từ đó đồng lòng tham gia, góp phần tăng hiệu quả hoạt động của HTX. Đối với các HTX không hiệu quả, cần xem xét có thể chuyển đổi sang mô hình khác phù hợp hơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cho biết./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết