Tiếng Việt | English

09/02/2017 - 19:37

Hoạt động khởi nghiệp cần vốn và đầu ra sản phẩm

Phong trào khởi nghiệp từ việc kinh doanh đã và đang lan tỏa rộng rãi từ nông thôn đến thành thị. Khởi sự kinh doanh thành công và bền vững là khát vọng, mong đợi của tất cả các doanh nhân.

Thanh long hiện là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh và là cây trồng làm giàu của khá nhiều nông dân. Bên cạnh đó, việc thu mua, chế biến trái thanh long sau thu hoạch cũng được nhiều doanh nghiệp thực hiện và thành công. Điển hình là anh Nguyễn Thân Ái - Giám đốc Công ty (Cty) TNHH MTV Hương vị trái cây Việt (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).

Dù chỉ xuất hiện mới hơn 3 năm nhưng sản phẩm thanh long của Cty chế biến khá phong phú, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước. Bình quân sản lượng thu mua và bán ra trái thanh long trong năm 2016 của Cty khoảng 100.000 tấn; trong đó, xuất khẩu chiếm trên 30%.


Cơ sở sản xuất, chế biến thanh long của Công ty TNHH MTV Hương vị trái cây Việt

Theo anh Thân Ái, do Cty giữ chữ tín nên thị trường ngày càng mở rộng. Đặc điểm lớn nhất trong mua bán thanh long với khách hàng là phải “gối đầu” vốn trong vòng 1-2 tháng mà nguồn vốn thu mua thanh long thì khá lớn. Vì vậy, khách hàng không thiếu nhưng việc thiếu hụt nguồn vốn thường xuyên diễn ra đối với Cty trong khi hạn mức vay từ ngân hàng thì quá nhỏ.

Việc sản xuất và kinh doanh cơm mẻ của anh Đỗ Văn Hương - Chủ cơ sở Cơm mẻ Nhất Hương (ấp Giồng Ngang, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) xuất phát từ bản thân và nhiều bạn bè, xóm giềng thích các món ăn được chế biến từ cơm mẻ nhưng không biết cách làm, phải đi mua hoặc xin người quen. Anh nghĩ, tại sao mình không thử chế tạo cơm mẻ đóng gói để bán cho những người có nhu cầu? Thế là anh bắt tay vào nghiên cứu và chế biến cơm mẻ để bán theo dạng đóng gói với nhiều kích cỡ khác nhau để khách hàng sử dụng và bảo quản.


Anh Đỗ Văn Hương và sản phẩm cơm mẻ trong một lần tham gia hội chợ, triển lãm tại TP.HCM

Thời gian đầu liên tiếp gặp thất bại nhưng anh Hương vẫn kiên trì làm với quyết tâm cao độ. Sau mỗi lần thất bại, anh rút thêm một kinh nghiệm và tìm cách khắc phục, hoàn thiện kỹ thuật,... Từ hơn chục mẫu nghiên cứu, anh đúc kết được công thức chuẩn và cuối cùng đưa cơm mẻ thành sản phẩm đóng gói thành công với tên gọi "Cơm mẻ Nhất Hương".

Anh Đỗ Văn Hương cho biết: Hiện sản phẩm có 3 mẫu đóng gói: 120ml (giá 3.500 đồng), chai nhựa 500ml (giá 13.000 đồng), bình nhựa 5l (giá 120.000 đồng), đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều đối tượng khách hàng như hộ gia đình, quán ăn hay nhà hàng. Cơm mẻ có thể dùng nấu lẩu, nấu canh, các món xào, gỏi hay làm nước chấm,... Sản phẩm không dùng phụ gia hoặc các chất bảo quản hóa học.

Hiện tại, "Cơm mẻ Nhất Hương" được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm nghiệm và cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Sau thời gian không lâu khi bắt tay vào sản xuất, "Cơm mẻ Nhất Hương" bắt đầu hành trình chinh phục thị trường thông qua việc tiếp thị các chợ truyền thống và siêu thị. Ngoài ra, anh Hương còn quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ, trung tâm triển lãm;... để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Anh Hương cho biết thêm: “Khó khăn lớn nhất hiện nay của cơ sở vẫn là đầu ra chưa như mong muốn. Bởi, nếu có đầu ra lớn thì tôi sẽ sản xuất hàng loạt; như vậy, giá thành sản phẩm sẽ hạ xuống. Tuy nhiên, một khi thực hiện đam mê thì tôi sẽ kiên trì và tiếp tục nghiên cứu hướng đi cho sản phẩm cũng như đa dạng sản phẩm”.

Từ việc nghĩ rằng, đậu phộng là một trong những đặc sản khá nổi tiếng của Đức Hòa với hương vị đặc trưng hơn nhiều địa phương khác, nhóm 3 người trẻ gồm: Phan Hoàng Hiệp, Nguyễn Duy Tín và Nguyễn Thị Lan Viên (xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa) cùng hợp tác nghiên cứu chế biến món đậu phộng rang nước mắm, muối ớt bán ra thị trường dù món ăn này được khá nhiều hộ kinh doanh trong huyện thực hiện.


Sản phẩm đậu phộng rang của Công ty TNHH TM-DV-XNK Tín Phát

Để tạo sự khác biệt, các bạn trẻ này quyết định thành lập Cty với tên gọi Cty TNHH TM-DV-XNK Tín Phát nhằm tạo thương hiệu và chú trọng đến an toàn thực phẩm. Phan Hoàng Hiệp cho biết: “Khi bắt tay vào kinh doanh, thị trường mà Cty hướng đến là đối tượng có thu nhập trung bình thuộc khu vực thành thị nên chúng tôi chú trọng mẫu mã sản phẩm, bao bì và đóng gói”.

Do nguồn vốn còn hạn chế nên chỉ giới thiệu sản phẩm thông qua bạn bè, người thân chứ không qua phương tiện truyền thông. Hiện tại, mỗi tháng, Cty chỉ sản xuất khoảng 2.000 hộp đậu phộng. Phan Hoàng Hiệp cho biết thêm, khó khăn lớn nhất hiện nay của Cty vẫn là thị trường tiêu thụ.

Trên thực tế, hoạt động khởi nghiệp đang diễn ra khắp nơi, nhiều bạn trẻ mong muốn được làm chủ chính mình và sáng tạo trong công việc. Tuy nhiên, quá trình vận hành hoạt động khởi nghiệp hay làm chủ chính mình còn nhiều khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ. Điều mong muốn lớn với họ là nguồn vốn được khơi thông và các ngành chức năng có thể làm cầu nối kết nối được với các đơn vị phân phối hàng hóa do họ sản xuất đồng loạt ra thị trường, đến với người tiêu dùng./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết