Tiếng Việt | English

30/01/2019 - 20:20

Học người xưa để uống rượu có văn hóa

Có nhiều vụ án, vụ việc không hay do người uống rượu gây ra. Nào uống rượu lái xe gây tai nạn thảm khốc, rồi uống rượu sinh mâu thuẫn, đâm chém nhau,... Người Nga có câu: “Với người say thì biển chỉ sâu tới đầu gối”. Người Ấn Độ: “Hãy đứng cách xa con voi 7 bước, cách xa con bò rừng 10 bước và cách xa người say rượu 30 bước” là vậy!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Rượu được coi là một trong những phát minh lâu đời nhất của loài người. Thoạt kỳ thủy, rượu dùng để dâng cúng tổ tiên hoặc cúng bái, tế lễ trong các tín ngưỡng dân gian... Ông bà ta đã chẳng nói: “Mâm cao cỗ đầy không tày chén rượu” và “vô tửu bất thành lễ” đó sao? Trong các giao tiếp xã hội, rượu còn được coi là “rượu tình rượu nghĩa”. Khi con trai lớn lên thích lấy con gái nhà ai làm vợ thì việc đầu tiên là cha mẹ chàng trai mang rượu đến nhà cha mẹ cô gái để dạm hỏi (lễ bỏ rượu) và trong lễ cưới, chàng rể, cô dâu cùng mời cha mẹ hai bên mỗi người uống một ly rượu để thay lời tạ ơn sinh thành, dưỡng dục của song thân.

Hơn ngàn năm trước, nhà thơ, nhà hiền triết cổ đại Ba Tư Oma Khayam có bài thơ (qua bản dịch): Rượu chỉ cấm với những người ngu ngốc/ Chứ không cấm người thông minh có học/ Uống rượu là cần nếu anh biết rằng anh/ Uống với ai, khi nào và mấy cốc. Từ “ngu ngốc” của Khayam chỉ người uống rượu không làm chủ được mình. Người Nhật có câu: Chén thứ nhất: người uống rượu. Chén thứ hai: rượu uống rượu. Chén thứ ba: rượu uống người. Rượu uống người là ma men làm chủ lý trí (“ma đưa lối, quỷ dẫn đường”), làm bậy. Oma Khayam viết tiếp: Mỗi lần say, giữa khi đang vui nhất/ Hết cốc này đến cốc kia, ngây ngất/ Xin các bạn nhớ một điều/ Các bạn vui mà Khayam vắng mặt. Khayam không thể ngồi lại với cảnh uống rượu xô bồ xô bộn được, nên xin rút lui êm. Nhà hiền triết mách bảo: Không ai cấm ta ngồi uống vài ba chén nhỏ/ Với những người ta yêu, người thông minh, đức độ/ Nhưng nhớ uống vừa vừa, thỉnh thoảng uống làm vui/ Và đừng khoe mình say, đừng báng bổ (Uống rượu mà báng bổ, nói xấu người vắng mặt, cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng gọi đó là “rượu độc”!). Khayam nâng cốc, bảo: Cốc rượu này, uống đi, vì trăng hoa trong đó/ Vì tuổi thơ, niềm vui và bài ca trong đó. Trăng hoa, tuổi thơ, niềm vui và bài ca trong cốc rượu là bao nhiêu vẻ đẹp mà đời đã ưu ái ban tặng ta, ta hãy uống đi!

Nhà văn Anh Fergus Hamilton Allen ca ngợi: Whisky là nguồn nhựa sống, là phương thuốc tiên dành cho hạnh phúc. Whisky là mặt trời chiếu sáng tình bạn, là mặt trăng soi sáng tình yêu. Ai cũng biết rượu Whisky ngon nổi tiếng ở phương Tây được chưng cất từ lúa ngâm nước nóng với công nghệ lên men. Mỗi khi gặp khách quý, người ta thường rót Whisky ra cốc mời cụng ly; chủ, khách nhắp từng chút một để gây cảm hứng trao đổi công việc với nhau, chứ không cạn hết cốc này rót cốc khác.

Ở nước ta, cụ Tam Nguyên Yên Đổ từng ca: Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua không phải không tiền không mua, vì cụ chỉ uống mỗi khi có bạn hiền. Nhà văn Võ Văn Trực viết về ông nội mình - một thầy lang túc nho, có bạn đồng môn là ông đồ Tú Vệ. Mỗi lần đôi bạn già gặp nhau tại nhà, thế nào cũng bày mâm ra nhâm nhi với một nậm (bình nhỏ, cổ cao) chứa rượu ngon ngâm thuốc và một con cá rô nướng dầm mắm gừng. Ấy thế mà hai cụ chén tạc chén thù bình thơ kim cổ, thế sự nọ kia - tâm đắc cả ngày chưa chán. Còn thi sĩ Nguyễn Vĩ nhớ bạn Trương Tửu thì: Nay ta thèm rượu nhớ mong ai/ Một mình rót uống chẳng buồn say/ Trước kia hai thằng hết một nậm/ Trò chuyện dông dài mặt đỏ sẫm/ Nay một mình ta một be con/ Cạn rượu rồi thơ mới véo von. Cạn rượu rồi cất tiếng thơ véo von, ngất ngưởng mới đã! Đỗ Huy Nhiệm uống “rượu tương tư”: Đang ngồi say khước bên ao vắng/ Tha thẩn nhớ người không nhớ tôi/ Chiều nay nàng đến trong ly rượu/ Tôi uống vơi vơi hết cả nàng/ Tôi uống dặt dìu từng hớp một/ Sợ mai nàng bận chẳng buồn sang. Quang Dũng - nhà thơ Tây tiến, thì: Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mơ...

Người Thăng Long (Hà Nội ngày nay) có tiếng thanh lịch từ xưa. Dư địa chí của Nguyễn Trãi có viết về phong vật đất Thượng Kinh (Thăng Long) nổi tiếng rượu sen và rượu cúc. Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút có ghi hai danh tửu này với cách uống của người Thăng Long: “Khi nào có khách cần thết rượu thì chỉ dùng cái chén nhỏ bằng đầu ngón tay và chỉ uống vài chén rồi thôi ngay; nếu mời uống quá chén thì ai cũng chê là say đắm”. Thế cho nên cố nhà văn Nguyễn Tuân - qua bút ký Nhà văn về làng của cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng - thì đi đâu ông cũng thủ sẵn chai rượu Làng Vân (rượu đặc sản Hà Nội) với cái chén mắt trâu (chỉ bằng đầu ngón tay cái) trong túi vải mang vai để lâu lâu nhắp một chút. Thấy ai uống bằng ly to, cụ bảo “uống trâu”, không nhã thú gì cả. “Uống trâu” ồn ào “trăm phần trăm” hoặc “vào 3 ra 7” (vào trễ, uống 3 ly; ra về sớm, uống 7 ly liền một hơi) khiến nhà văn thấy hãi. Oma Khayam có tái thế chắc cũng kêu: “Các bạn vui còn Khayam xin... rút lui!”.

Sử chép, vua Trần Nhân Tông (1258-1308) là vị minh quân anh hùng hai lần chiến thắng quân Nguyên - Mông (1285 và 1287). Sau khi nhường ngôi cho con trai trưởng Trần Thuyên (vua Trần Anh Tông) thì làm Thái thượng hoàng với câu nói nổi tiếng: “Ta trút bỏ ngôi vua như trút bỏ đôi giày rách”. Lên làm vua, Trần Anh Tông còn trẻ người, nổi tiếng hào hoa phong nhã, giỏi cả cầm kỳ thi tửu. Một hôm, vua uống rượu xương bồ với bá quan trong triều, say khướt đến độ Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường về, vua không hay để nghinh đón; cung nhân lay gọi mấy vua cũng không tỉnh rượu. Thượng hoàng quá giận, bỏ về Thiên Trường. Tới chừng tỉnh rượu, nghe tâu lại, vua Anh Tông hốt hoảng chạy tìm Đoàn Nhữ Hài sai thảo tờ biểu để vua dâng lên Thượng hoàng tạ tội. Sau khi xem sớ - toàn văn hay chữ tốt - lời lẽ thống thiết thề ăn năn hối cải để toàn tâm toàn ý chăm lo việc triều chính, Thượng hoàng mới nghiêm khắc cảnh cáo: “Trẫm còn các con khác có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?”. Vua Anh Tông rập đầu tạ tội. Từ đó về sau, vua không còn dám uống rượu tới mức say nữa, và trở thành vị vua sáng của Đại Việt (1276-1320) ở ngôi suốt 21 năm giữ yên nước thái bình, thịnh trị rồi nhường ngôi cho con là Trần Mạnh (vua Trần Minh Tông), còn mình làm Thái thượng hoàng giúp vua con trị nước.

oOo

Hàng năm cứ từ tháng 10 âm lịch đến mùa Tết Cổ truyền là cao điểm uống rượu, bia... Nhà vật lý học Pháp Langevin nói: “Rượu làm ra là để người ta nếm chứ không phải để uống”. Nếm chỉ đủ thấm môi, chép chép cái miệng. Hay như câu thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: Hơi men cùng nhắp lại mềm môi. Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì: Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp. Nhắp chút chút để thưởng thức: Một ly cho đỏ mặt/ Cho lên hương cuộc đời (Quang Dũng) chứ không “trăm phần trăm. Dzô!” đâu nhé! Đại văn hào Anh Shakespeare dù khá mạnh rượu cũng bảo: “Nên uống rượu với sợi dây cương trên cổ”. Có vậy mới tránh được “tửu nhập tâm như hổ nhập lâm”... ./.

Phiếm đàm của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích