Tiếng Việt | English

03/07/2017 - 05:59

Học nhiều, ít vận động, trẻ bị thấp còi!

Những tư vấn của các chuyên gia xoay quanh việc chăm sóc và dạy dỗ con là gợi ý cho các bậc phụ huynh lên lịch thời khóa biểu hợp lý cho con mình, trong đó cần nới lỏng chuyện vui chơi, vận động của trẻ.

Việc học với trẻ nhỏ ngày càng áp lực về thời gian và kỳ vọng từ người lớn. Môi trường và nhịp sống đô thị càng hối hả, thiếu không gian thư giãn khiến nhiều bậc phụ huynh quên mất chuyện vận động, vui chơi với trẻ là một nhu cầu thiết yếu.

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM chia sẻ, nhiều phụ huynh đặt mục tiêu hàng đầu với trẻ em là học. Đây là 1 thiệt thòi cho các em. Nhiều bé chỉ lo học, phát triển thể chất chậm, trong khi vóc dáng và sức khỏe theo suốt cuộc đời các em.

Với trẻ nhỏ, mỗi ngày học tối đa 8 tiếng, 8 tiếng để các bé ngủ, 8 tiếng còn lại trẻ cần vận động thể lực giải trí, ăn uống…

Cha mẹ cũng cần lưu ý, không nên cho trẻ vận động thụ động quá nhiều. Các vận động thụ động như chơi game, đánh đàn, coi phim….không quá 1 tiếng/ngày.


Cho trẻ vận động thể lực cũng chính là để rèn luyện kỹ năng an toàn cho trẻ. Ảnh: Phương Nguyệt

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên viên tư vấn Hội Liên hiêp Thanh niên Việt Nam cho rằng, những trẻ thông minh thường rất nghịch ngợm hay hiếu động. Những cái nghịch ngợm của trẻ giúp tăng sự thông minh, sáng tạo. Như vậy nếu hạn chế hoạt động của bé là hạn chế phát triển trí thông minh của con em mình. Nếu trẻ chỉ được chơi trong không gian hẹp trong nhà, chơi các sản phẩm công nghệ thì càng hại hơn

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, trường Đại học Sư phạm cho biết phụ huynh nên cho trẻ vui chơi bên ngoài, nơi công cộng. Ngay cả những nơi cha mẹ cho là “nguy hiểm” lại chính là những nơi trẻ học được các kỹ năng sống như vận động an toàn, hòa nhập với bạn bè, kỹ năng tránh bị ăn hiếp…

Bà Ninh Thị Hồng - Ủy viên Thường vụ thường trực Hội Bảo vệ Quyền trẻ em nhìn nhận các em ngày càng phải học quá nhiều, học ở trường, học thêm… thời gian vui chơi ngày càng ít, thiếu hoạt động ngoài trời, cộng đồng. Những bé được cha mẹ cho tiếp xúc với nhiều hoạt động bên ngoài, tiếp xúc với nhiều người thường nhanh nhẹn, tháo vát. Còn những bé chỉ gói gọn hoạt động của con trong nhà trường và trong ngôi nhà của mình thôi thì trẻ dễ thụ động. Khi có tình huống nào xảy ra thì các bé đối phó lúng túng./.

Phương Nguyệt/VOH

Chia sẻ bài viết