Tiếng Việt | English

18/05/2020 - 09:58

Học theo Bác từ những điều bình dị

Những câu chuyện xúc động về tình yêu thương, lòng vị tha; những tấm gương tận tụy vì cộng đồng,... có sức lan tỏa lớn trong xã hội. Mỗi người một việc làm khác nhau nhưng đều học Bác từ những điều bình dị trong cuộc sống.

Nhân lên những điều tốt đẹp

Đó là câu chuyện về trưởng khu phố 1, phường 1, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An - Nguyễn Hồng Châu. Ở ngưỡng tuổi 70 với 30 năm làm trưởng khu phố 1, ông học theo Bác từ những điều bình dị trong cuộc sống, nhất là về công tác vận động, gắn bó với cơ sở. Chúng tôi gặp ông trong một buổi trưa nắng gắt tại nơi làm việc. Đó là một trụ sở ngăn nắp, treo đầy giấy khen, bằng khen của khu phố cũng như bản thân ông về nhiều phong trào thi đua, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tại vị trí trang trọng của trụ sở, ông thờ ảnh Bác. Đặc biệt, tất cả vật dụng tại trụ sở gồm bàn, ghế, tủ, loa, ti vi,... đều không phải tiền của nhà nước đầu tư mà do người dân mua tặng khu phố. Họ quý ông bởi phong cách làm việc, giúp được nhiều cho dân nên dành một số tiền hỗ trợ.

Ông nói: “Tôi luôn ghi nhớ câu thơ của Bác: “Gốc có vững, cây mới bền/Xây lầu hạnh phúc trên nền nhân dân”. Trong bất cứ giai đoạn nào, Đảng và Nhà nước phải lấy dân làm gốc và đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Do đó, khi tuyên truyền, vận động nhân dân, chúng tôi nắm rõ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải tìm hiểu hoàn cảnh, gia đình của đối tượng mà mình hướng đến, tránh hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Có như vậy, người dân mới tin tưởng mình”.

Một trong những tuyến đường do ông Châu vận động thực hiện

 

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là hô hào những điều sáo rỗng, không phải những gì đao to búa lớn. Tôi học Bác từ những điều giản dị - việc gì tốt thì phải gắng sức làm”.

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Tân An - Huỳnh Công Hùng

Có lẽ vì vậy mà nhiều năm qua, một số vấn đề ở địa phương gặp khó khăn khi vận động người dân nhưng với uy tín cá nhân, đó lại là chuyện dễ dàng với ông. Điển hình phải kể đến chuyện người dân tự lập miếu thờ tại một con đường trong khu phố. Câu chuyện cũng chẳng có gì nếu như cái miếu đó không được xây dựng kiên cố, ngày càng có nhiều người đến đốt nhang, cúng bái,... gây mất trật tự, an toàn giao thông cũng như ảnh hưởng đến một số vấn đề khác tại địa phương. Ông nhiều lần báo với chính quyền về hướng xử lý và đã có nhiều đợt địa phương đến tuyên truyền, giải thích, vận động di dời miếu... nhưng chuyện cứ đâu vào đó. Hiểu được đây là vấn đề tâm linh, sau khi tìm được hướng giải quyết, ông mời người thành lập miếu đến trụ sở khu phố để trò chuyện. Sau khi nghe hướng giải thích của ông có sự thấu tình, đạt lý, họ đồng thuận. Ông thông báo địa phương, chọn ngày tốt, dưới sự chứng kiến của người dân, miếu được di dời về Chùa Tường Vân, cách đó 150m.

Song song đó, ông còn đến nhà dân để thông tin, vận động người dân hiến đất, làm đường, kéo điện thắp sáng,... đối với một số công trình địa phương. Với ông, gắn bó với dân điều quan trọng nhất là phải hiểu dân, lắng nghe dân. Vì vậy, bất cứ công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm, ông đều đi trước để vận động, đến khi đưa ra họp, tỷ lệ đồng tình mới đạt cao nhất. Bao năm gắn bó cơ sở, có biết bao công trình, phần quà được ông vận động hỗ trợ cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Gần đây nhất là bêtông hóa 3 công trình với số tiền lên đến trên 2 tỉ đồng.

Tận tụy với công việc

Đạo Phật với tinh thần “Từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha” nên ngoài chuyện tu hành, chúng tôi còn hướng đến những việc thiện để giúp ích cho đời. Ở Bác có biết bao điều để học. Mỗi người chỉ chọn điều gần gũi nhất với mình để học và làm theo”.

Sư cô Thích nữ Diệu Nguyên (Nguyễn Thị Thủy) - Trụ trì chùa Vạn Phước, xã Phước Đông, huyện Cần Đước

Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, trong đó có khoảng 17 năm giảng dạy tại Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.Tân An, cô Lê Thị Ngọc Huệ dành hết tâm huyết của mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Là giáo viên giảng dạy môn Tiếng Anh, để thu hút học sinh, cô không chỉ nắm vững kiến thức mà còn pha chút khôi hài trong những tiết học. Những giờ lên lớp, cô khuyến khích, phát huy tính sáng tạo trong học tập bằng cách cộng điểm thi đua, dành thời gian cho các em tham gia trò chơi từ vựng, khuyến khích các em nghe nhạc tiếng Anh,... “Bản thân tôi phải thường xuyên tự học, tự rèn luyện không chỉ qua sách, vở, những lớp bồi dưỡng do ngành giáo dục và đào tạo tổ chức mà tôi trau dồi thêm kiến thức, học nghe, nói trên các mạng trực tuyến.” - cô Huệ thổ lộ. Từ suy nghĩ đó, những tiết học của cô luôn hấp dẫn học sinh bởi những hình ảnh, đoạn phim, clip ngắn về tiếng Anh, đoán từ vựng. Cô cũng là một trong những giáo viên có nhiều sáng kiến trong giảng dạy và được Hội đồng Khoa học của trường công nhận. Năm học 2018-2019, với sáng kiến “một số phương pháp dạy listening (nghe) hiệu quả” tạo hứng thú cho học sinh, giúp học sinh không còn thấy áp lực đối với môn tiếng Anh. Với cô, thay vì dạy “suông” để kịp chương trình, cô gợi ý, định hướng nhiều ý để học sinh có thể suy nghĩ, nắm chắc kiến thức.

Cô Huệ nhận hoa của Thành ủy Tân An tại dịp sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị

Từ năm 2016 đến nay, cô còn đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Nhiệm vụ nào cô cũng hoàn thành tốt. Với những thành tích đó, cô nhận bằng khen trong thi đua “Dạy tốt - Học tốt” của Công đoàn Giáo dục Việt Nam; bằng khen Liên đoàn lao động tỉnh; là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 2 năm 2018 và 2019;...

Thông tin từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp nhân dân. Nhiều cá nhân, tập thể với những mô hình hay, sáng tạo từ những việc làm nhỏ nhất nhưng cũng góp phần vào việc học tập và làm theo gương Bác, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống đời thường./.

Ai cũng biết lời Bác dạy thì nhiều, nhưng chẳng phải ai cũng dễ chọn cho mình bài học để thực hiện theo. Tôi nghĩ rằng việc học tập và làm theo Bác cả về đạo đức, tư tưởng, phong cách là một việc làm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Chúng ta ai cũng có thể học tập và làm theo Bác. Mà thật ra chọn một bài học để làm theo chẳng gì khác ngoài việc chu toàn bổn phận của mỗi người trong công việc, cuộc sống hàng ngày. Bởi lẽ lời dạy của Bác luôn xuất phát từ chính thực tiễn vốn có của cuộc sống chứ chẳng phải điều gì quá xa lạ”.

Bà Lê Kim Âu, ngụ xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết