Tiếng Việt | English

16/06/2015 - 17:19

Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh: 10 năm một chặng đường

Không chỉ là những người mở đường, tiếp lương thực, tải đạn,... trong hai cuộc kháng chiến ác liệt chống pháp và chống Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam mà lực lượng cựu thanh niên xung phong (TNXP) trong thời bình vẫn hăng hái hoàn thành nhiệm vụ, giáo dục truyền thống yêu nước của thế hệ trẻ. Trải qua gần 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, Hội Cựu TNXP tỉnh không chỉ làm tốt vai trò là nhân chứng lịch sử mà còn giải quyết chế độ, chính sách, chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho những người đồng đội năm xưa.

Lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo Hội Cựu TNXP trao nhà Nghĩa tình đồng đội

Củng cố tổ chức hội

Để có thể tập hợp, giải quyết chế độ chính sách và chăm lo đời sống cho những cựu TNXP, hội đã chú trọng tới công tác tổ chức, phát triển hội viên (HV). Ngay từ đầu thành lập chỉ với 224 HV, đến nay toàn tỉnh đã phát triển gần 4.000 HV là cựu TNXP qua các thời kỳ. Hầu hết 15/15 huyện, thị xã, thành phố có tổ chức hội, có 82/167 hội cơ sở xã, phường, thị trấn đi vào hoạt động. Trong đó, trên 360 HV là đảng viên, một số ít là cán bộ, công chức và cán bộ đã nghỉ hưu. Còn lại đa số sau khi rời đơn vị TNXP về lại cuộc sống đời thường. Một số ít người rơi vào hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật, có đời sống đặc biệt khó khăn, đa số là nữ cựu TNXP.

Theo nhận xét lãnh đạo hội, hệ thống tổ chức từ cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố hoạt động đúng theo điều lệ hội, đúng theo pháp luật, góp phần đưa công tác hội ngày càng có hiệu quả. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 1 và 2.

Đến các phong trào

Một trong những hoạt động được đánh giá có hiệu quả và nổi bật của hội chính là phong trào “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế - Vì nghĩa tình đồng đội” tại một số huyện như Vĩnh Hưng, TP.Tân An, Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Tân Trụ. Ngoài ra, các mô hình sản xuất, kinh doanh như nuôi cá, nuôi trăn ở huyện Tân Hưng, nuôi heo tại huyện Mộc Hóa từ nguồn sổ tiết kiệm của chương trình “Dấu ấn tuổi xuân”, mô hình hỗ trợ bò, thỏ giống xoay vòng 2 năm từ quỹ vận động Nghĩa tình đồng đội của huyện Đức Hoà trên 350 triệu đồng; mô hình hợp tác xã dịch vụ TNXP huyện Thủ Thừa, mô hình tổ sản xuất than đá tổ ong ở xã Nhị Thành, mô hình trồng chanh, ớt, ổi,…. Tại huyện Đức Huệ, huyện Bến Lức, mô hình trồng cây thanh long tại huyện Châu Thành, mô hình trồng cây kiểng tại huyện Cần Giuộc sản xuất có hiệu quả, đã từng bước giúp cựu TNXP vươn lên trong cuộc sống. Họ không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn hỗ trợ đồng đội cùng vươn lên thoát nghèo.

Điển hình trong số ấy phải kể đến anh Dương Quốc Cường, hiện là chủ doanh nghiệp, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ. Để có được thành công như ngày hôm nay, ít ai biết rằng, anh đã vượt qua bao khó khăn và thử thách. Tháng 3-1987, anh gia nhập lực lượng TNXP Long An với địa bàn trên vùng Đồng Tháp Mười, biên giới Tây Nam Tổ quốc, làm nhiệm vụ khai hoang rà phá bom mìn xây dựng đồng ruộng, xây dựng vùng kinh tế mới. Đến năm 1991, anh xuất ngũ về quê làm ăn sinh sống. Lúc này, với đôi bàn tay trắng, không tài sản, gia đình gặp khó khăn. Nhiều đêm trăn trở, anh quyết tâm thoát nghèo từ việc tích cực đi cắt lúa mướn, đốn cừ tràm, từng có thời gian anh rời quê hương để tìm kế sinh nhai nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng. Sau đó, anh quyết định về quê vay mượn tiền để mua máy kéo cũ sửa chữa lại chở đất mướn. Với sự giúp sức của bạn bè và những người đồng đội năm xưa, anh xây dựng được cho gia đình một cơ ngơi khang trang như hiện nay. Doanh nghiệp của anh với ngành nghề chính là san lấp mặt bằng xây dựng công trình dân dụng, mua bán vật liệu xây dựng,... Đặc biệt, trong số những công nhân làm việc tại doanh nghiệp của anh, có đến hơn 10 người là con em của cựu TNXP. Năm 2011, anh đã đóng góp cho hội 15 triệu đồng để làm công tác nghĩa tình đồng đội.

Hội Cựu TNXP tỉnh được thành lập từ tháng 10-2005. Đến nay, hội được Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam nhận xét là một trong những đơn vị có phong trào mạnh trong cả nước. Đồng thời, được lãnh đạo tỉnh tin tưởng ủng hộ đánh giá cao về các mặt hoạt động. Gần 10 năm liên tiếp được Trung ương Hội tặng cờ thi đua xuất sắc, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và rất nhiều bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào. Đặc biệt, hội vừa được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Sống hơn nửa đời người, một mình thui thủi trong căn nhà xiêu vẹo, với trợ cấp chỉ vài trăm ngàn tiền chế độ tù đày, cuộc sống của bà Trương Thị Rền, ngụ xã Tân Phú, huyện Đức Hòa hết sức khó khăn. Khi nghe kể về cuộc đời của bà, ai cũng ngậm ngùi. Bà Rền tham gia cách mạng từ những năm Đồng Khởi 1960. 6 năm sau, bà không may bị giặc bắt. Dù bị tra tấn, bà vẫn kiên quyết không khai. Khi được thả về, bà tham gia cách mạng vào lực lượng TNXP. Đến năm 1972, bà về làm công tác Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho đến năm 2006. Gia đình bà có công nuôi giấu cán bộ cách mạng, chồng bà hy sinh năm 1969,... Ngày nhận được mái nhà Nghĩa tình đồng đội, bà cảm động không nói nên lời.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh- Mai Hữu Huấn cho biết, thời gian tới, các cấp hội tập trung đẩy mạnh 5 chương trình hoạt động, thực hiện việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nghiên cứu hình thành những mô hình liên kết làm kinh tế; phấn đấu không còn HV thuộc dạng hộ nghèo trong năm 2015; đưa hoạt động của hội ngày càng đi vào chiều sâu theo hướng ích nước lợi nhà và xây dựng hội ngày càng vững mạnh. Tập trung cùng chính quyền địa phương giải quyết các chế độ, chính sách đối với HV, cựu TNXP./.

Thanh Nga
 

Chia sẻ bài viết