Tiếng Việt | English

31/07/2018 - 11:18

Hỏi – đáp những quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Câu 1: Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng?

Trả lời:

Khoản 2, Điều 5, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng như sau: 

1. Chỉ đạo việc thực hiện các quy định sau:

a) Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

b) Tiếp nhận, xử lý kịp thời báo cáo, tố giác, tố cáo và thông tin khác về hành vi tham nhũng;

c) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo hành vi tham nhũng;

d) Chủ động phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng.

2. Gương mẫu, liêm khiết; định kỳ kiểm điểm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong việc phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng.

3. Chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Câu 2: Hành vi lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu cáo, vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có vi phạm pháp luật không? Xin cho biết các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Phòng, chống tham nhũng?

Trả lời:

Hành vi lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu cáo, vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân là vi phạm pháp luật. Khoản 3, Điều 10, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định nghiêm cấm việc “lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu cáo, vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác”.

Điều 10, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện gồm:

- Các hành vi tham nhũng: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

- Đe doạ, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.

- Lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu cáo, vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.

Câu 3: Để phòng ngừa tham nhũng trong việc mua sắm công và xây dựng cơ bản, Nhà nước ta đã quy định về công khai, minh bạch trong lĩnh vực này như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 13, Luật Phòng, chống tham nhũng, việc công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản được quy định như sau:

1. Việc mua sắm công và xây dựng cơ bản phải được công khai theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp mua sắm công và xây dựng cơ bản mà pháp luật quy định phải đấu thầu thì nội dung công khai bao gồm:

- Kế hoạch đấu thầu, mời sơ tuyển và kết quả sơ tuyển, mời thầu;

- Danh mục các dự án chỉ định thầu, lý do chỉ định thầu, thông tin về nhà thầu được chỉ định; danh mục các dự án đấu thầu hạn chế, nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, danh sách ngắn nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, lý do đấu thầu hạn chế, kết quả lựa chọn nhà thầu;

- Thông tin về cá nhân, tổ chức thuộc chủ dự án, bên mời thầu, nhà thầu, cơ quan quản lý hoặc đối tượng khác vi phạm pháp luật về đấu thầu; thông tin về nhà thầu bị cấm tham gia và thông tin về xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu;

- Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, hệ thống thông tin dữ liệu về đấu thầu;

- Báo cáo tổng kết công tác đấu thầu trên phạm vi toàn quốc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; báo cáo tổng kết công tác đấu thầu của bộ, ngành, địa phương và cơ sở;

- Thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đấu thầu.

Câu 4: Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, việc công khai, minh bạch về tài chính và ngân sách nhà nước được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Điều 15 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về công khai, minh bạch về tài chính và ngân sách nhà nước như sau:

1. Các cấp ngân sách, đơn vị dự toán ngân sách phải công khai chi tiết số liệu dự toán và quyết toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn, kể cả khoản ngân sách bổ sung.

2. Đơn vị dự toán ngân sách có nguồn thu và các khoản chi từ các khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật phải công khai mục đích huy động, kết quả huy động và hiệu quả việc sử dụng các nguồn huy động.

3. Tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ phải công khai các nội dung sau đây:

- Số liệu dự toán, quyết toán;

- Khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân (nếu có);

- Cơ sở xác định mức hỗ trợ và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ.

4. Dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước phải công khai các nội dung sau đây:

- Việc phân bổ vốn đầu tư trong dự toán ngân sách nhà nước được giao hằng năm cho các dự án;

- Dự toán ngân sách của dự án đầu tư theo kế hoạch đầu tư được duyệt, mức vốn đầu tư của dự án được giao trong dự toán ngân sách năm;

- Quyết toán vốn đầu tư của dự án hằng năm;

- Quyết toán vốn đầu tư khi dự án hoàn thành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước phải công khai các nội dung sau đây:

- Quy chế hoạt động và cơ chế tài chính của quỹ;

- Kế hoạch tài chính hằng năm, trong đó chi tiết các khoản thu, chi có quan hệ với ngân sách nhà nước theo quy định của cấp có thẩm quyền;

- Kết quả hoạt động của quỹ;

- Quyết toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Việc phân bổ, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước cho các dự án, chương trình mục tiêu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải công khai cho cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan và nhân dân nơi trực tiếp thụ hưởng biết.

7. Cơ quan thuế, cơ quan hải quan và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có thu phí, lệ phí phải công khai căn cứ tính mức thu, số thu thực tế, đối tượng miễn, giảm và căn cứ miễn, giảm các khoản thu ngân sách./.

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp Long An

Chia sẻ bài viết