Tiếng Việt | English

20/11/2018 - 16:01

Hỏi – đáp những quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Câu 1: Những đối tượng nào bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng?

Trả lời:

Các đối tượng phải chịu xử lý kỷ luật, xử lý hình sự khi phát hiện hành vi tham nhũng theo quy định tại Điều 68 Luật Phòng, chống tham nhũng bao gồm:

1. Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng (Tham ô tài sản; nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi).

2. Người không báo cáo, tố giác khi biết được hành vi tham nhũng.

3. Người không xử lý báo cáo, tố giác, tố cáo về hành vi tham nhũng.

4. Người có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.

5. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

6. Người thực hiện hành vi khác vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Câu 2: Pháp luật quy định việc xử lý đối với người có hành vi tham nhũng như thế nào?

Trả lời:

Điều 69 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về xử lý đối với người có hành vi tham nhũng như sau:

Người có hành vi tham nhũng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự; trong trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải bị buộc thôi việc; đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Câu 3: Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng chưa đến mức xử lý hình sự thì phải chịu các hình thức kỷ luật nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 78, 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Điều 52 Luật Viên chức năm 2010 thì cán bộ, công chức, viên chức nếu có hành vi tham nhũng chưa đến mức xử lý hình sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:

- Đối với cán bộ: khiển trách; cảnh cáo; cách chức; bãi nhiệm.

Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ; cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.

- Đối với công chức: khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.

Việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.

- Đối với viên chức: khiển trách; cảnh cáo; cách chức; buộc thôi việc.

Viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức nêu trên còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan; hình thức kỷ luật cách chức chỉ áp dụng đối với viên chức quản lý; quyết định kỷ luật được lưu vào hồ sơ viên chức.

Câu 4: Trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng?

Trả lời:  

Điều 16 Nghị định số 47/2007/NĐ-CP quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng như sau:

Doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thông qua việc thực hiện cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước và người lao động trong doanh nghiệp; thực hiện chế độ thống kê theo quy định của pháp luật; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện các quy định về kiểm soát nội bộ nhằm phòng, chống tham nhũng; khuyến khích việc phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng. Nghiêm cấm đưa hối lộ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền dưới mọi hình thức.

Doanh nghiệp ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp nhằm phòng ngừa tham nhũng, kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các hành vi tham nhũng phát sinh trong nội bộ hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý.

Câu 5: Pháp luật quy định như thế nào đối với trách nhiệm của doanh nghiệp trong thông báo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi tham nhũng?

Trả lời:

Điều 17 Nghị định số 47/2007/NĐ-CP quy định:

Khi phát hiện có hành vi tham nhũng thì doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi tham nhũng đó.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả xử lý cho doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đó biết.

Câu 6: Việc tham gia phòng, chống tham nhũng của ban thanh tra nhân dân được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 21 Nghị định số 47/2007/NĐ-CP quy định:

Ban Thanh tra nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở xã, phường, thị trấn và ở cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước.

Khi cần thiết, Ban thanh tra nhân dân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Người đứng đầu cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước giao cho xác minh những vụ việc nhất định.

Trong một số trường hợp, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm mời đại diện Ban thanh tra nhân dân tham gia giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở xã, phường, thị trấn, ở cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước. Ban thanh tra nhân dân có trách nhiệm cung cấp thông tin, cử người tham gia khi được yêu cầu./.

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp Long An

Chia sẻ bài viết