Tiếng Việt | English

02/10/2018 - 09:34

Hội Nông dân các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Nhiệm kỳ qua, công tác hội và phong trào nông dân (ND) trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các cấp Hội ND chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vận động hội viên (HV) ND nỗ lực hoàn thành cơ bản mục tiêu và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII đề ra. Chủ tịch Hội ND tỉnh - Phạm Chí Tâm dành cho phóng viên (PV) Báo Long An online cuộc trao đổi về những kết quả nhiệm kỳ 2013-2018 đã đạt.

Ông Phạm Chí Tâm

Ông Phạm Chí Tâm

► PV: Xin ông khái quát những nét nổi bật trong công tác hội và phong trào ND tỉnh nhiệm kỳ 2013-2018?

Ông Phạm Chí Tâm: Nhiệm kỳ qua, công tác tuyên truyền được đổi mới về nội dung, hình thức và đi vào chiều sâu. Tổ chức hội các cấp được củng cố và hoạt động có nề nếp với nội dung sinh hoạt phong phú, phù hợp nên thu hút ND tham gia tổ chức hội. Toàn tỉnh có 188 cơ sở, 987 chi hội, 4.564 tổ hội, qua đánh giá, xếp loại của năm cuối nhiệm kỳ, cơ sở hội xếp loại mạnh đạt 98%, chi hội xếp loại mạnh đạt 88%, tổ hội xếp loại mạnh đạt 75%, không còn chi hội yếu kém. Toàn tỉnh phát triển 41.853 HV (đạt 119,6% so với chỉ tiêu), nâng tổng số lên 176.554 HV, chiếm 102% so với tổng hộ nông nghiệp (2013 chiến 89,8%).

Các phong trào thi đua do hội phát động được duy trì và ngày càng phát triển theo chiều sâu, nhất là phong trào ND sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi đã tác động tích cực vào chương trình phát triển KT-XH, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ND, đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước trên địa bàn nông thôn.

Nhằm phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của tổ chức hội trong phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, các cấp hội phát động HV-ND thực hiện tốt vai trò chủ thể, đóng góp trên 750 tỉ đồng, 110.000 ngày công, hiến trên 250.000m2 đất xây dựng các công trình dân sinh, kết cấu hạ tầng. Vận động HV-ND tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, phát hiện và tố giác tội phạm, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn,...

► PV: Được biết, phong trào ND SXKD giỏi các cấp thực sự đi vào đời sống của các vùng nông thôn trong tỉnh, ông có thể cho biết thêm kết quả của phong trào?

Ông Phạm Chí Tâm: Phong trào “ND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh. Thông qua phong trào, có gần 730.000 hộ đăng ký thi đua đạt danh hiệu ND SXKD giỏi các cấp; qua bình xét, có gần 400.000 hộ đạt. Hộ SXKD giỏi có mức thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng, một số hộ có thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Nhiệm kỳ qua, có gần 17.000 hộ HV-ND thoát nghèo thông qua nhiều hình thức giúp đỡ như hỗ trợ nguồn vốn vay, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi,...

Thực tế cho thấy, phong trào ND SXKD giỏi từng bước giúp ND đoàn kết, gắn bó, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, thúc đẩy xây dựng các mô hình sản xuất mang tính bền vững, góp phần tích cực trong việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh.

Qua bình xét, có gần 400.000 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

Ngoài ra, Hội ND ký kết liên tịch với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận ủy thác từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và xây dựng Quỹ Hỗ trợ ND làm cầu nối giúp ND tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp, đầu tư vào sản xuất. Đến nay, Quỹ Hỗ trợ ND đang thực hiện 167 dự án, tổng nguồn vốn gần 28 tỉ đồng, hỗ trợ 1.714 hộ vay; dư nợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 900 tỉ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên 122.000 tỉ đồng.

Hội ND các cấp phối hợp các ngành liên quan mở gần 12.000 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho trên 370.000 lượt ND và phối hợp tổ chức được 926 lớp dạy nghề với 26.618 học viên, trong đó, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh trực tiếp tuyển sinh, đào tạo được 128 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ cho 2.772 học viên.

► PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt, phong trào ND và hoạt động công tác hội còn những khó khăn, hạn chế gì thưa ông?

Ông Phạm Chí Tâm: Nhiệm kỳ qua, công tác tuyên truyền, giáo dục của hội chưa được sâu, rộng, hiệu quả tác động chưa toàn diện. Chất lượng hoạt động và xây dựng hội có mặt hạn chế. Một số nơi, ban chấp hành cơ sở, chi, tổ hội chưa duy trì nề nếp sinh hoạt, số lượng HV-ND sinh hoạt chưa đồng đều, tỷ lệ chưa cao (đạt 76,3% HV hiện có). Hộ nông nghiệp trắng HV còn cao (hơn 5%) so với chỉ tiêu nghị quyết đại hội (2%); chậm phát hiện mô hình, điển hình để nhân rộng, công tác phối hợp các ngành chưa thường xuyên.

Các phong trào thi đua của hội chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, các hoạt động hỗ trợ ND phát triển sản xuất chưa đều khắp, vận động phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp và tham gia sản xuất theo mô hình thực hiện Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy (khóa X) chưa đạt hiệu quả cao,...

► PV: Thưa ông,từ những kết quả đã đạt và những hạn chế trong nhiệm kỳ qua, hội đề ra mục tiêu, giải pháp gì cho nhiệm kỳ mới?

Ông Phạm Chí Tâm: Mục tiêu của nhiệm kỳ mới là tiếp tục xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác hội và phong trào ND; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thông qua việc thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH của tỉnh; tăng cường các hoạt động hỗ trợ HV-ND để phát triển SXKD, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, phát huy vai trò nòng cốt của HV-ND trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới,...\

Phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH của tỉnh

Phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH của tỉnh

Về giải pháp cơ bản, Hội ND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, trọng tâm là các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, ND, nông thôn; về mục tiêu, nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội các cấp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).

Triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “ND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thông qua đổi mới công tác tuyên truyền, vận động HV-ND phát huy nội lực, sử dụng vốn hiệu quả, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường, chuyển đổi phương thức sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, khuyến khích ND đầu tư xây dựng mô hình mới, hiệu quả, mô hình kiểu mẫu để nhân rộng.

Các cấp hội đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ ND phát triển sản xuất; vận động HV-ND, mạnh thường quân, doanh nghiệp đóng góp kinh phí, cây giống, con giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, tạo việc làm cho hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống; quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ các ngân hàng, nguồn Quỹ Hỗ trợ ND để tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ ND phát triển sản xuất; phát huy tốt vai trò của tổ chức hội và HV-ND trong xây dựng nông thôn mới, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.

► PV: Xin cảm ơn ông!

Văn Đát - Hữu Bằng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết