Tiếng Việt | English

28/10/2016 - 18:51

Hội thảo truyền thông kết quả thực hiện dự án VnSAT tỉnh Long An năm 2016

Ngày 28/10, Ban Quản lý Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Long An phối hợp cùng UBND TX.Kiến Tường tổ chức hội thảo truyền thông về kết quả thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Ngày 28/10, Ban Quản lý Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Long An phối hợp cùng UBND TX.Kiến Tường tổ chức hội thảo truyền thông về kết quả thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Long An năm 2016.

Toàn cảnh hội thảo

Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Long An được triển khai thực hiện tại 23 xã thuộc 5 huyện, thị xã trên địa bàn gồm: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, TX.Kiến Tường, Mộc Hóa và Tân Thạnh với tổng diện tích vùng dự án là 49.593 hecta, số hộ tham gia dự án là 25.140 hộ, tổng kinh phí thực hiện dự án trong năm 2016 là 13,027 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn Ngân hàng thế giới (IDA) là 11,809 tỉ đồng, vốn đối ứng của tỉnh là 1,086 tỉ đồng và 132 triệu đồng vốn tư nhân, trong đó kế hoạch vốn được giao năm 2016 là 6,686 tỉ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn đã giải ngân cho dự án là 4,308 tỉ đồng, đạt 64,4% so với kế hoạch. Ngoài ra, Ban Quản lý Dự án đã tổ chức 94 lớp tập huấn 3 giảm, 3 tăng vụ Hè Thu năm 2016 cho trên 3.200 hộ sản xuất nông nghiệp, đạt 94% so với kế hoạch, mở được 2 lớp tập huấn về quy trình 1 phải 5 giảm, 2 lớp tập huấn chuyên đề về công tác tài chính và quản lý thực hiện dự án, 16 cuộc hội thảo, hội nghị giới thiệu dự án và lấy ý kiến của các đối tượng hưởng lợi từ dự án VnSAT tại các hợp tác xã.

Để dự án thật sự mang lại hiệu quả, trong thời gian tới, người nông dân cần phát huy tính chủ động, vai trò chủ thể của mình trong việc thực hiện dự án. Ngành nông nghiệp các huyện, thị xã khu vực nằm trong dự án cần nghiên cứu kỹ dự án và phối hợp chặt chẽ cùng các xã, các ngành liên quan để triển khai dự án, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Đồng thời, nâng cao kết cấu hạ tầng sản xuất, xây dựng thương hiệu lúa gạo, nâng cao năng lực quản lý của các tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, góp phần giúp cho ngành lúa gạo Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh, giảm tác động tiêu cực tới môi trường từ sản xuất lúa./.

Tuấn Hùng

Chia sẻ bài viết