Tiếng Việt | English

22/03/2016 - 05:37

Hội thảo về Biển Đông tại Liên bang Nga

Hội thảo chủ đề “Tranh chấp lãnh thổ và luật hòa bình trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay” được tổ chức ngày 21/3/2016 tại Học viện Tư pháp LB Nga

Hội thảo do Học viện Tư pháp Liên bang Nga (trực thuộc Tòa án Tối cao Liên bang Nga) đứng ra tổ chức, các đơn vị phối hợp là Khoa Luật hiến pháp và Luật quốc tế Học viện Tài chính Liên bang Nga, Ban Luật so sánh Viện thông tin khoa học xã hội - Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Cuộc hội thảo được tổ chức trong phạm vi lớn, thu hút được sự quan tâm tích cực của trên 100 chuyên gia, các nhà nghiên cứu thuộc các trung tâm nghiên cứu lớn của Nga và quốc tế. Các chuyên gia, học giả, nhà Việt Nam học của Nga và quốc tế đã tham gia hội thảo với nhiều thuyết trình về vấn đề Biển Đông và những tranh chấp trong khu vực đe dọa an ninh, hòa bình thế giới.

Tham dự hội thảo, ngoài lãnh đạo các đơn vị tổ chức, đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo có Tham tán Đại sứ quán các nước Iran, Cộng hòa Síp, Cộng hòa Azecbaizan tại Liên bang Nga, Chủ tịch Tổ chức liên minh quốc tế “Thủ lĩnh cộng đồng thế giới” (Tổ chức do Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga sáng kiến thành lập), đại diện thường trực một số nước cộng hòa, khu tự trị, tỉnh, thành phố lớn thuộc Liên bang Nga, đại diện Văn phòng Hội đồng Liên bang Nga, đại diện Viện kiểm sát tối cao Liên bang Nga, đại diện một số Ủy ban thuộc chính quyền thành phố Mátxcơva và nhiều đại diện cơ quan truyền thông lớn của Nga…

Hội thảo đã dành phần lớn thời gian thảo luận về tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Biển Đông, tập trung nêu những diễn biến mới nhất liên quan đến các hành động phi pháp của Trung Quốc như xây dựng đường băng, tổ chức bay thử nghiệm, lắp đặt hệ thống tên lửa đất đối không trên một số đảo đang tranh chấp… Các tham luận đã phân tích sâu các nguyên nhân, yếu tố lịch sử, hiện trạng tranh chấp hiện nay tại Biển Đông, dự báo những hành động tiếp theo của Trung Quốc trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông và khuyến nghị biện pháp giải quyết vấn đề này. Tất cả các chuyên gia, học giả đều khẳng định sự lo ngại về những diễn biến tình hình sẽ tiếp tục căng thẳng nếu Trung Quốc vẫn leo thang những hành động ngang ngược tại khu vực.

Tham luận của Tiến sỹ I.A. Umnova (Trưởng ban nghiên cứu hiến pháp và pháp luật Học viện Tư pháp thuộc Tòa án tối cao LB Nga) mang tên “Giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế” khẳng định: tranh chấp tại khu vực Biển Đông phải được giải quyết trên cơ sở tôn trọng Luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chuơng Liên hiệp quốc, Công ước quốc tế về Luật biển 1982, Tuyên bố ứng xử các bên tại Biển Đông… Bà cũng khuyến nghị một số cơ chế pháp lý cụ thể để giải quyết trong đó có việc đệ đơn lên Tòa án quốc tế Liên hiệp quốc, Tòa án công minh khu vực ASEAN, tòa án SCO..., cũng như giải pháp pháp lý mang tính nguyên tắc về đảm bảo hoà bình và an ninh tại Biển Đông như việc các nước ASEAN đẩy nhanh tiến trình thông qua Bộ quy tắc ứng xử các bên tại Biển Đông và tiến xa hơn là Hiệp ước trung lập tại Biển Đông.

Tiến sỹ G.M. Lokshin (Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN – Viện Hàn lâm khoa học Nga), trong tham luận “Biển Đông – Lò lửa của căng thẳng quốc tế” đã phê phán Trung Quốc sử dụng những biện pháp thô bạo chống lại ngư dân Việt Nam, cũng như việc một loạt lãnh đạo Trung Quốc, nhất là giới quân sự đã có những tuyên bố thù địch đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Ông khẳng định điều này đe dọa đến Việt Nam mà theo ông là một đất nước có sự ổn định chính trị cao nhất Đông Nam Á. Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã sáng suốt và có trách nhiệm khi đưa ra tất cả các biện pháp có thể để giải quyết tình hình tại Biển Đông một cách hòa bình, thông qua các biện pháp ngoại giao.

Tiến sỹ M.E. Trigubenko (Chuyên viên cao cấp thuộc Trung tâm chiến lược Nga tại Châu Á – Viện Hàn lâm khoa học Nga), trong tham luận “Leo thang xung đột tại Biển Đông – Những khiêu khích mới của Trung Quốc” đã phân tích rõ mưu đồ của Trung Quốc chiếm các vùng lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông thời gian gần đây. Bà dẫn lời của Giáo sư sử học, nhà nghiên cứu Việt Nam học Vladimir Kolotov cho rằng chiến thuật của Trung Quốc trong lấn chiếm lãnh thổ tại Biển Đông là một chiến thuật truyền thống của Trung Quốc, như một câu ngạn ngữ của chính Trung Quốc là: “ăn đất hàng xóm như tằm ăn dâu”.

Nhiều hình ảnh, tư liệu được mang đến hội thảo. Về hoạt động leo thang căng thẳng mới đây của Trung Quốc, bà vạch trần việc Trung Quốc tiếp tục khiêu khích Việt Nam trên Biển Đông khi thực hiện chuyến bay thử nghiệm trái phép đến một sân bay trên Đá Chữ Thập (một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp tại đây). Như nhiều học giả khác, bà nhận xét lập trường từ trước đến nay của Việt Nam liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa luôn nhất quán và Việt Nam có tất cả cơ sở pháp lý và bằng chứng để khẳng định chủ quyền của mình. Việt Nam luôn theo đuổi đường lối giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Trong tham luận “Những thách thức an ninh mới trên Biển Đông” Tiến sỹ V. Mosyakov (Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Phương Đông – Viện Hàn lâm khoa học Nga) cho rằng đã có sự lừa dối và phóng đại nghiêm trọng từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khi tuyên bố rằng Trung Quốc xây dựng những đảo nhân tạo trên Biển Đông là trong giới hạn chủ quyền của Trung Quốc, cũng như các phát ngôn khác của đại diện chính thức chính quyền Trung Quốc nói Trung Quốc làm tất cả những điều này là vì dân sinh và mục đích hòa bình.

Ông chỉ ra rằng Trung Quốc đã không tôn trọng và không thực hiện những thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ví dụ như thỏa thuận không bên nào được có những hành động có thể dẫn đến phức tạp thêm tình hình, không tham gia đối thoại trước với bên thứ ba (trong chuyến thăm của Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc hồi tháng 11/2011) hay tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại cuộc gặp với Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Vladivostok tháng 9/2012: “Trung Quốc và Việt Nam cần phải bình tĩnh và thể hiện sự kiềm chế trong vấn đề Biển Đông, gác tranh chấp bắt đầu cùng khai thác”. Ông bày tỏ sự lo ngại việc Trung Quốc mở rộng các đảo và xây dựng các công trình trên đó dễ biến các đảo này thành căn cứ quân sự (dạng như những tàu sân bay không chìm) và là mối đe dọa bùng nổ xung đột tại khu vực Biển Đông.

Cùng chung quan điểm lo ngại với những hoạt động leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông, Tiến sỹ T.A. Neelova (Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á – Viện Hàn lâm khoa học Nga) trong tham luận “Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông” đã nêu nhận định của các nhà ngoại giao và chuyên gia quốc tế về động thái của Trung Quốc trong việc quân sự hóa và xây dựng các công trình tồn tại lâu dài trên các đảo nhân tạo và đảo mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa có thể sẽ được lặp lại ở các đảo nhân tạo và các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Bà dẫn lời của chuyên gia Ian Storey tại Viện ISEAS của Singapore rằng Trung Quốc sẽ sớm đưa vũ khí ra Trường Sa trong vòng 1-2 năm tới và “điều này sẽ giúp Trung Quốc củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp của họ bằng những hành động cụ thể”.

Tác giả A. Svetov (Chuyên gia phụ trách về quan hệ với các tổ chức của chính phủ và truyền thông thuộc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế) trong tham luận “Chiến lược đối ngoại và những công cụ của các nước nhỏ tại Biển Đông” đã chứng minh sự mất niềm tin của các nước Đông Nam Á đối với Trung Quốc và cho rằng Trung Quốc đã không sẵn sàng tiếp nhận những nước này một cách bình đẳng, các nước này không thể hy vọng vào việc Trung Quốc tôn trọng lợi ích của mình.

Từ những phân tích về hậu quả nghiêm trọng và nguy cơ bùng phát xung đột tại Biển Đông do những hành động phi pháp của Trung Quốc, các diễn giả đều cho rằng giải pháp tốt nhất để giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông là thông qua đàm phán, tôn trọng luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như các nước ASEAN cần sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử các bên tại Biển Đông làm cơ sở pháp lý mang tính nguyên tắc để giải quyết các tranh chấp./.

CTV Quang Minh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết