Tiếng Việt | English

30/04/2020 - 19:55

Hồi ức của người cựu chiến binh

Trong những năm kháng chiến hào hùng, ông Phan Văn Đậm (thường gọi là ông Bảy), ngụ ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã chiến đấu, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Về với đời thường, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông hăng hái tham gia các hoạt động, phong trào do địa phương phát động.

Bảng sưu tầm chữ ký của Bác được ông Bảy giữ gìn
Bảng sưu tầm chữ ký của Bác được ông Bảy giữ gìn

Tiếp nối truyền thống gia đình

Ông Bảy sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, nhà nghèo, đông anh em, có người anh thứ hai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lúc mới lên 10, ông từng chứng kiến cảnh ba mẹ che chở, đánh lạc hướng quân địch, bảo vệ sự sống cho các chú, bác đang trú ẩn ở gia đình mình. “Ngày đó, ba mẹ tôi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Mỗi lần quân địch đến lùng sục, các chú phải chạy vào trong buồng trú ẩn, chuẩn bị súng đạn, khi tình huống xấu nhất xảy ra là sẵn sàng chiến đấu...” - ông Bảy hồi tưởng. 

Trong số những người từng được gia đình ông che chở, có một người rất thương ông Bảy, thường chỉ dạy cho ông những điều hay, lẽ phải. Rồi một ngày, người chú này hy sinh... Đó là một trong những nguyên nhân thôi thúc ông lên đường giết giặc. Năm 15 tuổi, ông Bảy tình nguyện tham gia cách mạng, công tác ở Ban Hậu cần tỉnh Long An. Ngày đó, ông cùng đơn vị hành quân qua nhiều địa bàn, làm nhiệm vụ tải vũ khí và tham gia chống càn. 

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, ông nhiều lần bị thương, thậm chí từng chết hụt. Vì vậy, nhiều đồng đội của ông thường gọi ông là “liệt sĩ sống”. Vừa trò chuyện, ông Bảy vừa chỉ cho chúng tôi xem những vết thương ở khắp cơ thể, trong đó nặng nhất là ở đầu, tay, chân,... Đáng chú ý nhất theo ông là những trận đánh ở Maren, Lương Hòa, Bình Đức,...

Ông kể, vào một buổi chiều khoảng 17 giờ năm 1969, khi cùng nhiều đồng đội đi xuồng trên sông qua xã Bình Đức ngày nay, đơn vị ông bị phục kích, nhiều đồng chí trúng mìn hy sinh. Riêng ông bị thương khắp người, tưởng chừng không thể qua khỏi. Sau khi bị rớt xuống sông, ông cố gắng bò lết lên bờ, tìm cách trú ẩn. Sau nhiều giờ lẩn trốn, vừa mất máu, vừa bị muỗi cắn trong đêm, ông tìm được hầm trú ẩn của du kích bỏ lại và ngất đi. Đến sáng hôm sau, khi tỉnh lại, ông thấy du kích vây quanh. Cũng may là sau đó, các đồng chí tập trung chạy chữa và đưa ông trở về Ba Thu. Sau thời gian điều trị, cơ thể ông dần bình phục nhưng sức khỏe không còn như xưa. 

Đến cuối năm 1974, đầu năm 1975, cuộc chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, quân ta liên tục tấn công và đánh nhiều trận. Bản thân ông lúc này làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, chi viện, hỗ trợ các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. 

Về với đời thường

Người lính Cụ Hồ trở về cuộc sống đời thường khi trên mình mang nhiều vết thương. Là thương binh 1/4, hiện tại sức khỏe ông suy yếu, đôi chân và tay cử động khó khăn. Hàng ngày, ông phải dùng thuốc để điều trị. Hướng đôi mắt buồn, ông xúc động: “Tôi may mắn hơn rất nhiều người khi trải qua cuộc kháng chiến vẫn còn sống, trở về nhà đoàn tụ bên gia đình. Nhiều đồng đội của tôi thì không thể...”.

Sau đó, ông làm Xã đội trưởng xã Thạnh Lợi. Sau khi xã Thạnh Hòa được chia tách từ Thạnh Lợi, ông chuyển về làm công tác thương binh - xã hội. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông có đến hơn 10 năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 2. Suốt thời gian này, ông tất bật với công việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là xây dựng các công trình giao thông. “Thời chiến, đây là vùng trắng, đường sá đi lại khó khăn, cuộc sống người dân vất vả. Mấy năm qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều công trình được hình thành, trong đó có tuyến đường đal bến đò Thạnh Hòa. Con đường nông thôn này hoàn thiện giúp người dân đi lại thuận tiện hơn...”. 

Nhiều năm cống hiến cho cách mạng, ông được nhận nhiều huân, huy chương các loại, trong đó có Huân chương tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận,... Là người rất yêu kính Bác, ông Bảy từng vinh dự được ra Hà Nội thăm Lăng Bác. Tại đây, ông được tặng bảng tượng trưng với nhiều chữ ký của Bác Hồ. Với ông, đây là phần thưởng vô giá. 

75 tuổi đời, 53 tuổi Đảng, ông Bảy dành trọn đời mình cho cách mạng. Nói về nguyện vọng của mình, ông mong rằng, thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước truyền thống, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết