Tiếng Việt | English

23/07/2019 - 11:25

Hơn 10 năm theo đuổi vụ kiện tranh chấp đất đai

Từ mảnh đất được thừa hưởng của cha mẹ, nhưng năm 2007 đến nay, mảnh đất ấy lại phát sinh tranh chấp với người anh họ do trước đây, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) xảy ra sai sót. Và cũng từ khi xảy ra tranh chấp đất đai, giữa 2 gia đình dù là tình thân nhưng không còn qua lại thăm hỏi như xưa.

Phiên tòa giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Hồ Tấn Khương và ông Hồ Văn Mãnh được ấn định xét xử vào ngày 09/8/2019 sau 2 lần tạm hoãn vì nhiều lý do.
Phiên tòa giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Hồ Tấn Khương và ông Hồ Văn Mãnh được ấn định xét xử vào ngày 09/8/2019 sau 2 lần tạm hoãn vì nhiều lý do.

Hơn 10 năm theo đuổi vụ kiện  

Theo ông Hồ Tấn Khương, ngụ xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An mảnh đất của gia đình ông đang canh tác ổn định bất ngờ vướng vào tranh chấp với người anh họ vì trước đây, việc cấp GCNQSDĐ giữa 2 gia đình có sự chồng lấn. Cũng vì thế, hơn 10 năm qua, gia đình ông phải rất nhiều lần lặn lội ngược xuôi để theo đuổi vụ kiện.

Theo ông Khương, gia đình ông và ông Hồ Văn Mãnh có phát sinh tranh chấp phần diện tích 3.183m2 thuộc thửa số 581, tờ bản đồ số 3, tọa lạc tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức. Phần diện tích đất này do ông nội ông để lại cho cha mẹ ông sử dụng liên tục từ năm 1950 đến nay. Đến năm 1978, mẹ ông có cho ông Mãnh mượn khoảng 200m2 đất cất nhà tạm để ở. Sau đó vài năm, gia đình ông lấy lại đất và phía ông Mãnh cũng dỡ nhà đi. Phần đất này tiếp tục được gia đình ông sử dụng và đến năm 1992, gia đình ông được UBND huyện Bến Lức cấp GCNQSDĐ. Đến năm 2007, khi có đoàn đo đạc cắm mốc để giao đất cho ông Mãnh thì giữa 2 gia đình xảy ra tranh chấp và lúc này, gia đình ông mới biết việc ông Mãnh được cấp GCNQSDĐ vào năm 1997, trong đó có phần diện tích đất gia đình ông đang sử dụng. 

Sau nhiều lần khiếu nại hành chính, ngày 16-/10/2009, UBND huyện Bến Lức đã ban hành quyết định thu hồi phần diện tích 3.183m2 đất trong GCNQSDĐ của ông Hồ Văn Mãnh với lý do việc cấp trước đó không đúng đối tượng sử dụng và loại đất so với thực tế. Đồng thời, UBND huyện Bến Lức cũng cho rằng, gia đình ông Mãnh không có giấy tờ chứng minh thửa đất số 581, tờ bản đồ số 3 thuộc quyền sử dụng của ông Mãnh. Sau khi UBND huyện Bến Lức có quyết định thu hồi, gia đình ông Mãnh khởi kiện quyết định hành chính ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện Bến Lức. Ngày 30/9/2010, TAND huyện Bến Lức đưa vụ việc ra xét xử. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử TAND huyện Bến Lức nhận định: “Phần diện tích 3.183m2 được cấp GCNQSDĐ theo Luật Đất đai năm 1993 cho ông Hồ Văn Mãnh nhưng ông Mãnh chưa được cấp GCNQSDĐ theo Luật Đất đai năm 1987. Trong khi đó, gia đình ông Hồ Tấn Khương đã được cấp GCNQSDĐ tại vị trí thửa 689, tờ bản đồ số 2, nhưng ghi nhầm thành thửa 669.Đối chiếu thửa đất 689 và thửa 581 thì có vị trí trùng nhau.Bên cạnh đó, ông Mãnh cho rằng năm 1990, gia đình ông về nhà mẹ ruột sinh sống nhưng còn nhà trên phần diện tích này. Tuy nhiên, qua xác minh, ông Mãnh không sinh sống trên mảnh đất này và đến năm 2010, ông mới quay lại cất nhà nhưng bị UBND xã Nhựt Chánh lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Điều đó chứng tỏ ông Mãnh không sử dụng đất liên tục, ổn định. Vì vậy, UBND huyện Bến Lức ban hành quyết định thu hồi đối với phần diện tích đất của ông Mãnh là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật”.

Tưởng vụ việc kết thúc nhưng gia đình ông Mãnh tiếp tục kháng cáo bản án sơ thẩm lên TAND tỉnh Long An. “Bất ngờ hơn khi tại bản án phúc thẩm vào ngày 24/6/2011, TAND tỉnh lại chấp nhận yêu cầu kháng cáo của phía ông Mãnh và tuyên hủy toàn bộ quyết định thu hồi đất trước đó của UBND huyện Bến Lức. Cũng từ đó, gia đình tôi phải chạy ngược xuôi, gõ cửa không biết bao nhiêu lần các cơ quan chức năng để theo đuổi vụ việc” - ông Hồ Tấn Khương cho biết.

Chỉ mong vụ việc kết thúc

Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, gia đình ông Khương đã làm nhiều đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng cũng như đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm về vụ việc. Thậm chí, gia đình ông nhiều lần phản ánh vụ việc trong các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An. Đến ngày 19/8/2011, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có công văn chuyển đơn của gia đình ông đến Chánh án TAND Tối cao xem xét.

Thời gian trôi qua, tưởng chừng vụ việc của gia đình ông chìm vào quên lãng thì đến ngày 17/9/2013, Chánh án TAND Tối cao ra quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Long An trước đó. Trong quyết định kháng nghị, Chánh án TAND Tối cao đề nghị: “Tòa hành chính TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án hành chính phúc thẩm số 04/2011/HCPT, ngày 24/6/2011 của TAND tỉnh Long An, giao hồ sơ vụ án để TAND tỉnh Long An xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời tạm đình chỉ thi hành bản án trên cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm”.

Đến ngày 17/4/2014, Tòa hành chính TAND Tối cao đã tiến hành xét xử giám đốc thẩm vụ việc. Theo nhận định của Hội đồng giám đốc thẩm, trong GCNQSDĐ của gia đình ông Khương được cấp năm 1992 có phần diện tích đang tranh chấp. Phần diện tích này thuộc thửa 689, tờ bản đồ số 2. Sau khi Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực thi hành thì thửa 689 được tách thành 3 thửa: 580, 581 và 582, tờ bản đồ số 3. Còn việc UBND huyện Bến Lức trước đó cấp phần diện tích này cho ông Mãnh là có sự sai sót do số thửa đất đã thay đổi và chỉ căn cứ vào việc ông Mãnh tự kê khai, không dựa trên cơ sở xác định mốc giới, trình tự, thủ tục xét cấp GCNQSDĐ nên đã cấp chồng lên phần diện tích đất đã được cấp cho gia đình ông Khương. Mặt khác, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Long An cho rằng, sau bản án sơ thẩm của TAND huyện Bến Lức, UBND xã Nhựt Chánh có công văn xác định gia đình ông Mãnh sử dụng liên tục từ trước đến nay, có kê khai và được cấp GCNQSDĐ, đồng thời nhận xét “Bà con và chính quyền địa phương thấy hợp lệ và đúng quy định của pháp luật” là không phù hợp với các tài liệu về quản lý đất đai mà tòa án đã thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án. Từ đó dẫn đến việc tòa cấp phúc thẩm sử dụng để làm căn cứ đánh giá là không đúng với thực tế khách quan khi giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, về thực hiện nghĩa vụ tài chính, gia đình ông Mãnh chỉ tiến hành nộp thuế sau khi được cấp GCNQSDĐ từ năm 1997. “Do đó có đủ căn cứ xác định việc UBND huyện Bến Lức cấp GCNQSDĐ năm 1997 cho gia đình ông Mãnh, trong đó có diện tích 3.183m2 thuộc thửa đất 581 là cấp chồng lên diện tích mà UBND huyện Bến Lức đã cấp cho gia đình ông Khương theo GCNQSDĐ vào năm 1992. Mặt khác, do tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử vụ án đúng pháp luật, hồ sơ đã thể hiện đầy đủ các nội dung cần xem xét và tránh kéo dài việc giải quyết vụ án, Hội đồng giám đốc thẩm thấy không cần thiết khi hủy bản án phúc thẩm phải giao hồ sơ để tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm lại mà cần giữ nguyên bản án hành chính của tòa cấp sơ thẩm” - Hội đồng giám đốc thẩm nhận định về vụ việc. Từ đó, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao quyết định chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao, hủy bản án hành chính phúc thẩm của TAND tỉnh Long An và giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm của TAND huyện Bến Lức về vụ việc.

Đến đây, gia đình ông Hồ Tấn Khương tưởng rằng mọi việc sẽ kết thúc thì một tranh chấp khác lại phát sinh. Đó là khi TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm thì phần đất tranh chấp này đã được gia đình ông Mãnh sang nhượng cho một người khác. “Khi có quyết định kháng nghị, gia đình tôi còn đang loay hoay để chuẩn bị cho xét xử giám đốc thẩm thì bất ngờ biết được phía gia đình ông Mãnh đã sang nhượng trái phép phần đất này cho bà Triệu Mỹ Tính, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM, vào cuối năm 2013. Đến giờ, giữa 2 gia đình chúng tôi vẫn phải chờ phiên tòa sắp tới tại TAND tỉnh.Hiện giờ, tôi chỉ mong sớm kết thúc vụ việc tranh chấp khiếu nại kéo dài này” - ông Hồ Tấn Khương cho biết./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết