Tiếng Việt | English

12/01/2017 - 14:15

Hơn 20 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trong năm 2016, cả nước xảy ra 22 trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin.

Vắc xin đang là mối quan tâm lớn của cả xã hội (Ảnh minh họa: doisongphapluat.com)

Trong tổng số khoảng 3 triệu mũi tiêm vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ em, năm 2016, xảy ra 22 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin BCG (phòng bệnh lao), vắc xin viêm gan B, vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, vắc xin sởi - rubella và vắc xin viêm màng não do não mô cầu.

Trong lĩnh vực vắc xin dịch vụ cũng ghi nhận một số trường hợp tai biến sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim) và 6 trong 1 (Infanric Hexa). Qua đánh giá của Hội đồng chuyên môn thì các ca tử vong vừa nêu chủ yếu trùng hợp với việc tử vong do các bệnh khác mà trẻ đã mắc từ trước hoặc tử vong không rõ nguyên nhân; không trường hợp nào tìm thấy mối liên quan với chất lượng vắc xin và dịch vụ tiêm chủng.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, tỷ lệ tử vong sau tiêm chủng năm qua thấp hơn so với tỷ lệ chung được khuyến cáo. Hiện nay, tiêm chủng vẫn là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Nếu không tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm vắc xin không cao thì dịch bệnh sẽ bùng phát và khi đó tỷ lệ tử vong sẽ gấp nhiều lần.

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, Nghị định 104 của Chính phủ, quy định về việc bồi thường cho người bị thiệt hại khi sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch có hiệu lực từ 1/7/2016. Tử vong sau tiêm chủng là điều không ai mong muốn nhưng trong tiêm chủng vẫn có những rủi ro dù tỉ lệ rất thấp.

Việc bồi thường với mong muốn hỗ trợ phần nào cho gia đình có người tử vong trong trường hợp không may xảy ra. Hiện ngành y tế đang xem xét bồi thường đối với trường hợp đầu tiên./. 

Văn Hải/VOV-Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết