Tiếng Việt | English

24/11/2019 - 10:20

Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thuận: Sản xuất nông sản an toàn phục vụ người tiêu dùng

Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thuận thành lập năm 2017, đang sản xuất lúa theo hướng an toàn trên với diện tích 513ha và 0,5ha rau an toàn.

Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân giới thiệu các loại gạo đang bán tại điểm bán của hợp tác xã

Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân giới thiệu các loại gạo đang bán tại điểm bán của hợp tác xã

Sản xuất nông sản sạch

HTX nông nghiệp Vĩnh Thuận (HTX Vĩnh Thuận), huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An có 75 thành viên sản xuất lúa trên diện tích 513ha. Trong đó, 65 thành viên chuyên sản xuất lúa và 10 thành viên chuyên thực hiện các dịch vụ liên quan đến sản xuất lúa. Trong số diện tích 513ha, có 120ha lúa giống theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, 50ha sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, phần diện tích còn lại HTX tổ chức sản xuất theo hướng an toàn.

Giám đốc HTX Vĩnh Thuận - Nguyễn Thị Diệu Ngân cho biết, với diện tích sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, HTX làm cầu nối giữa xã viên và doanh nghiệp để thu mua theo hướng bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn thu mua lúa của xã viên để sấy, xay gạo và đóng gói bán. Đặc biệt, HTX có khoảng 5ha sản xuất gạo đỏ, gạo tím và huyết rồng theo hướng hữu cơ. Các sản phẩm này hiện rất hút hàng, có giá cao trên thị trường. Ngoài sản xuất lúa theo hướng an toàn, thời gian gần đây, HTX còn tập huấn cho xã viên trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ để cung cấp ra thị trường.

Ông Lương Văn Cỡ, ấp Kinh Mới, thành viên của HTX, sản xuất 3ha lúa và hơn 0,1ha rau ăn lá. Theo ông Cỡ, khi tham gia HTX  lúa có đầu ra khá ổn định người sản xuất lúa được tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật, quy trình sản xuất theo hướng “1 phải, 5 giảm” nên giảm được lượng giống, vật tư nông nghiệp, giảm sử dụng thuốc hóa học nên có lợi cho sức khỏe. Với kiểu sản xuất như hiện nay nông dân lãi từ 15-18 triệu đồng/ha/vụ (tùy vụ mùa, giá lúa).
Còn với 0,1ha rau, ông trồng nhiều loại như cải xanh, cải ngọt, quế,... và tiêu thụ tại thị trấn Vĩnh Hưng thông qua các tiểu thương, quán ăn. Các loại rau này đều sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh để phòng trừ sâu, rầy nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi ngày, ông Cỡ có thu nhập trên 400.000 đồng.

Phục vụ người tiêu dùng

Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân chia sẻ trước đây, gạo an toàn do HTX làm ra chỉ bán cho người quen hoặc khách hàng ở xa như TP.HCM, An Giang, Tây Ninh... thông qua sự giới thiệu của bạn bè, người thân. Rau an toàn cũng vậy, chủ yếu bán qua tiểu thương, các quán ăn mà chưa được nhiều người biết đến. Sau một thời gian dài trăn trở, bà Ngân quyết định xây dựng điểm bán nông sản an toàn ngay cạnh quán cà phê vừa khai trương của gia đình tại ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận trên tuyến đường từ Tân Hưng về Vĩnh Hưng.

Tính đến nay, điểm bán nông sản an toàn thành lập chưa tròn 1 tháng. Vì vậy, người dân trong khu vực chưa biết nhiều nhưng bà Ngân tin rằng trong thời gian tới, nhiều người tiêu dùng sẽ biết đến điểm bán và mua sản phẩm tại đây bởi nhu cầu dùng sản phẩm an toàn ngày càng tăng. Hiện tại, điểm bán nông sản an toàn của HTX Vĩnh Thuận bán gạo trắng an toàn các loại với giá từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg, gạo tím và gạo huyết rồng đồng giá 30.000 đồng/kg. 

Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân thông tin, hiện nay, diện tích 0,5ha rau an toàn của HTX, xã viên đang trồng rau muống, rau cải các loại, rau gia vị,... Trước đây, các loại rau này chưa được bán tại điểm bán mà bỏ mối cho tiểu thương, quán ăn. HTX đang tính đến phương án sẽ sơ chế, đóng gói và bày bán để giới thiệu với người tiêu dùng. Nếu tín hiệu thị trường tích cực, HTX sẽ động viên xã viên mở rộng diện tích trồng rau an toàn để phục vụ người tiêu dùng./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết