Tiếng Việt | English

04/11/2019 - 21:31

Hướng đến nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân

Thời gian qua, tỉnh Long An đặc biệt quan tâm đến hoạt động hiện đại hóa nền hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước về công tác cải cách hành chính (CCHC) cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Kỳ Đức, xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý và điều hành là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai ứng dụng CNTT trên nền tảng xây dựng chính quyền điện tử; chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT, hệ thống LAN nội bộ, hệ thống máy tính kết nối Internet cáp quang và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh sử dụng mạng nội bộ (LAN) để trao đổi công việc

Đến nay, toàn tỉnh có 100% cơ quan, đơn vị sử dụng mạng nội bộ (LAN) để trao đổi công việc và triển khai đồng bộ phần mềm quản lý văn bản, kết nối liên thông trong toàn tỉnh để gửi, nhận văn bản. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh tích hợp chức năng ký số trên nền tảng web, tạo thuận lợi hơn cho việc ký số; 100% sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện có trang thông tin điện tử và được tích hợp vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp qua môi trường mạng cũng như xử lý công việc chuyên môn một cách nhanh chóng, chính xác.

Là huyện biên giới còn lắm khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, sự tranh thủ, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác của cán bộ, công chức huyện Mộc Hóa được bảo đảm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Lâm Hòa Xứng phấn khởi: “Đến nay, toàn huyện có 97% văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử. 7/7 xã và Trung tâm Hành chính công huyện sử dụng Phân hệ quản lý hồ sơ “một cửa” trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Hồ sơ giải quyết đúng hẹn trên phần mềm đạt 99,98%. Đồng thời, huyện triển khai, sử dụng chữ ký số đồng bộ cho lãnh đạo, văn thư cơ quan chuyên môn huyện và cấp chứng thư số cơ quan cho UBND cấp xã với 93 chứng thư. Đến nay, tỷ lệ sử dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước của huyện đạt trên 82%”.

Nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, thời gian qua, bên cạnh ban hành nhiều quy chế, quy định, các kế hoạch giai đoạn, tỉnh còn phối hợp Cục Tin học hóa kết nối cơ bản thành công 6 dịch vụ liên quan đến Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VNPOST; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai phát triển đô thị thông minh;... đặc biệt, hoàn chỉnh Dự án Xây dựng hạ tầng CNTT hướng tới Chính quyền điện tử Long An.

Trưởng phòng CNTT (Sở Thông tin và Truyền thông) - Tăng Thị Ngọc Em chia sẻ: “Dự án Xây dựng hạ tầng CNTT hướng tới Chính quyền điện tử Long An được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 76 tỉ đồng. Qua đây, góp phần đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT và giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh; bộ phần mềm nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP); nâng cấp hệ thống văn bản và điều hành”.

Hiệu quả từ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008

Cùng với đẩy mạnh ứng dụng CNTT, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9001:2008 theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg, ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 48/48 cơ quan hành chính nhà nước (đạt 100%) thực hiện đúng quy định và công bố hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008; phần lớn UBND cấp xã (đối tượng khuyến khích áp dụng) tham gia xây dựng, áp dụng, duy trì và thực hiện công bố phù hợp tiêu chuẩn quy định.

Thủ tục hành chính cấp xã đều được xây dựng, áp dụng theo ISO 9001:2008

Theo ông Trần Kỳ Đức, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9001:2008 góp phần quan trọng hệ thống hóa quy trình xử lý công việc hợp lý, khoa học, phù hợp với quy định của pháp luật; tạo điều kiện giúp người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước kiểm soát tốt quá trình giải quyết công việc. Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn ISO điện tử nhằm chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng từ TCVN ISO 9001:2008 sang TCVN ISO 9001:2015 và ứng dụng CNTT tại cơ quan, đơn vị.

Vĩnh Thạnh là một trong những đơn vị đi đầu của huyện Tân Hưng làm tốt việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9001:2008. Qua đó, tạo bước chuyển biến tích cực trong phối hợp giải quyết công việc giữa các bộ phận cùng một cơ quan và giữa các cơ quan với tổ chức, cá nhân khác. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh - Võ Ngọc Nhồi cho biết, số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của xã là 30 lĩnh vực, 137 TTHC. Đến nay, số TTHC được xã xây dựng, áp dụng theo ISO 9001:2008 là 134 thủ tục. Để làm tốt công tác này, UBND xã xây dựng và ban hành chính sách, mục tiêu chất lượng, 6 quy trình bắt buộc trong ISO đúng theo quy định; đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn áp dụng hệ thống tài liệu, quy trình giải quyết công việc cho toàn bộ cán bộ, công chức trong phạm vi xây dựng và áp dụng hệ thống ISO. Qua đó, góp phần giúp lãnh đạo kiểm soát, đánh giá cán bộ, công chức các bộ phận thực thi công việc công khai, minh bạch và khoa học, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ hành chính công, cải cách TTHC.

Hiện đại hóa nền hành chính nhà nước trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng CNTT và áp dụng tiêu chuẩn TCVN 9001:2008 góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước về công tác CCHC của tỉnh. Qua đó, tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính nhà nước cũng như nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh (PAPI)./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết