Tiếng Việt | English

11/02/2019 - 09:18

Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao và bền vững

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nhiều giải pháp đang được doanh nghiệp và nông dân triển khai thực hiện. Trong đó, nền tảng là ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), giúp nông dân tiếp cận, đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chuỗi giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác.

"Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC là được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để tăng vốn và tập trung phát triển sản xuất tốt hơn. Khi đó, giá thành sản phẩm ra thị trường sẽ không cao, có sức cạnh tranh và người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thực phẩm an toàn”.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị  Công ty Cổ phần Thực phẩm  Ba Huân - Phạm Thị Huân

Ba Huân sớm sản xuất con giống công nghệ cao

Những ngày đầu xuân mới, Công ty (Cty) Cổ phần Thực phẩm Ba Huân đang tất bật với nhiều công việc từ sản xuất đến kinh doanh. Trong đó, tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, Cty đang khẩn trương xây dựng trang trại nuôi gà lấy trứng theo hướng ƯDCNC theo tiêu chuẩn của Nhật.

Khi nhắc về nơi này, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Cổ phần Thực phẩm Ba Huân - Phạm Thị Huân vui vẻ cho biết: “Dự án tại Bến Lức có quy mô hơn 40ha được Ba Huân đầu tư gần 500 tỉ đồng để xây dựng thành mô hình hiện đại, đa chức năng, vừa chăn nuôi, vừa nghiên cứu khoa học. Tại đây, Ba Huân sẽ liên tục cập nhật và áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học mới trong chăn nuôi gia cầm, đặc biệt chú trọng phát triển gà giống thương phẩm, gà lấy trứng với các loại trứng”.

Hiện tại, trang trại nuôi gà lấy trứng tại Bến Lức đang dần hoàn thiện với những dãy chuồng chăn nuôi theo công nghệ Nhật. Theo đó, trứng gà được sản xuất tại đây sau xử lý có thể ăn tươi và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn trứng thông thường. Dự kiến tháng 6-2019, những dãy chuồng này sẽ đón nhận đợt gà giống đầu tiên. Cuối năm 2019, tại nơi này, trại sản xuất con giống công nghệ cao được xây dựng và cũng là giai đoạn 2 của dự án.

Các quy trình sản xuất của Ba Huân

Giải thích vì sao trứng có thể ăn tươi, bà Ba Huân bộc bạch: “Cấu tạo vỏ trứng có hàng ngàn lỗ thông khí, vi khuẩn và tạp chất dễ theo các lỗ này xâm nhập vào bên trong trứng. Do vậy, để tạo ra trứng thành phẩm an toàn, cần có công nghệ xử lý trứng tốt, Ba Huân đã đầu tư dây chuyền xử lý trứng 8 công đoạn. Trứng trải qua quy trình xử lý kỹ càng trước khi đóng gói”.

Bà chia sẻ thêm, trong hành trình 18 năm phát triển sản xuất, thực phẩm Ba Huân, gồm trứng, thịt gà, các sản phẩm chế biến từ gà,... chiếm hơn 30% thị phần ở Việt Nam. Có được kết quả quan trọng này, những năm gần đây, Ba Huân từng bước ƯDCNC, góp phần thay đổi diện mạo nền nông nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa thực phẩm sạch đến tay người dùng. Chính vì vậy, năm 2018, Cty Cổ phần Thực phẩm Ba Huân được công nhận là Doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC. Đây là niềm khích lệ lớn đối với doanh nghiệp.

Hiện các nhà máy sản xuất của Ba Huân có mặt đều khắp tại miền Bắc và miền Nam. Riêng tại Long An, ngoài trang trại đang đầu tư ở huyện Bến Lức, Ba Huân có trang trại nuôi gà lấy thịt quy mô 34ha, tổng đàn trên 5 triệu con tại huyện Thạnh Hóa và nhà máy chế biến thực phẩm tại huyện Đức Hòa. Bà Phạm Thị Huân cho biết: “Hiện tại, tất cả các khâu trong sản xuất tại Ba Huân đều ƯDCNC với dây chuyền, trang thiết bị hiện đại hoặc được chuyển giao những công nghệ hiện đại từ nước ngoài về. Gà được phòng bệnh bằng vắc-xin thay thuốc thú y.

Bà Ba Huân cho biết, hiện công ty đã hoàn thiện những thủ tục cần thiết để đầu năm mới này xuất khẩu trứng vịt muối sang Hồng Kông, Singapore. Điều này minh chứng rằng chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài bởi công ty có phương tiện, công nghệ hiện đại. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp trụ vững trong cơ chế thị trường và tiếp tục đóng vai trò cốt lõi làm tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Các quy trình sản xuất của Công ty Cổ phần Thực phẩm Ba Huân

Các quy trình sản xuất của Công ty Cổ phần Thực phẩm Ba Huân

Triển vọng mới cho cây thanh long

Nghị quyết Đại hội (ĐH) X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định “Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” là 1 trong 2 chương trình đột phá của ĐH. Theo đó, thanh long là 1 trong 4 cây trồng, vật nuôi được chọn xây dựng mô hình ƯDCNC và sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện môi trường.

Hiện thanh long được sản xuất tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành với khoảng 8.000ha. Toàn tỉnh đã xây dựng được 8 hợp tác xã (HTX) và 27 tổ hợp tác (THT) trong vùng đề án. Đến nay, có 900ha ƯDCNC trong sản xuất và kết hợp hướng dẫn nông dân sản xuất theo VietGAP, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, tưới tiết kiệm,...

THT Trồng thanh long ở ấp 3, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành hiện có 51 hộ tham gia với diện tích 43ha, do ông Trần Kim Thức làm Tổ trưởng. Ông Kim Thức cho biết, tổ vừa nhận giấy chứng nhận VietGAP hơn 2 tháng nay. Hiện nông dân có sự thay đổi lớn trong quá trình sản xuất, rõ nét nhất là tất cả thành viên trong tổ không sử dụng phân gà tươi để bón thanh long và chuyển sang sử dụng phân sinh học. Ông nói: “Qua tiếp cận thông tin từ các cơ quan truyền thông, nông dân nắm rất rõ về phương thức, tiêu chuẩn nhập khẩu thanh long từ các nước bạn. Nếu không thực hiện trồng thanh long đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sẽ khó tiêu thụ”.

Nông dân thu hoạch thanh long

Hiện nay, THT liên kết với 1 doanh nghiệp thu mua trên địa bàn để tiêu thụ thanh long. Tuy nhiên, số lượng thanh long mua bán qua hợp đồng không nhiều. Ông Kim Thức cũng như không ít nông dân trồng thanh long đều phải bán qua thương lái. Hiện thương lái chưa đưa ra yêu cầu, tiêu chuẩn bắt buộc đối với chất lượng trái thanh long. Vì vậy, công tác vận động, tuyên truyền nông dân sản xuất theo hướng an toàn còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn trái thanh long được tiêu thụ tươi nên gặp áp lực lớn khi được mùa, làm giá tụt giảm.

Nhận thấy thanh long là cây trồng có triển vọng phát triển và sẽ mang lại chuỗi giá trị gia tăng cao, mới đây, Cty Cổ phần Nafoods Group (Nafoods) có cuộc làm việc với UBND tỉnh để thảo luận hợp tác đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái, trong đó có thanh long. Trong phạm vi hợp tác, Cty Nafoods tổ chức huấn luyện, đào tạo cho nông dân thực hiện theo mô hình cung cấp giống, vật tư nông nghiệp tốt với giá cạnh tranh, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra trong vùng với giá ổn định, hợp lý và theo cơ chế thị trường; đồng thời, áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó, phát triển HTX sản xuất theo GlobalGAP. Ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, Long An sẽ áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp, HTX và người dân tham gia dự án.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình cho biết: Hiện có 3 HTX sản xuất thanh long có ký hợp đồng thương mại với Nafoods. Một khi nông dân tham gia làm nông nghiệp ƯDCNC mà có nhà đầu tư tham gia vào chuỗi giá trị sẽ giúp họ an tâm sản xuất, nâng cao thu nhập. Lãnh đạo huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Với bước hợp tác này, không chỉ riêng nông dân trồng thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành phấn khởi mà cả các vùng trồng thanh long khác cũng phát triển bền vững hơn./.

"Nông dân mong muốn làm nông nghiệp bền vững và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Một khi nông dân tham gia vào chuỗi giá trị, nhất thiết phải có cam kết, có hợp đồng kinh tế đàng hoàng giữa đôi bên về chất lượng, kích cỡ, số lượng và ngày giờ giao nhận nhằm bảo đảm chuỗi giá trị đó không bị phá vỡ bởi một khi hợp đồng phá vỡ, người làm ra sản phẩm sẽ thiệt thòi nhiều nhất”.

Tổ trưởng Tổ hợp tác Trồng thanh long ở ấp 3, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An - Trần Kim Thức

Mai Hương

Chia sẻ bài viết