Tiếng Việt | English

25/07/2019 - 14:05

Hướng đến xây dựng đô thị thông minh

Mục đích chính của việc xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) nhằm hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ trong thời đại công nghệ số 4.0.

Hướng đến xây dựng đô thị thông minh, Long An bắt đầu với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử

Hướng đến xây dựng đô thị thông minh, Long An bắt đầu với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử

Lợi ích từ đề án phát triển đô thị thông minh

Ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, trong đó đến năm 2020, cả nước có ít nhất 3 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển ĐTTM và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng, phát triển ứng dụng các tiện ích ĐTTM.

Theo Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) - Nguyễn Thành Phúc, mục tiêu chính của việc xây dựng ĐTTM nhằm bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân. Các nguyên tắc định hướng của xây dựng ĐTTM: Tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; luôn lắng nghe, nắm bắt, phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân; công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển và huy động mọi nguồn lực.

ĐTTM có các đặc điểm chính là đô thị hiện đại, có nền kinh tế số, môi trường thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh và nhiều yếu tố thông minh khác. Đặc biệt, ở đó, công nghệ thông tin và truyền thông (hệ thống IoT trong các ứng dụng, mạng viễn thông (wifi, 4G/5G), điện thoại thông minh, Big data và hệ thống phân tích sử dụng trí tuệ nhân tạo) được ứng dụng và làm cho công việc xây dựng, quản lý và phát triển thành phố trở lên hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ, tiện ích đến người dân và doanh nghiệp. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

“Việc xây dựng ĐTTM chính là cách giải quyết tốt nhất cho đô thị về những vấn đề bức thiết trong phát triển. Đồng thời, qua đây, người dân, tổ chức được phát huy tối đa năng lực, sở trường của mình, là chủ thể sáng tạo, giám sát xã hội phát triển” - ông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh.

Người dân là chủ thể

Mục tiêu xây dựng ĐTTM là sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực với người dân là trung tâm của đô thị. Qua đây, mong muốn huy động trí tuệ người dân, làm sao để mỗi người dân đóng vai trò là một cảm biến trong xã hội. “ĐTTM là tương tác giữa 3 chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trong đó, chính kiến và lợi ích của người dân là mục tiêu hàng đầu. Làm sao để khi ứng dụng ĐTTM sẽ giúp việc tiếp nhận đầy đủ hơn ý kiến của người dân phản ánh với chính quyền” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ở môi trường ĐTTM, dù chủ thể nào, công cụ nào thì cuối cùng, yếu tố con người là quyết định chứ không phải là tiền. Con người vừa là đối tượng phục vụ, vừa là tác giả của ĐTTM. Theo ông Nguyễn Thành Phúc, ĐTTM sẽ giúp người dân trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông; giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi/đỗ xe; dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp người dân và doanh nghiệp tìm được lộ trình di chuyển phù hợp, giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời, ĐTTM cũng mang đến nhiều tiện ích cho người dân trong các lĩnh vực: Y tế, an toàn thực phẩm, môi trường, chống ngập, nguồn nhân lực, an ninh, trật tự, chính quyền điện tử, chỉnh trang và phát triển đô thị.

Nỗ lực xây dựng đô thị thông minh

Xác định xây dựng ĐTTM là một trong những nội dung quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), Long An đang nỗ lực triển khai, thực hiện, góp phần thúc đẩy sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển KT-XH.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh, hướng đến xây dựng ĐTTM, tỉnh bắt đầu với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử. Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương, đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, kết hợp chức năng ký số trên văn bản điện tử từ tỉnh đến huyện, xã. Hệ thống một cửa liên thông theo mô hình Trung tâm Hành chính công được triển khai đồng bộ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hệ thống thư điện tử và nhiều ứng dụng chuyên ngành, góp phần phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước.

TP.Tân An được tỉnh chọn làm điểm thực hiện Đề án Phát triển ĐTTM. Hiện, UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ TP.Tân An triển khai thí điểm theo Đề án Phát triển ĐTTM bền vững giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Đây chính là bước đệm cho tỉnh trong tổ chức thực hiện phát triển ĐTTM thời gian tới.

TP.Tân An đang nỗ lực xây dựng đô thị thông minh

TP.Tân An đang nỗ lực xây dựng đô thị thông minh

Hiện nay, TP.Tân An tập trung nghiên cứu, tham quan, học tập kinh nghiệm, lập kế hoạch, lộ trình thực hiện phát triển ĐTTM; đồng thời, phối hợp triển khai lắp đặt hệ thống camera góp phần gìn giữ an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng như sử dụng khoa học - kỹ thuật linh hoạt trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông. “Cùng với triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, TP.Tân An chú trọng đến phát triển chính quyền điện tử; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần tạo tiền đề cho việc xây dựng thành công thành phố thông minh trong tương lai” - Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Huỳnh Văn Nhịn bộc bạch.

Long An hiện nỗ lực hết mình vì một môi trường đầu tư năng động theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động. Đặc biệt, tỉnh huy động mọi nguồn lực, trong đó có cả nguồn lực về tài chính, chất xám vào lộ trình xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử và ĐTTM, góp phần mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết