Tiếng Việt | English

01/11/2018 - 13:57

Hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản

Từ lúc tham gia vào hợp tác xã (HTX), đầu ra thủy sản và thu nhập của từng thành viên luôn ổn định. Không những vậy, bây giờ các thành viên của HTX còn am hiểu, nắm chắc và áp dụng phương pháp nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm để “rộng đường” tiêu thụ.

Liên kết để tìm hướng đi

HTX Thủy sản Long Thạnh (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) do anh Cao Phú Khánh làm Giám đốc và cũng là người khởi xướng phong trào nuôi thủy sản theo hình thức liên kết, khép kín để tìm hướng đi mới. Anh Khánh cho biết, trước đây, người dân ở đây chỉ trồng lúa, nuôi thủy sản nhưng theo kiểu tự phát, đầu ra chưa ổn định. Anh quyết tâm tìm cách làm khác để nâng cao đời sống của gia đình và anh em bạn trong xóm. Anh sang tỉnh Đồng Tháp xem mô hình nuôi thủy sản nước ngọt, rồi lên TP.HCM học kinh nghiệm, kỹ thuật.

Nhờ xác định đúng hướng và chuẩn bị kỹ ngay từ đầu, chỉ sau thời gian ngắn, anh Cao Phú Khánh thành công bước đầu trong nuôi ếch giống lẫn ếch thịt

Nhờ xác định đúng hướng và chuẩn bị kỹ ngay từ đầu, chỉ sau thời gian ngắn, anh thành công bước đầu trong nuôi ếch giống lẫn ếch thịt và nhân rộng quy mô nuôi, đầu tư nhiều hơn. Không dừng lại ở con ếch, anh tiếp tục “gầy” thêm cá rô đầu nhím, cá trê, cá lóc, lươn,... vào nuôi song song với mô hình nuôi ếch. Anh Khánh nói: “Điều kiện khí hậu, đất đai, môi trường nước của địa phương có thể đa dạng hóa vật nuôi, sản xuất xen canh nên có thể nuôi được 2 - 3 đợt thủy sản trong một năm, lợi nhuận tăng đáng kể”.

Đến nay, HTX Long Thạnh có 7 thành viên chính thức và hơn 80 thành viên liên kết nuôi thủy sản trên diện tích hơn 50ha ở Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Thạnh (Long An), Tây Ninh, Đồng Tháp, TP.HCM. Tất cả các thành viên đều được anh Khánh cung cấp giống, kỹ thuật, thức ăn,... cho đến bao tiêu đầu ra sản phẩm. Tất cả sản phẩm thủy sản đầu ra tại HTX Long Thạnh đều được chăn nuôi theo quy trình VietGap và hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại kháng sinh nào.

“Rộng đường” tiêu thụ

Anh Khánh chia sẻ, đầu ra bây giờ rất ổn định, thậm chí còn thiếu hụt nguồn cung. Tuy vậy, để có được như hôm nay, anh từng “lăn lộn” ở các chợ đầu mối trong tỉnh và TP.HCM để tìm đầu ra cho sản phẩm thủy sản. Hiện nay, bình quân 1 ngày, anh thu mua và “sang tay” tại chợ Tân An từ 400-500kg ếch thịt, 1,5-3 tấn cá các loại đi chợ Bình Điền và một doanh nghiệp tại Đồng Tháp.

Anh Bùi Điền Thanh, ngụ ấp 3, xã Long Thạnh, là thành viên của HTX. Hiện anh thả nuôi 4 ao thủy sản, trong đó 3 ao nuôi cá trê, 1 ao nuôi ếch. Ở ao nuôi ếch, anh thả nuôi 20.000 con giống và chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Anh Thanh nói: “Dự kiến tôi sẽ thu hoạch được 4 tấn ếch, với giá bán hiện nay bình quân 33.000 đồng/kg, tôi có thể lãi 10.000 đồng/kg. Riêng 3 ao nuôi cá trê, dự kiến tôi sẽ thu hoạch được từ 8-10 tấn, bình quân lãi 7.000 đồng/kg”.

Còn anh Phạm Thanh Dũng, một người được anh Khánh hỗ trợ gần như “trọn gói” trong quy trình nuôi thủy sản, cho biết: “Lợi nhuận cho các thành viên của HTX hiện nay khá cao so với trồng lúa. Cuộc sống của gia đình từng thành viên dần ổn định từ khi nuôi thủy sản theo hình thức liên kết của HTX”.

Để có đầu ra ổn định, anh Khánh xây dựng nhà sơ chế, đóng gói các loại thủy sản để từng bước tiếp cận các bếp ăn ở khu, cụm công nghiệp, phân phối cho chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM). Đặc biệt, HTX đang được Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng nông sản hướng dẫn xây dựng chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó, từng công đoạn trong quá trình sản xuất, chế biến, phân phối, bảo quản, vận chuyển thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ được hướng dẫn thật kỹ. Từ đó, từng thành viên của HTX tuân thủ trong quá trình nuôi và thuận lợi trong cung cấp thực phẩm cho các đơn vị đầu mối.

Các loại thủy sản của Hợp tác xã Long Thạnh đang có dấu hiệu khởi sắc

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh chia sẻ: “HTX Long Thạnh là một trong những đơn vị được hỗ trợ công tác tư vấn đào tạo cho đến cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn. Từ đó, sản phẩm của HTX sẽ “rộng đường” khi được liên kết rồi đến với các hệ thống cửa hàng tiện ích để phát triển thành chuỗi khép kín, giúp sản phẩm qua chế biến có thể ra luôn thị trường bán lẻ đến tay người tiêu dùng”.

Anh Khánh cho biết thêm: “Do áp dụng quy trình nuôi nghiêm ngặt trong việc không dùng kháng sinh, hiện HTX có tín hiệu đáng mừng. Một doanh nghiệp chuyên phân phối hàng hóa đứng chân trên địa bàn tỉnh đã tìm đến HTX và “ngỏ lời” thu mua đùi ếch sau sơ chế với giá “rất ưng ý”. Như vậy, chắc chắn đầu ra cho ếch thịt ngày càng “lý tưởng hơn”. Ngoài tìm đường đến với hệ thống cửa hàng tiện ích, HTX đang tìm đường cho thủy sản xuất ngoại. Hiện nay, HTX bước đầu cung cấp giống các loại thủy sản ra thị trường Campuchia thông qua Sở Nông nghiệp của tỉnh Svay Rieng. Qua khảo sáo, thị trường các loại thủy sản bán thịt cũng được nước bạn chào đón”.

Bên cạnh các loại nông sản truyền thống: Lúa, thanh long, chanh, khoai mỡ,... tạo nên thương hiệu của ngành nông nghiệp tỉnh, sản phẩm thủy sản của HTX Long Thạnh khi được tạo điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, chắc chắn sẽ góp phần tạo nên thương hiệu của kinh tế nông nghiệp tỉnh trong thời gian không xa./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết