Tiếng Việt | English

16/06/2019 - 06:20

Iran đe dọa điều chỉnh việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Iran sẽ tiếp tục điều chỉnh việc tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân nếu các bên tham gia không có "những dấu hiệu tích cực."

Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại Tehran, Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại Tehran, Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Iran sẽ tiếp tục điều chỉnh việc tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) nếu các bên tham gia không có "những dấu hiệu tích cực."

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố như vậy ngày 15/6 tại Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), đang diễn ra tại thủ đô Dushabe của Tajikistan với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia Nga, Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác.

Tổng thống Iran khẳng định Tehran không thể đơn phương tuân thủ thỏa thuận và cho rằng tất cả các bên tham gia đều phải nỗ lực để khôi phục văn kiện này.

Iran cũng mong muốn nhận được những "tín hiệu tích cực" từ các bên tham gia ký kết thỏa thuận.

Tuy nhiên, Tổng thống Rouhani không nêu chi tiết những biện pháp điều chỉnh mà quốc gia này sẽ thực hiện cũng như những "tín hiệu tích cực" mà họ mong đợi.

Từ tháng Năm vừa qua, một năm sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, Tehran đã bắt đầu ngừng thực thi một số cam kết trong thỏa thuận vốn được ký kết với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) từ năm 2015.

Khi đó, Iran tuyên bố sẽ bắt đầu làm giàu uranium ở cấp độ cao hơn trong vòng 60 ngày trừ khi các cường quốc ký kết thỏa thuận có biện pháp bảo vệ nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Quan hệ giữa Iran và Mỹ không ngừng leo thang căng thẳng sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và trong thời gian gần đây gia tăng sức ép tối đa với Tehran bằng cách chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran.

Căng thẳng đẩy hai quốc gia này vào nguy cơ đối đầu quân sự khi Mỹ đã điều động nhiều khí tài quân sự, trong đó có các máy bay ném bom và tàu sân bay tới Trung Đông là để đối phó với điều mà Washington gọi là "các mối đe dọa từ Iran."

Việc Mỹ gia tăng sức ép là buộc Iran trở lại bàn đàm phán để sửa đổi những điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ cho rằng chưa đủ chặt chẽ vì chưa bao gồm chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Về phần mình, Iran luôn cho rằng Mỹ đang kích động "chiến tranh tâm lý" đồng thời khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ có hành động khiêu khích./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết