Tiếng Việt | English

09/12/2016 - 10:03

Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh Long An giai đoạn 2016-2020

Theo đó, 100% sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện có ít nhất 1 cán bộ chuyên trách về CNTT; 100% cán bộ chuyên trách về CNTT đạt trình độ từ đại học CNTT trở lên…

Ngày 5/12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần ký ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Long An giai đoạn 2016-2020.


Ứng dụng CNTT trong xử lý công việc hành chính. Ảnh: Nhã Phương

Theo đánh giá của UBND tỉnh, hầu hết các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh chưa có cán bộ lãnh đạo CNTT, đội ngũ cán bộ làm công tác CNTT trong cơ quan nhà nước chủ yếu là bán chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, số lượng, trình độ chưa đạt yêu cầu đề ra, ảnh hưởng đến công tác tham mưu triển khai ứng dụng CNTT; công tác đào tạo đội ngũ lãnh đạo CNTT chưa được chú trọng đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 phục vụ người dân, doanh nghiệp chưa đạt chỉ tiêu, hiệu quả mang lại chưa cao; cả tỉnh chỉ có 7 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, không có dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Tỷ lệ sử dụng thư điện tử của tỉnh (của hệ thống @longan.gov.vn) còn thấp, đặc biệt là thư điện tử cá nhân của CBCCVC (mới đạt khoảng 50 - 60%), vẫn còn tình trạng sử dụng thư điện tử bên ngoài trong trao đổi công việc.

Việc cung cấp thông tin giải quyết hồ sơ hành chính cấp huyện thông qua Trang một cửa điện tử của tỉnh chưa được quan tâm đầy đủ. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước còn thấp (khoảng 50%); áp dụng chữ ký số còn hạn chế.

Công tác đảm bảo an ninh thông tin mạng tại các đơn vị chưa triệt để; hạ tầng, nhân lực CNTT cấp xã chưa đảm bảo; tuyên truyền về ứng dụng CNTT chưa thực hiện thường xuyên, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp và cộng đồng xã hội.

UBND tỉnh Long An đặt ra mục tiêu tổng quát của giai đoạn 2016 – 2020 là đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử tỉnh Long An, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Mục tiêu cụ thể đối với hạ tầng kỹ thuật là xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh có khả năng tích hợp, lưu trữ, chia sẻ cơ sở dữ liệu của các sở, ngành, UBND cấp huyện; mở rộng mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% UBND cấp xã; có 100% CBCC cấp xã được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ, internet phục vụ công việc.


Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chính thức tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho cá nhân, doanh nghiệp kể từ ngày 17/10/2016. Ảnh: Phương Phương

Mục tiêu đối với ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước, phấn đấu đạt các chỉ tiêu: 100% CBCCVC được cấp thư điện tử sử dụng thường xuyên trong công việc; 100% đơn vị trực thuộc sở, ngành tỉnh, trực thuộc UBND cấp huyện, cấp xã triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, 100% CBCC các cấp tham gia vào hệ thống; 100% văn bản trình UBND tỉnh, bộ, ngành Trung ương và 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử; tăng cường triển khai sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử; 100% UBND cấp xã triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến…

Mục tiêu về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin theo quy định; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 theo mục tiêu tại Lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của UBND tỉnh đến năm 2020; 100% sở, ngành tỉnh triển khai một cửa điện tử, 100% thủ tục hành chính các cấp được tích hợp trên hệ thống…


Trang bị kiến thức, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Ảnh: Hữu Bằng

Mục tiêu về an toàn thông tin mạng: Triển khai chứng thực điện tử và chữ ký số trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với các thủ tục hành chính có lượng giao dịch lớn, ưu tiên các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp; 100% hệ thống thông tin trọng điểm của tỉnh đảm bảo an toàn thông tin.

Mục tiêu về nhân lực CNTT: 100% sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện có ít nhất 1 cán bộ chuyên trách về CNTT; 100% cán bộ chuyên trách về CNTT đạt trình độ từ đại học CNTT trở lên; có ít nhất 90% cán bộ chuyên trách CNTT của sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện được đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng về quản trị hệ thống, đảm bảo an ninh thông tin mạng./.

Thái Chuyên

Chia sẻ bài viết