Tiếng Việt | English

20/10/2019 - 20:15

Kết nối sản xuất với tiêu thụ thực phẩm an toàn

Nhằm cung cấp cho người tiêu dùng (NTD) thực phẩm an toàn (TPAT), truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, các điểm bán thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn ra đời và ngày càng mở rộng khi nhận được sự ủng hộ tích cực của NTD.

Người tiêu dùng ở các phường khác cũng tìm đến điểm bán rau an toàn của Hợp tác xã Phước Hòa tại chợ phường 2 vì tin tưởng rau, củ tươi, an toàn
Người tiêu dùng ở các phường khác cũng tìm đến điểm bán rau an toàn của Hợp tác xã Phước Hòa tại chợ phường 2 vì tin tưởng rau, củ tươi, an toàn

Cung cấp thực phẩm an toàn 

Hiện toàn tỉnh Long An có 14 điểm bán thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tại các huyện và thành phố. Các điểm bán ấy là “cầu nối” tin cậy giữa người sản xuất và người mong muốn lựa chọn TPAT; đồng thời, giới thiệu, quảng bá nông sản, TPAT đến nhiều NTD chưa biết đến.

Một trong những điểm bán TPAT là Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hòa tại chợ phường 2, TP.Tân An. Đây là nơi chuyên cung cấp hơn 50 mặt hàng rau, củ như cải ngọt, cải xanh, mồng tơi, giá, dưa leo,… do HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) sản xuất. 

Chị Đào Thị Thanh Tuyền - chủ điểm bán rau an toàn do HTX Phước Hòa sản xuất, chia sẻ: “Điểm bán rau an toàn Phước Hòa tại chợ phường 2 mở hơn 2 năm nay và ngày càng đa dạng các mặt hàng. Giá các loại rau, củ an toàn so với giá rau, củ ở chợ chênh lệch không nhiều, từ 4.000-5.000 đồng/kg, tùy loại. Trong đó, các loại rau sản xuất thủy canh thì đắt hơn.Mỗi ngày, điểm bán của tôi bán ra trên 300kg rau, củ các loại. Con số đó cho thấy khách hàng tin tưởng và biết đến TPAT ngày càng nhiều”.

Qua các điểm bán TPAT, NTD được tiếp cận TPAT và tạo thói quen sử dụng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Có cầu, các nguồn cung sẽ phát triển mạnh hơn nhằm đáp ứng, tạo điều kiện các mô hình sản xuất, kinh doanh TPAT được nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị nông sản, TPAT và tạo sự khác biệt giữa các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP,…) với các sản phẩm được sản xuất thông thường khác. Đây cũng là giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo đảm an toàn thực phẩm của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nếu muốn phát triển bền vững.

Người tiêu dùng an tâm

Nguồn gốc nông sản, TPAT tại các điểm bán bảo đảm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc được ký cam kết sản xuất TPAT. Trong đó, các khâu trồng trọt, chăn nuôi/thu gom, sơ chế, giết mổ, vận chuyển/kinh doanh, bày bán được giám sát chặt chẽ. Các thực phẩm bán tại các điểm cũng có đầy đủ thông tin về truy xuất nguồn gốc, bảo đảm không bị nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất ngoài danh mục hoặc vượt quá mức giới hạn cho phép. Nhờ vậy, NTD an tâm sử dụng.

Mặc dù ở phường 5, TP.Tân An nhưng bà Trương Thị Lá cũng tìm đến điểm bán rau an toàn của HTX Phước Hòa tại chợ phường 2 để mua các loại rau, củ. Bà Lá chia sẻ: “Vì sức khỏe gia đình, tôi luôn muốn chọn những TPAT. Mua rau, củ ở điểm bán rau an toàn của HTX Phước Hòa, tôi an tâm hơn. Các mặt hàng ở đây khá đa dạng, tươi ngon, đặc biệt là giá, giống với giá nhà tôi làm nên ăn rất ngon”.

“Mua thực phẩm ở ngoài sợ còn dư lượng thuốc trừ sâu, ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình nên tôi thường chọn mua rau tại những nơi bảo đảm nguồn gốc.Các điểm bán TPAT là địa chỉ tin cậy của NTD. Hy vọng có nhiều điểm bán như vậy để phục vụ nhu cầu và góp phần chăm sóc sức khỏe NTD” - anh Nguyễn Tuấn Việt, ngụ phường 4, TP.Tân An, chia sẻ.

Để bảo vệ quyền lợi NTD, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng tại các điểm kinh doanh, buôn bán. Theo đó, ghi chép, thực hiện truy xuất nguồn gốc theo quy định; đồng thời, thu mẫu kiểm tra nhanh/đột xuất thu mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Nhìn chung, các điểm bán TPAT tạo đầu ra ổn định cho nông sản, TPAT, giúp nông dân an tâm sản xuất, có thu nhập ổn định; đồng thời, cung cấp cho NTD nông sản bảo đảm an toàn. Các điểm bán sản phẩm an toàn góp phần giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc; giúp các HTX, tổ hợp tác, người sản xuất có thêm kênh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm an toàn, an tâm đầu tư và mở rộng sản xuất sản phẩm an toàn.

Có thể thấy, điểm bán TPAT là địa chỉ tin cậy của NTD.Tuy nhiên, chủng loại hàng hóa nông sản tại các điểm bán chưa đa dạng và chịu sự cạnh tranh của các cửa hàng, siêu thị. Do đó, cần đầu tư nhiều hơn về hình thức, cách phục vụ, đa dạng chủng loại sản phẩm và có giá cả cạnh tranh để ngày càng phát triển và mở rộng.

14 điểm bán thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh:

Chi nhánh 4 Công ty TNHH Tin học Anh Việt - Trung tâm Dịch vụ khách hàng Anh Việt (phường 1, TP.Tân An); Công ty TNHH Thực phẩm 2030 (phường 3, TP.Tân An); Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa (phường 2, TP.Tân An); Hộ kinh doanh San Hà (xã Long Trạch, huyện Cần Đước); Cơ sở Luốt Thường (phường 2, TP.Tân An); hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hồng Vân (phường 2, TP.Tân An); Cửa hàng rau an toàn Hoàng Yến tại chợ Rạch Kiến (xã Long Hòa, huyện Cần Đước); Cửa hàng rau an toàn Phước Thịnh, chợ Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc); Cửa hàng thực phẩm sạch Tâm An (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa); Nguyễn Thị Trang Diễm (Thực phẩm Yuri, xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc); Sạp thịt bò Hương Thảo (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường); Cửa hàng Khôi Nguyên - Chi nhánh Vĩnh Hưng (thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng); Cửa hàng Khôi Nguyên - Chi nhánh Kiến Tường, chợ phường 2 (thị xã Kiến Tường); sạp Út Đại (phường 2, TP.Tân An)./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết