Tiếng Việt | English

31/08/2017 - 03:12

Kết nối tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Thời gian qua, mối quan hệ hữu nghị giữa Long An và Svay Rieng, Prey Veng, Vương quốc Campuchia, không ngừng được củng cố và phát triển theo phương châm: “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Qua đó, người Long An để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân nước bạn bằng những hình ảnh đẹp: Nhiệt tình, mến khách, ham học hỏi,...

Người Long An nhiệt tình, mến khách

Những ngày tháng 8 này, chúng tôi về xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng - một trong những xã biên giới của tỉnh Long An giáp ranh với nước bạn Campuchia. Cán bộ xã đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng (ấp Cả Trốt) thường được người dân nước bạn Campuchia gọi với cái tên thân mật - chú ba Lùng.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (giữa) kể về tình cảm giữa ông với những người bạn Campuchia

Đón chúng tôi trong căn nhà lá đơn sơn cùng với một vài người bạn già và bình trà nóng, với chất giọng hào sảng đúng chất người dân Nam bộ, chú bắt đầu câu chuyện: “Ông bà ta thường nói “Khách đến nhà không gà cũng vịt”, vì vậy, khi có các bạn Campuchia qua nhà chơi, trong nhà có gì, tôi đều mang ra thết đãi. Mình thật thà, thẳng thắn, nghĩ gì nói đó. Chính sự dung dị ấy tạo cảm giác gần gũi, không phân biệt mình hay bạn, từ đó tạo tâm lý thoải mái, thân thiện”. Nói đến đó, chú ba dừng lại, cười sảng khoái, rồi lại nhìn sang cựu chiến binh Đặng Văn Hết (ngụ xã Thái Trị).

Ông Hết tiếp lời: “Người Campuchia rất thích mời khách về nhà nhân dịp lễ, tết hoặc nhà có đám tiệc, nhưng họ chỉ mời những người nào thân thiết. Và khi mới đến nhà, họ thường mang những món đặc sản ra mời khách, vì vậy, dù mình ăn không được cũng phải tôn trọng họ, thử qua tất cả các món. Nhớ có lần, tôi qua nhà một “ní” chơi (ní - tiếng Khmer chỉ người thân thiết), họ lấy nước từ giếng còn nhiều phèn, khó uống nhưng tôi vẫn uống từng ngụm để tỏ sự tôn trọng với bạn”.

Và khi bạn đến Long An cũng không khỏi vấn vương, bởi con người nơi đây chất phác, mộc mạc lại thân thiện, nhiệt tình và mến khách.

Dung hòa 2 nền văn hóa Việt Nam và Campuchia

Không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc, nhiều gia đình Việt Nam có mối quan hệ thông gia với gia đình nước bạn Campuchia. Và mối quan hệ đó càng tốt đẹp khi 2 nền văn hóa được dung hòa, bồi đắp.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ ấp Cả Trốt, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Gia đình tôi có 4 người con, trong đó, con trai thứ tư cưới vợ là người Campuchia. Khi biết 2 con thương nhau, gia đình không hề phản đối mà còn mang trầu cau hẹn ngày làm đám cưới. Con dâu tôi rất hiếu thảo và ham học hỏi. Lúc mới về nhà tôi, con dâu không rành tiếng Việt, gia đình tôi thì không biết tiếng Campuchia, thế là nhà chồng học con dâu, con dâu cũng học tiếng Việt và nền nếp nhà chồng. Trong mỗi bữa ăn, ngoài những món Việt Nam, còn có thêm những món Campuchia để các thành viên trong gia đình tập dần với khẩu vị mới. Gia đình sui gia cũng thường qua lại, thăm nom lẫn nhau”.


Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ ấp Cả Trốt, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) kết thông gia với gia đình nước bạn Campuchia

Và sự dung hòa đó là sợi dây liên kết tình cảm láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài! Mối quan hệ hữu nghị Việt Nam và nước bạn Campuchia không chỉ được vun bồi bằng mối quan hệ sui gia giữa những gia đình Việt Nam và gia đình Campuchia mà còn được vun đắp bằng tinh thần ham học hỏi của cả 2 bên.

Hiện nay, Long An có nhiều chợ biên giới, thu hút người Campuchia qua lại mua bán, từ đó, một số người Long An tự học tiếng Campuchia và ngược lại để thuận tiện trong trao đổi.

Chị Lâm Thị Điều (tiểu thương ở chợ Kiến Tường) cho biết: “Đa số chợ vùng biên buôn bán được là nhờ một phần người Campuchia qua lại nhiều. Vì vậy, để giữ chân và tạo niềm tin cho khách hàng Campuchia, tiểu thương trong chợ đều học tiếng nước bạn. Gia đình tôi buôn bán ở đây mấy chục năm, không biết tiếp bao nhiêu khách là người nước bạn. Mình trao đổi bằng tiếng Campuchia, họ vui lắm, lần sau lại đến và giới thiệu người thân cùng đến mua”.

Chị Lâm Thị Điều đang tiếp khách hàng là người dân nước bạn Campuchia

Dù khác nhau về cách sống, sinh hoạt, ngôn ngữ, văn hóa nhưng người dân Việt Nam, Campuchia sống 2 bên biên giới luôn giữ mối hòa khí, thắt chặt tình láng giềng hữu nghị. Không chỉ có người dân nước bạn cảm nhận được những nét đáng quý của người Long An mà khi bạn đến Long An đều cảm thấy vấn vương, yêu mến đất và người nơi đây./.

Dù khác nhau về cách sống, sinh hoạt, ngôn ngữ, văn hóa nhưng người dân Việt Nam, Campuchia sống 2 bên biên giới luôn giữ mối hòa khí, thắt chặt tình láng giềng hữu nghị.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết