Tiếng Việt | English

04/07/2016 - 21:16

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2016: Đề thi mở có độ phân hóa cao

Nhận xét về đề thi, nhiều thí sinh cho biết, đề thi không quá khó nhưng hơi dài.

Hôm nay (4/7), các thí sinh hoàn thành hai môn cuối Lịch sử và Sinh học của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Theo đánh giá của nhiều thí sinh và giáo viên, đề thi năm nay có nhiều câu hỏi mở hay gắn với đời sống và tình hình thời sự nhưng vẫn bám sát chương trình phổ thông.

Thí sinh trao đổi sau thi môn Lịch Sử sáng 4/7

Trong buổi thi hôm nay, những thí sinh chọn thi môn Lịch sử và Sinh học tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng bằng tổ hợp môn của khối B và C. Với những thí sinh xét tuyển đại học, cao đẳng theo tổ hợp môn khối A, A1 và D, đều đã kết thúc thi từ chiều qua (3/7). Vì vậy, hôm nay tại Hà Nội nhiều điểm thi đã ngừng hoạt động, chỉ còn rất ít số điểm thi.

Kết thúc 90 phút làm bài thi môn cuối của khối B chiều nay là Sinh học. Đây cũng là môn cuối cùng kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Nhận xét về đề thi, nhiều thí sinh cho biết, đề thi hơi dài. Bên cạnh những câu dễ, đọc xong có thể làm được ngay thì cũng có nhiều câu đòi hỏi kiến thức sâu, khả năng phân tích, tính toán cao và cần có cả kiến thức xã hội.

Thí sinh Nguyễn Xuân Huy, trường PTTH Nguyễn Huệ cho biết: “Em thấy đề Sinh năm nay có sự phân hóa rõ ràng hơn so với năm ngoái đối với học sinh giỏi, khá và trung bình. Năm nay, mảng tính toán nhẹ hơn còn lý thuyết lại nặng hơn. 30 câu đầu trong 50 câu là dành cho thi tốt nghiệp. 20 câu sau dành cho thí sinh thi đại học. Trong đó, 10 câu cuối phải học sinh giỏi mới làm được”.

Đối với đề thi môn Lịch sử sáng nay, theo đánh giá của giáo viên, đề thi rõ ràng, không nặng về dữ liệu ngày tháng, sự kiện mà tập trung vào kỹ năng phân tích lập luận, thể hiện quan điểm tư duy của thí sinh. Nội dung câu hỏi mang tính bao quát và xuyên suốt toàn bộ đề thi Lịch sử năm nay là chương trình từ đầu thế kỷ XX đến nay. Đề thi phân hóa rõ ở câu 3, câu 4, có vận dụng thấp, vận dụng cao.

Thạc sĩ Hồ Quang Lưu, giảng viên khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá: “Đề thi nói chung và trong từng câu hỏi cụ thể đã có sự phân hóa. Tôi cho rằng đề thi Lịch sử năm nay hay câu thứ 4 là chính sách đại đoàn kết. Chúng ta có thể thấy đây là một trong những nội dung quan trọng của tư tưởng đổi mới được đề ra từ Đại hội 6 năm 1986".

"Điều hay nữa là đối với học sinh, các em phải nhìn thấy được trách nhiệm, vai trò của cá nhân mà cụ thể là “Đâu cần, thanh niên có. Đâu khó, có thanh niên”, gắn với chính bản thân của các em. Đó là một trong những cái tôi cho rằng nó gắn với lịch sử, tính thời sự và sự phát triển của đất nước”, Thạc sĩ Hồ Quang Lưu phân tích.

Theo báo cáo nhanh, tại Hà Nội, ở một số điểm thi vẫn có thí sinh vi phạm quy chế thi do mang tài liệu vào phòng thi như cụm thi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì sáng nay môn Lịch sử có 2 thí sinh bị đình chỉ thi, Cụm thi Trường Đại học Thủy lợi có 1 thí sinh bị đình chỉ.

Trong 4 ngày thi Kỳ thi THPT quốc gia, Hà Nội phát hiện và đình chỉ kịp thời một thí sinh mang điện thoại, tai nghe và các thiết bị thu phát cài quanh người trong buổi thi môn Toán ở Cụm thi trường Đại học Lâm nghiệp./.

Nhóm PV/VOV - Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết