Tiếng Việt | English

03/01/2018 - 10:30

Khánh Hưng đi lên nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Trở lại xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An bắt gặp niềm vui trong ánh mắt người dân khi lưu thông trên tuyến đường cặp kênh T28 được trải nhựa phẳng lì. Niềm vui như được nhân đôi bởi diện mạo xã biên giới dần thay đổi từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhiều nông dân xã Khánh Hưng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế

Ngày ấy...

Hơn 15 năm trước, chúng tôi lên xã Khánh Hưng tìm hiểu cụm dân cư vượt lũ và công tác giảm nghèo ở ấp Cả Trốt. Hồi ấy, phần đông nông dân ấp Cả Trốt là người địa phương, có ruộng đất canh tác nhưng vẫn là ấp nghèo. Năm 2000, Khánh Hưng gieo sạ 2.000ha lúa hè thu, bị lũ nhấn chìm mất trắng 200ha, số còn lại thất thu từ 60-70%, trong đó, nông dân ấp Cả Trốt thiệt hại nặng nhất. Trong cuộc họp Chi hội Nông dân ấp Cả Trốt, hội viên nêu những băn khoăn, kiến nghị với chính quyền các cấp về nỗi lo được mùa - rớt giá; các loại dịch bệnh trên cây lúa, chuột phá hoại; phân bón kém chất lượng,... Ngoài cây lúa, không ai tính chuyện thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở nơi đầu nguồn lũ.

Nói đến Khánh Hưng thời gian đó, không thể không nhắc lại mô hình cụm dân cư vượt lũ đầu tiên ở Long An. Được sự hỗ trợ của Trung ương, tháng 5/1997, tỉnh Long An khởi công xây dựng công trình vượt lũ trọng điểm này với diện tích 38ha, tọa lạc tại ấp Gò Châu Mai. Cụm dân cư mang lại nơi ở ổn định cho khoảng 1.000 hộ trong vùng ngập lũ Khánh Hưng. Cụm dân cư Khánh Hưng có nhiều hộ sống an cư, cửa hàng bách hóa, quán giải khát, bến xe buýt đón khách vùng Đồng Tháp Mười xuống TP.Tân An, TP.HCM,... trở thành thị tứ đúng nghĩa của xã vùng biên!

Đứng trước trụ sở UBND xã Khánh Hưng, tôi bỗng nhớ lão nông Mười Tròn - người được mệnh danh “Dũng sĩ diệt chuột”, được UBND tỉnh Long An tặng bằng khen vì có thành tích bảo vệ hoa màu. Gặp tôi, ông Mười Tròn bưng một thúng đuôi chuột phơi khô, rổn rảng nói: “10.000 đuôi, chớ bộ!”. Để diệt 10.000 con chuột, ông cùng vợ, các con dùng nhiều biện pháp: Đánh bẫy, chó săn, vây cù dặm (vây vào lùm cây, dùng chó diệt),... Tuyệt nhiên, ông không dùng bả thuốc. Gương diệt chuột của ông Mười Tròn có sức lan tỏa toàn xã Khánh Hưng và huyện Vĩnh Hưng, tạo thành phong trào diệt chuột bảo vệ đồng lúa của nông dân, hạn chế chuột phá hoại.

... bây giờ

Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Phú - Lưu Văn Hoài đưa tôi đi thăm 15ha đất sản xuất lúa ở ấp Cả Trốt vừa được 8 hộ nông dân quyết định chuyển sang trồng sầu riêng hạt lép xen mít. Ông Hoài cho biết: “Để chuyển 1ha đất trồng lúa sang trồng sầu riêng xen mít và trồng dừa bao quanh bờ phải đầu tư chi phí 300 triệu đồng, từ khâu cải tạo đất, cây giống, nhân công,... Chúng tôi còn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, tìm cây trồng tương thích với biến đổi khí hậu”. Hiện, cây giống được nhập về, đầu tháng 01/2018 sẽ xuống giống. Dưới mương liếp cây ăn trái, 8 hộ còn hợp tác nuôi cá nước ngọt trong mùa mưa. Gần khu đất trồng cây ăn trái, ông Hoài còn đào ao với diện tích 0,7ha thả cá hô, hiện có con nặng gần 5kg. Ở Cả Trốt, không chỉ có 8 hộ xã viên Hợp tác xã Hưng Phú chuyển đất lúa sang trồng cây ăn trái, nuôi cá, nhiều năm trước, tri điền Trần Văn Ngoan làm chủ gần 20ha ruộng cũng “chịu chơi”, chuyển 1,5ha đất trồng lúa sang trồng bưởi da xanh. Ông Ngoan còn khuyên con trai chuyển từ 3,5ha lúa sang trồng dưa hấu và bí đỏ.

Trở lại Gò Châu Mai, chúng tôi như vui lây với Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hưng vừa là Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi - Huỳnh Văn Hùng với mô hình VAC. Thấy trồng lúa khó làm giàu, vợ chồng ông Hùng dành 1,4ha đất trồng 400 cây dừa và đào 15.000m2 thả cá. Trên bờ ao, vợ chồng ông xây trại nuôi heo. Ngoài dừa, cá, heo, vợ chồng Hùng còn sản xuất 5ha đất lúa, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm lãi không dưới 15 triệu đồng/ha. Ông Hùng thông tin, ngoài 4.500ha lúa, bước đầu, nông dân trong xã chuyển 96ha sang trồng các loại rau màu; 55ha ao nuôi cá mang lại hiệu quả cao hơn trồng lúa nhiều lần. Từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiên tiến như cánh đồng lớn 120ha của 31 hộ; cánh đồng mơ ước 110ha của 54 hộ; Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Phú trồng 300ha lúa ứng dụng công nghệ cao,... “Những mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất của nông dân góp phần tạo thế mạnh để Khánh Hưng xây dựng nông thôn mới bền vững” - ông Huỳnh Văn Hùng khẳng định.

Đúng như ông Huỳnh Văn Hùng khẳng định, trong số 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2017, Khánh Hưng hoàn thành 16/19 tiêu chí (tiêu chí mới)./.

Khuynh Diệp

Chia sẻ bài viết