Tiếng Việt | English

25/12/2018 - 10:56

Khẩu súng và cây bút trong Vòng vây con gái

1. Nhà báo Phương Hà quê Quảng Trị, 9 tuổi anh tập kết ra Bắc. Năm 1965, anh từ chối du học, làm đơn xin vào Nam đánh giặc. Anh được về một đơn vị bộ đội chủ lực, vừa cầm súng, vừa cầm bút trên các chiến trường chống Mỹ ở Trường Sơn, ở Bình - Trị - Thiên và các nơi mà anh tham gia chiến trận.

Qua 3 đợt Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 ở Huế, gần cuối đợt 3 (giữa tháng 10-1968), anh được lệnh luồn sâu vào vùng địch kiểm soát, vừa viết về chiến tranh du kích, vừa góp phần gầy dựng lại cơ sở cách mạng trong dân... thì bị địch bắt. Sau những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, anh làm tù binh Phú Quốc. Tháng 3/1973, anh được trao trả tù binh tại Tây Ninh.

“Hình như đã hết một đời người mà tôi không chết, lại còn được chiếc máy vi tính và bộ máy ảnh nhận làm bạn tri âm, tri kỷ” - anh viết. Đời anh có 2 “nghề” là đánh giặc giữ nước và viết báo.

Đánh giặc, anh có Huân chương Quân công và các huân chương khác. Khi còn học cấp 3, anh thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Vào quân đội, những năm ở chiến trường, anh viết cho nhiều báo địa phương, báo Quân khu, báo Trung ương. Vừa ra tù, anh viết ngay loạt bài tố cáo chế độ lao tù Phú Quốc và Việt Nam Cộng hòa vi phạm Hiệp định Paris, gởi đăng Báo Thông tấn xã Giải phóng và Báo Giải Phóng (cơ quan của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam do đồng chí Trần Bạch Đằng phụ trách và nhận anh về chính thức làm phóng viên báo này từ cuối 1973).

Phương Hà còn làm thơ, chơi ảnh nghệ thuật,... Về hưu, anh chọn trong hàng trăm bài ký, bút ký, phóng sự đã đăng báo, rút ra 26 tác phẩm in thành sách xuất bản, dày 500 trang, lấy tựa đề Vòng vây con gái.

2. Với khẩu súng trên vai, gặp giặc là đánh và cuốn tập dắt cây bút để trong ba lô, dọc đường hành quân, hễ thấy chuyện đáng viết là anh viết ngay. Những năm tuổi trẻ sung sức, anh xông xáo đi từ rừng núi đến đồng bằng - đâu có chiến sự sôi động hoặc ta mở chiến dịch là anh đến. Trường Sơn trăm nẻo, anh đi không cần giao liên.

Thế mà lần ấy, sau một ngày đêm trèo đèo, lội suối giữa mịt mù mưa bụi, gần tối, anh dừng bên bờ suối để nấu cơm ăn, rồi mắc võng ngủ, mặc cho rừng đêm vang tiếng mang tác, cọp gầm, “đại bác ru đêm”. Anh ngủ vùi cho tới lúc chiếc võng dồi lên dập xuống mới giật mình bật dậy trong lũ ống ồ ạt cuốn qua. Ba lô, súng, ruột tượng đựng gạo đều bị lũ cuốn mất.

Mưa ào tới. Rét run. Trời sáng dần. Anh đã từng bị lạc 7 ngày đêm trên đường 9 Nam Lào sau trận đánh cứ điểm Km41 nhưng vẫn còn khẩu súng và cái bật lửa để có thể sống được giữa rừng sâu. Còn bây giờ mất trắng. Suốt 2 ngày đêm ở giữa đại ngàn, rồi anh ngủ thiếp đi.

Bỗng có bàn tay ai lay gọi. Mở mắt ra, anh ngỡ ngàng trước một cô gái trẻ, tóc thắt bím: “Anh gì ơi, anh sắp chết rét rồi!”. Anh bàng hoàng. Cô gái thỏ thẻ: “Gặp được đàn ông bây giờ, em mừng quá!”. Cô nói giọng Bắc, mặc đồ thanh niên xung phong (TNXP). Tên cô là Tâm, tuổi vừa 18. Cô đang ở chốt TNXP kế đấy. Cô giục: “Anh vào đi, chúng em đang cần anh” và kéo tay anh vào dãy lán với mấy chục cô TNXP nằm cuốn cầu vồng, giật nẩy trên sạp tre. Tâm nài nỉ: “Anh giúp em (...). Khổ quá, các chị ấy đang lên cơn!”. Anh chưa biết “lên cơn” gì - chưa biết nắm tay một cô gái nào, cứ để mặc cho Tâm cầm tay anh gí vào những chỗ nhạy cảm của từng cô gái khiến người anh nóng bừng.

Kỳ lạ thay, sau đó tất cả các cô đều trở lại bình thường. Mãi sau này anh mới hiểu ra, đó là hiện tượng “cà hước” (tên khoa học Hystérie) do bị ức chế thần kinh khi phải sống quá lâu giữa thế giới toàn phụ nữ, hoặc do stress...).

Bỗng nhiên rơi vào “vòng vây con gái”, anh phải tìm cách thoát ra để đến Bộ Tư lệnh tiền phương ở gần thượng nguồn sông Thạch Hãn nhận nhiệm vụ. Hôm ấy, Tâm tiễn anh đi một quãng đường rừng Trường Sơn sũng ướt nước mưa. Cô khóc, nói mong có ngày gặp lại anh. Và anh đã hứa...

3. Rồi 25 năm sau, khi đất nước hòa bình và đổi mới, anh hay tin ở lâm trường Long Đất (Quảng Trị), có nhiều công nhân là cựu TNXP thời chống Mỹ, bèn tìm đến... Anh ngỡ ngàng trước một khu xóm có tên “Xóm không chồng” với những căn nhà lá bé nhỏ, sơ sài túm tụm nhau. Anh sững sờ gặp Tâm ở đây. Cô TNXP bé bỏng, hồn nhiên ngày nào ở Trường Sơn bây giờ là một phụ nữ luống tuổi, lặng lẽ, cô đơn...

Nghe có đàn ông, cả xóm nữ đổ xô vào nhà chị Tâm. 25 năm ấy biết bao nhiêu tình để cùng kể, cùng khóc, cùng mừng, cùng tủi... “Giữa vòng vây các chị, tôi lại nhớ đến vòng vây con gái hai mươi mấy năm trước ở đại đội TNXP của Tâm (...). Đánh xong giặc, không biết có bao nhiêu cô gái quá thì không lấy được chồng hay không muốn lấy chồng vì không thể quên được người yêu đã hy sinh! Trong đất nước mình có mấy nơi tập trung đến 200 nữ cựu TNXP không chồng, nương tựa nhau mà sống như ở Long Đất này? Có mấy ai thống kê được bao nhiêu cựu nữ TNXP lặng lẽ già trong đơn côi?” (Vòng vây con gái) - anh đau đáu trăn trở.

Đêm ấy, khi mọi người đã ra về, chị Tâm mới kể cho anh nghe. Sau khi chia tay anh giữa đại ngàn Trường Sơn năm ấy, đơn vị cô đi chiến trường Trị - Thiên - Huế để làm nhiệm vụ tải thương, tải đạn cho trận Mậu Thân 1968 và hy sinh quá nhiều. Hết chiến dịch, trở lại rừng, đơn vị chỉ còn 5 chị em lành lặn. Tâm được về Quân khu làm giao liên cho đến ngày hòa bình, cô mới về lại quê nhà Hải Phòng, thăm gia đình ở phố Lê Chân thì cả nhà bị bom B52 chẳng còn một ai! Rồi cô nhập nhóm các chị cựu TNXP về góc rừng này dựng “Xóm không chồng” để cùng nương tựa nhau mà sống. Chị nào xin được một đứa con với người đàn ông xa lạ nào đó thì bị kiểm điểm đến mụ người, nhưng sau đó cũng thông cảm. “Mà không thông cảm cũng chẳng cần. Chúng em cần có đứa con để được làm mẹ, chỉ thế thôi!” - chị Tâm nói giọng ráo hoảnh (thật ra, chị sống chỉ một mình). “Gà đã mấy lần gáy sáng. Giữa Tâm và tôi là một ngọn đèn dầu cần mẫn hắt bóng hai người lên vách nứa.

Tâm thở dài: “Gặp được anh thì em đã già”. Tôi ôm chặt vai Tâm, nước mắt vùi vào tóc em” - anh kết thúc bút ký Vòng vây con gái thật ngậm ngùi... bởi chị Tâm như bao cô cựu TNXP khác đã hy sinh cả quãng đời thanh xuân cho đất nước, đến ngày hòa bình thì đời dần ngã bóng chiều. Các chị lại xúm nhau làm mọi việc mà lẽ ra chỉ dành cho cánh đàn ông, nào đốn cây cất nhà, nào cuốc cày đất sản xuất... để tự lo chu toàn cuộc sống. Phương Hà có lẽ như còn trong dư âm Vòng vây con gái - một vòng vây ân tình sâu nặng - mãi ám ảnh tâm hồn nhạy cảm của anh.

4. Người viết báo thời chiến cũng đồng thời là người lính chiến, vừa cầm súng, vừa cầm bút xông pha trận mạc. Phương Hà đã cháy hết mình khi thể hiện hai vai trò ấy. Anh có mặt rất sớm ở Sài Gòn sáng 30/4/1975, và chỉ 4 ngày sau, anh đã theo tàu Hải quân ra Côn Đảo rồi đi Phú Quốc... kịp có tin, bài sốt dẻo cho báo mình. Rồi dấn vào những việc thường ngày thời kỳ đầu hậu chiến. Anh, với phong cách tác nghiệp tràn đầy năng lượng, vốn sống và tư liệu ngồn ngộn...

Mỗi đề tài, anh đều đến tận cùng sự thật. Xin mượn mấy lời của nhà văn Trần Thanh Phương ở TP.HCM viết về Phương Hà để kết thúc bài này: Nghề báo, trước hết là nghề văn. Không có dấu ấn riêng của người viết, không thể thành bài báo hay. Phóng sự, bút ký, ký sự của Phương Hà giàu chất báo chí và thấm đượm văn chương. Cho nên đọc Phương Hà trong tác phẩm này (Vòng vây con gái) trước hết là đọc văn. Văn, nhưng anh không bịa, nhất là ở chiến trường, xương máu của đồng đội, đồng bào, đồng chí mình, nào ai dám bịa đặt....

Bút ký của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết