Tiếng Việt | English

30/10/2019 - 14:42

Khi bàn họp “vắng dần” chai nhựa

Chất thải nhựa, túi nylon gây nên những mối nguy hại vô cùng lớn đối với môi trường sống của chúng ta. Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, gần đây, UBND tỉnh Long An dùng chai thủy tinh đựng nước uống để thay thế những chai nhựa.

Tại phòng họp của UBND tỉnh gần đây có sự thay đổi nhỏ. Phía trước mặt đại biểu dự hội nghị thay vì là nước đóng chai, nay được thay thế bằng những chai thủy tinh nhỏ và kèm theo ly thủy tinh. Nhiều đại biểu cho biết rất thích cách làm này. 

"Trong khi lượng rác thải nhựa ngày càng tăng và mất thời gian rất lâu, hàng trăm năm để phân hủy, gây áp lực ô nhiễm môi trường thì việc thay đổi thói quen nhỏ như thế này là việc làm rất ý nghĩa" - một đại biểu nhận xét. 

Theo một nhân viên phục vụ tại UBND tỉnh, các chai thủy tinh được vệ sinh sạch sẽ để đựng nước sử dụng nhiều lần nhằm hạn chế rác thải nhựa, đồ dùng bằng nhựa sử dụng 1 lần, đồng thời tiết kiệm một phần kinh phí. "Chỉ mất thêm chút thời gian nhưng lợi nhiều lắm!" - nhân viên phục vụ chia sẻ. 

Những chai thủy tinh được Đoàn xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc phát động nhằm hưởng ứng mô hình chống rác thải nhựa

Theo thông tin của UBND tỉnh, việc thay thế chai nhựa bằng chai thủy tinh nhằm hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ về việc hạn chế rác thải nhựa. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng có văn bản yêu cầu các sở, ngành tỉnh, các địa phương tổ chức phát động phong trào chống rác thải nhựa. Theo đó, không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng 1 lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần”. Thời gian gần đây, trong các hoạt động, sự kiện, cuộc họp tổ chức tại UBND tỉnh, việc sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần cũng dần được hạn chế và loại bỏ. Qua gần 2 tháng triển khai, phong trào góp phần làm thay đổi nhận thức của các cán bộ, công chức, viên chức trong việc hạn chế thói quen sử dụng sản phẩm nhựa. 

UBND tỉnh cũng phát động phong trào huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nylon, hộp xốp và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; khuyến khích mọi người sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nylon, hộp xốp, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng 1 lần,... Từ đầu tháng 8-2019, các đơn vị trực thuộc Văn phòng Ðoàn ÐBQH - HÐND - UBND tỉnh bắt đầu áp dụng thay chai nhựa bằng chai thủy tinh tại các hội nghị. Hiện nay, một số sở, ban, ngành, địa phương cũng đang áp dụng mô hình này. Dự kiến trong tương lai, mô hình này sẽ áp dụng trong toàn tỉnh.

Quyền Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh cho rằng, thời gian qua, các tổ chức Đoàn trong tỉnh tuyên truyền, phát động đến các bạn trẻ nhiều hoạt động chung tay bảo vệ môi trường và phòng, chống rác thải nhựa. Nhiều thủ lĩnh thanh niên trong tỉnh còn sáng tạo, lồng ghép thêm nhiều hoạt động phong phú: Làm đường, biến điểm đen rác thải thành bích họa, tổ chức tuyên truyền kêu gọi người dân chống rác thải nhựa, thay đổi thói quen sử dụng túi nylon, túi nhựa,... Đặc biệt, Huyện đoàn Cần Giuộc phát động mô hình Cuộc họp không có chai nhựa; kêu gọi đoàn viên, thanh niên hạn chế sử dụng chai nhựa trong sinh hoạt.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn cho biết, hiện nay, việc sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần ở nước ta nói chung, Long An nói riêng còn rất phổ biến. Tuy nhiên, rác thải nhựa mất rất nhiều thời gian mới phân hủy, làm bẩn, độc đất đai, gây cản trở dòng chảy, len lỏi vào các mạch nước ngầm. Những hóa chất từ chai nhựa, ly nhựa, túi nylon đựng thực phẩm sẽ gây độc hại với sức khỏe con người. Xử lý rác thải nhựa phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc,...

Hiện nay, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện trong những cuộc họp hạn chế sử dụng chai đựng nước uống 1 lần bằng nhựa. Ngoài ra, một số cửa hàng ăn uống, siêu thị,... hạn chế dùng ly nhựa mà chuyển sang dùng ly giấy, ống hút nhựa được thay thế bằng chất liệu bột; một số người dân bắt đầu dùng túi vải thay thế túi nylon,... Đây là bước tiến của phong trào, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về rác thải nhựa, nhất là rác thải nhựa sử dụng 1 lần./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích