Tiếng Việt | English

02/01/2019 - 14:58

Khi bạn trẻ làm dâu

“Lần đầu tiên về sống trong một gia đình mới, nề nếp, nếu được chồng và gia đình chồng yêu thương, thông cảm thì khó khăn nào cũng qua hết. Người trong một gia đình nhất định phải yêu thương nhau” - Thùy Trang, ngụ xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An chia sẻ.

Sự yêu thương thật sự chính là chất “kết dính” bền chặt nhất cho các gia đình (Trong ảnh: Không khí quây quần ấm áp của gia đình bà Loan)

Sự yêu thương thật sự chính là chất “kết dính” bền chặt nhất cho các gia đình (Trong ảnh: Không khí quây quần ấm áp của gia đình bà Loan)

1. “Mẹ chồng, nàng dâu” thường được khắc họa bằng mối quan hệ ít tốt đẹp, nhất là trong xã hội phong kiến. Ngày nay, giữa cuộc sống hiện đại, “mẹ chồng, nàng dâu” không còn là "nỗi ám ảnh" nữa mà cùng cố gắng để hòa hợp và xây dựng gia đình êm ấm, hạnh phúc. Đó là quan điểm của bà Trần Thị Kim Loan, ngụ xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành. Vừa trò chuyện, bà Loan vừa mỉm cười nhìn con dâu, chị Đoàn Thị Bích Ly (SN 1991). Bà Loan kể như khoe: “Từ khi con dâu về là cháu lo hết việc cơm nước, dọn dẹp trong nhà, tôi không phải làm gì nữa mà tập trung chăm sóc vườn thanh long của gia đình, khi rảnh rỗi thì chăm nom cháu nội giúp con. Con dâu tôi từ lúc mới về nhà đã rất khéo trong việc bếp núc, tôi không cần phải lo lắng hay chỉ bảo gì thêm! Có chăng chỉ là hướng dẫn con cách chăm sóc thanh long mỗi lúc con muốn ra đồng giúp mẹ thôi”.

Sau 4 năm về làm dâu, chị Ly thực sự như con gái trong nhà bởi theo bà Loan, con dâu chính là người sẽ gắn bó, chăm sóc mình khi sức yếu, tuổi già chứ không phải là ai khác. Và chính sự chân thành, tâm lý đó giúp chị Ly nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới. Chị kể: “Những ngày đầu mới về làm dâu, tôi cũng có phần e ngại vì chưa hiểu hết nề nếp của gia đình. Vì còn chưa hiểu hết ý mẹ nên nhiều khi làm mẹ buồn lòng. Biết rồi thì tôi tự mình sửa chữa để không làm phiền lòng mẹ. Giờ mẹ với tôi như mẹ ruột với con gái vậy!”, rồi chị mỉm cười, không khí gia đình quây quần, ấm áp.

2. Làm dâu luôn là một thử thách với những cô gái trẻ bởi muốn tìm được sự hòa hợp, yêu thương luôn cần có thời gian và nỗ lực từ hai phía. Khi mẹ chồng dễ tính và tâm lý thì con dâu cũng cần biết lắng nghe, lễ phép và chu đáo. Đó là suy nghĩ của chị Thùy Trang (SN 1989), ngụ xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, bởi theo chị, không có bất cứ ai mới

gặp nhau đã có thể yêu thương và hòa hợp ngay được, luôn cần có một quá trình để tìm hiểu và sửa đổi bản thân từ hai phía. Với trường hợp của mình, chị cảm thấy may mắn khi mẹ chồng quan tâm, chia sẻ cùng con dâu những vất vả trong công việc thường ngày. Chị kể: “Gia đình thuần nông, chồng tôi lại hay đi làm xa nhà nên thường chỉ có 2 mẹ con ở nhà, những lúc con đau ốm cũng có mẹ chồng bên cạnh giúp đỡ mình. Dẫu biết, nhiều khi có những điều khiến mình chạnh lòng nhưng rồi tất cả cũng qua. Người trong một nhà, phải yêu thương nhau mới sống bên nhau được chứ!”.

Gia đình có thêm thành viên mới điều đầu tiên bà Sương cảm nhận được chính là niềm vui! (Trong ảnh: Chị Thúy An cùng mẹ chồng trong ngày cưới)

Gia đình có thêm thành viên mới điều đầu tiên bà Sương cảm nhận được chính là niềm vui! (Trong ảnh: Chị Thúy An cùng mẹ chồng trong ngày cưới)

Đó cũng chính là quan niệm của gia đình bà Hồ Thị Thu Sương, ngụ xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An. Bà Sương kể, gia đình vừa tổ chức lễ cưới cho con trai cách đây không lâu. Điều đầu tiên bà cảm nhận được khi gia đình có thêm thành viên mới chính là niềm vui! Vì con dâu là giáo viên, phải đến trường từ sáng đến chiều muộn nên hầu như mọi việc trong nhà đều một tay bà chu tất. Bà chia sẻ: “Con dâu đi làm suốt ngày, đâu có thời gian mà làm việc nhà, tôi còn khỏe, ở nhà buôn bán thì làm luôn. Trước giờ vẫn vậy mà!”. Rồi bà âu yếm nhìn con dâu: “Với lại cháu mới “cấn” bầu cũng cần được nghỉ ngơi, mẹ bầu khỏe mạnh, vui vẻ thì mới tốt!”. Câu chuyện trong nhà rộn rã tiếng cười. Chị Nguyễn Thị Thúy An (SN 1995) - con dâu bà Sương, chia sẻ: “Mẹ dễ tính và vui vẻ nên em cảm thấy mình thật may mắn. Em đi làm nên mẹ lo hết mọi việc trong nhà. Riêng em cũng cố gắng không làm cha mẹ phiền lòng nên không khí trong nhà lúc nào cũng thoải mái”. Và sự thoải mái đó sẽ là nền tảng xây dựng một gia đình nhiều thế hệ hòa thuận, đầm ấm. Bởi, sự yêu thương thật sự chính là chất “kết dính” bền chặt nhất cho các gia đình.

Cuộc sống hôn nhân đôi khi không chỉ là chuyện của hai người, đó là sự dung hòa tổng thể các mối quan hệ với gia đình và người thân của 2 bên. Những mối quan hệ đó cũng chính là động lực thúc đẩy sự bền chặt của hôn nhân. “Mẹ chồng, nàng dâu”, mối quan hệ thường được nhắc đến trong các gia đình giờ đây không còn là “nỗi ám ảnh”, bởi người phụ nữ hiện đại biết rằng, cảm thông và chia sẻ cho nhau chính là cách để xây dựng sự yêu thương chân thành, bền chặt./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết