Tiếng Việt | English

05/06/2018 - 20:09

Khi bệnh nhân được tiếp sức

Chương trình Tiếp sức người bệnh (NB) được triển khai tại các trung tâm y tế, bệnh viện (BV) với nhiều hình thức và tên gọi khác nhau nhưng có cùng mục đích mang đến sự hài lòng cho NB, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế và từng bước xây dựng hình ảnh cán bộ y tế thân thiện, nhiệt tình.

Lực lượng đoàn viên, thanh niên Bệnh viện Đa khoa Long An luân phiên nhau hướng dẫn bệnh nhân về thủ tục, quy trình khám, chữa bệnh

Lực lượng đoàn viên, thanh niên Bệnh viện Đa khoa Long An luân phiên nhau hướng dẫn bệnh nhân về thủ tục, quy trình khám, chữa bệnh

Chia sẻ, giúp đỡ người bệnh

Vào sáng thứ hai và thứ sáu hàng tuần, Khoa Khám bệnh, BV Đa khoa Long An tiếp nhận bình quân 2.500 lượt bệnh nhân, khu vực nội trú có từ 900-1.000 BN. Nhằm giảm thời gian chờ đợi, tạo sự hài lòng cho NB, mô hình Tiếp sức NB tại BV được thành lập hơn 5 năm nay với 380 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia. Các bạn chia nhóm, mỗi nhóm có 3-5 người luân phiên tiếp sức NB từ 7-9 giờ ngày thứ hai và thứ sáu hàng tuần. Tại mỗi khu vực, ĐVTN chịu trách nhiệm hỗ trợ NB, hướng dẫn sơ đồ BV, thủ tục, quy trình khám bệnh, giải đáp những thắc mắc của NB trong quá trình khám, chữa bệnh (KCB).

Bà Lương Ngọc Nữ (80 tuổi), ngụ phường Tân Khánh, TP.Tân An, chia sẻ: “Tôi mắc bệnh loãng xương hơn 10 năm nay. Hàng tháng, tôi đến BV Đa khoa Long An kiểm tra sức khỏe. Khi đến đây, được các cháu lấy số, dẫn đến tận các phòng khám, như vậy là quá tốt rồi!”.

Tại khu vực nội trú, ĐVTN còn đảm nhiệm việc bưng bê đồ đạc, áo quần, đẩy xe lăn, gọi taxi giúp NB, nhất là NB lớn tuổi, khuyết tật và những sản phụ sau sinh. Phó Bí thư Đoàn cơ sở BV Đa khoa Long An - Phạm Tấn Đức cho biết: “ĐVTN được tập huấn kỹ năng giao tiếp, tư vấn cho NB, hướng dẫn sơ đồ BV, quy trình khám bệnh và nhắc nhở thân nhân NB không hút thuốc lá trong khuôn viên BV, giữ gìn an ninh, trật tự”.

Cầu nối giữa người bệnh và cơ sở y tế

Thành lập từ năm 2017, Tổ Công tác xã hội Trung tâm Y tế huyện Bến Lức có 3 bộ phận thực hiện nhiệm vụ tiếp đón, chỉ dẫn; truyền thông - giáo dục sức khỏe và đánh giá sự hài lòng của NB. Với vai trò làm cầu nối giữa NB với cơ sở KCB, đây là nơi chia sẻ, giúp đỡ NB được tư vấn, KCB.

Ông Nguyễn Văn Hòa, ngụ xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, chia sẻ: “Tổ Công tác xã hội ở Trung tâm Y tế huyện không chỉ giải quyết các vướng mắc, khó khăn ban đầu của NB và thân nhân mà còn giúp bệnh nhân hoàn tất các thủ tục, rút ngắn thời gian chờ đợi”.

Tổ Công tác xã hội còn đảm nhận việc giới thiệu, cung cấp thông tin, tư vấn về dịch vụ KCB của BV đến NB và thân nhân; hỗ trợ NB về quyền và lợi ích hợp pháp các chương trình chính sách xã hội khi KCB có bảo hiểm y tế hoặc xét chế độ ưu tiên. Các thành viên trong tổ giải thích cho NB trong trường hợp NB có chỉ định chuyển tuyến hoặc thủ tục ra viện; hướng dẫn các tổ chức tình nguyện khi có nhu cầu hỗ trợ NB có hoàn cảnh khó khăn tại BV.

Đoàn viên, thanh niên đảm nhiệm việc giúp đỡ bệnh nhân, nhất là bệnh nhân lớn tuổi, khuyết tật

Đoàn viên, thanh niên đảm nhiệm việc giúp đỡ bệnh nhân, nhất là bệnh nhân lớn tuổi, khuyết tật

Với quan điểm “Lấy NB làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị”, mô hình Tiếp sức NB tại BV Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa) cũng được thực hiện nhiều năm qua. Theo đó, lực lượng ĐVTN luân phiên nhau trực bàn hướng dẫn bệnh nhân về thủ tục, quy trình KCB. Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, BV Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, vừa hướng dẫn NB, vừa cho biết: “Chúng tôi đặt tiêu chí phải hỗ trợ hết sức, kịp thời NB, nhất là những tình huống cấp bách. Công việc đòi hỏi chúng tôi phải nhanh nhẹn, từ tốn giải thích cho NB và thân nhân hiểu”.

Tùy vào tình hình thực tế trong KCB mà các cơ sở y tế triển khai chương trình Tiếp sức NB khác nhau. Việc tiếp sức NB giúp các khoa, phòng giảm áp lực khi số lượng NB đông. Đây cũng là việc làm thay đổi phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, giúp NB an tâm, thoải mái khi đến khám và điều trị./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết