Tiếng Việt | English

07/01/2019 - 16:21

Khi hạnh phúc nở hoa

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Long An là nơi tiếp nhận, quản lý và chăm sóc những đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Đó là mái nhà chung, nơi cưu mang, bảo bọc những mảnh đời bất hạnh. Cứ tưởng, nơi ấy chỉ có những câu chuyện đời buồn cùng tiếng khóc, cười trong vô thức. Nhưng không, nơi ấy còn có cả tình yêu, niềm hy vọng và hạnh phúc vẫn có thể nở hoa!

Đi học về là P. “quấn” bên ngoại tâm sự đủ điều

Đi học về là P. “quấn” bên ngoại tâm sự đủ điều

“Ngoại! Ngoại!”

Trung tâm đang nuôi dưỡng 6 trẻ và các bé được bố trí ở cùng phòng với nhau để tiện việc chăm sóc. Như thường lệ, sau 16 giờ, nhân viên phục vụ tại trung tâm đến trường đón các cháu nhỏ sau giờ học. Vừa về đến trung tâm, các cháu cất tập, sách vào phòng và chạy ra ngoài sân chơi. Chỉ có một bé trai hơn 6 tuổi lầm lũi bước ngang qua căn phòng chung ấy và tiến thẳng đến khu người già. Bé vào một căn phòng khác, phòng dành cho... người già! Bé là N.H.P và căn phòng ấy dành cho P. và “bà ngoại”. Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - Huỳnh Ngọc Dũng kể: “P. là trẻ mồ côi, bị bỏ rơi từ khi còn nhỏ và sống tại trung tâm đến nay cũng hơn 6 năm. Cô Võ Thị Năm cũng là người già neo đơn được chăm sóc tại đây. Cô vào trung tâm cách đây vài năm, thấy hoàn cảnh của P. đáng thương, cô xin đưa cháu về sinh hoạt cùng phòng với mình để chăm sóc cháu”. Vậy là từ đó, một bà một cháu nương tựa vào nhau. Chiều đi học về, chưa đến cửa phòng P. đã gọi vang: “Ngoại! Ngoại!”. Gặp cô Năm rồi, P. khoanh tay thật tròn: “Thưa ngoại, con mới về!”. P. nói chậm từng tiếng một, phát âm còn chưa rõ chữ, tròn vành! Nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ ấm lòng “bà ngoại”. Cô Năm kể, P. bệnh khuyết tật về ngôn ngữ, dù có thể nhận thức được nhưng P. gặp khó khăn trong việc phát âm và sử dụng từ ngữ nên ngại giao tiếp, sống khá khép kín, ít bạn bè. Từ khi về sống cùng “bà ngoại”, P. hồn nhiên, vui vẻ hẳn vì được ngoại chăm lo, dạy dỗ.

Chào ngoại xong, P. bỏ cặp sách xuống giường, đi rửa tay và xin ngoại cái bánh nhỏ rồi nép mình vào người ngoại, khuôn mặt hiền ấm áp niềm vui. Hai bà cháu ôm nhau, thủ thỉ đủ điều, ngoại hỏi P. đi học có vui không, hai bà cháu cùng nhau ôn lại bài học đếm. “Một, hai, ba, bốn,…” - âm thanh ngọng nghịu, chậm rãi vang lên làm ấm cả căn phòng nhỏ. Ôm P. vào lòng, cô Năm tâm sự: “Tôi nghĩ, tôi và P. có duyên với nhau. Tôi không có gia đình, con cái, cháu cũng côi cút, bây giờ nương tựa vào nhau. Coi vậy chứ P. yếu lắm, hay bị bệnh, mới nằm viện cả tháng, phải nghỉ học. Tôi không dám cầu mong kỳ tích xuất hiện, chỉ mong cháu ngoại mình biết đọc, biết viết để làm hành trang vào đời”. Chơi một chút, P. lại bàn lấy 2 phần cơm được các cô chú phục vụ mang tới sẵn đưa cho ngoại 1 phần và bà cháu cùng ăn cơm chiều.

Tình thương nhân với tình thương

Trung tâm là nơi cưu mang các đối tượng bảo trợ xã hội, chủ yếu là người tâm thần, người già neo đơn, nên công việc của những nhân viên làm việc tại đây cũng nhiều vất vả. Nguy hiểm khi tiếp cận người tâm thần, vất vả khi chăm sóc người bệnh, và thời gian làm việc đặc thù không cố định là những điều mà người làm việc tại trung tâm phải học làm quen! Sẽ không phải là nói quá nếu cho rằng những người “trụ” lại với trung tâm đều là những người có tâm cùng công việc, chịu được vất vả và có lòng thương người. Và tình thương đó, đôi khi trở thành nền tảng chắp cánh cho tình yêu đôi lứa.

Có những bạn trẻ đến trung tâm làm việc, từ người xa lạ, họ cùng nhau sẻ chia khó khăn, vất vả trong công việc, dần trở nên thân thiết và cảm mến nhau. Được mọi người ủng hộ và tác hợp, họ đến với nhau và cùng nhau gắn bó với trung tâm. Đó là câu chuyện của anh Phan Công Thuận - nhân viên phục vụ khu Tâm thần nữ và chị Trần Thị Thu Vân - điều dưỡng của trung tâm. Chị Vân kể, khi mới vào trung tâm làm việc, chị không tránh khỏi sự ngỡ ngàng, đôi khi sợ hãi với môi trường làm việc, nhưng được sự giúp đỡ tận tình của đồng nghiệp, chị dần quen và trở nên gắn bó. Hơn 6 năm công tác, chị có không ít kỷ niệm vui, buồn, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là cơ duyên quen biết và nên duyên cùng ông xã.

Chị Thu Vân chia sẻ, để an tâm làm việc tại trung tâm, chị cần có sự cảm thông và giúp đỡ rất nhiều từ phía chồng và gia đình

Chị Thu Vân chia sẻ, để an tâm làm việc tại trung tâm, chị cần có sự cảm thông và giúp đỡ rất nhiều từ phía chồng và gia đình

Có lẽ sự đồng cảm, sẻ chia đã đưa anh chị đến gần nhau hơn. Và cũng chính sự cảm thông đó đã giúp vợ chồng chị càng thêm gắn bó, mặc dù thời gian dành cho nhau chẳng được là bao. Chị tâm sự: “Hai vợ chồng tuy làm việc cùng cơ quan nhưng thời gian trực khác nhau nên ít khi được ăn bữa cơm chung. Từ khi mới yêu nhau, chúng tôi đã xác định đặc thù công việc như vậy, cả hai cũng hiểu và thông cảm nên mới có thể gắn bó lâu dài được”. Vì anh làm việc ở khu Tâm thần nữ nên vất vả hơn chị rất nhiều, hôm nào phải chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện hoặc có bệnh nhân “lên cơn” thì về nhà anh mệt rũ. Dẫu biết người vợ nào cũng cần được sẻ chia, tâm sự nhưng hiểu được công việc của chồng nên chị không quá khắt khe. Bù lại, anh luôn cảm thông cho vợ. Chị nói: “Công việc đòi hỏi mình phải trực đêm nhiều, nếu gia đình chồng và chồng không thấu hiểu, giúp đỡ thì mình không thể nào an tâm làm việc được. Việc người phụ nữ thường xuyên vắng nhà buổi tối với nhiều gia đình là rất khó chấp nhận”. Chọn cùng nhau làm việc tại trung tâm, thì những người như anh Thuận, chị Vân chấp nhận ít có thời gian dành cho nhau, cho gia đình. Và việc anh mang những vết thương về nhà cũng dần trở nên quen thuộc với gia đình nhỏ. Ông Huỳnh Ngọc Dũng cho biết: “Trung tâm có 2 cặp vợ chồng đều làm việc tại đây, và có lẽ đó cũng là động lực để cả hai vợ chồng quyết tâm gắn bó lâu dài với nơi này”.

Chỉ cần có tình thương thì bất cứ trong hoàn cảnh nào, hạnh phúc đều có thể nở hoa. Và câu chuyện của P. và bà ngoại, vợ chồng chị Vân và anh Thuận là minh chứng cho điều đó./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết