Tiếng Việt | English

17/04/2019 - 10:11

Khi người trẻ đam mê nhạc cụ dân tộc

Hiện nay, âm nhạc hiện đại rất phát triển, điều đó đồng nghĩa với việc các loại hình nghệ thuật truyền thống dần lép vế. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn nhiều bạn trẻ yêu thích, tâm huyết giữ gìn và phát huy âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Các thành viên trong Câu lạc bộ Sáo trúc biểu diễn tại Công viên TP.Tân An

Các thành viên trong Câu lạc bộ Sáo trúc biểu diễn tại Công viên TP.Tân An

Những ngày cuối tuần, giữa lòng thành phố tấp nập, vội vã, thanh âm du dương, trong trẻo của những bản nhạc được hòa tấu bằng sáo trúc tại Công viên TP.Tân An, tỉnh Long An khiến lòng người bồng bềnh, bay bổng, xua tan nỗi mệt nhọc của cuộc sống thường nhật.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Sáo trúc TP.Tân An - Nguyễn Tấn Tài cho biết: “Trước đây, tôi chơi nhiều nhạc cụ như đàn guitar, piano,... Tuy nhiên, khi chơi sáo trúc, tôi rất thích và đam mê. Có lẽ đối với sáo trúc, tôi đặc biệt bị thu hút bởi âm thanh du dương, truyền cảm. Và khi đi xa, tôi chỉ cần nghe tiếng sáo trúc thì lòng mình cảm thấy nhớ quê nhà, nhớ những gì gần gũi nhất của tuổi thơ”.

Được biết, ban đầu, CLB Sáo trúc chỉ là một nhóm nhỏ, có chung niềm đam mê yêu thích nên tập hợp lại chơi sáo trúc. Không lâu sau, tiếng sáo du dương, trầm bổng vang lên mỗi tối cuối tuần ở Công viên TP.Tân An, từ đó không ít bạn trẻ yêu thích âm nhạc, nhạc cụ dân tộc ngỏ lời tham gia. Sau một thời gian, anh Tài cùng các bạn trong nhóm quyết định làm thủ tục thành lập CLB Sáo trúc. Đến nay, CLB được thành lập gần 1 năm, với gần 20 thành viên nòng cốt. Địa điểm sinh hoạt của CLB là Công viên TP.Tân An.

Từ đó, đều đặn, chiều chủ nhật hàng tuần, những người yêu tiếng sáo lại cùng về đây, chẳng ai là thầy, chẳng ai là trò, người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, người biết thổi hướng dẫn người chưa biết thổi. Cứ thế, CLB không chỉ là sợi dây gắn kết những người yêu sáo trúc mà còn là nơi kết nối những người cùng tìm về cội nguồn, đam mê văn hóa truyền thống.

Anh Nguyễn Ngọc Trung (xã Long Định, huyện Cần Đước) - thành viên CLB Sáo trúc TP.Tân An, tâm sự: “Khi tham gia CLB, tôi biết được khuyết điểm của mình để khắc phục và có thêm nhiều kinh nghiệm cho bản thân, từ đó góp phần hoàn thiện về nhạc lý, kỹ thuật biểu diễn bài bản hơn”.

Có thể nói, từ chỗ thổi sáo theo bản năng, khi tham gia CLB, các bạn trẻ biết kết hợp niềm đam mê ấy với kỹ thuật rất bài bản và có định hướng. Tiếng sáo của các thành viên trong CLB ngày càng đẹp, chuẩn hơn không chỉ về nhạc lý mà còn ở nội dung và khả năng truyền tải đến người nghe.

Ngoài ra, điều đáng quý của CLB Sáo trúc TP.Tân An là hầu hết thành viên trong CLB đều là những bạn trẻ sống cách xa nhau đến vài chục kilômét, thế nhưng chính tình yêu mãnh liệt dành cho sáo trúc đưa họ tìm đến gần nhau, góp phần tạo nên sân chơi nghệ thuật đầy ý nghĩa.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, ngụ phường 3, TP.Tân An, chia sẻ: “Tôi thường dẫn cháu ra Công viên TP.Tân An chơi, một hôm tình cờ nhìn thấy các bạn trẻ chơi nhạc cụ dân tộc nên rất vui. Giới trẻ ngày nay mà biết chơi nhạc cụ dân tộc là mừng và tự hào lắm, bởi nó góp phần gìn giữ và bảo tồn dòng nhạc truyền thống của quê hương, dân tộc”.

Cứ đều đặn, hàng tuần vào chiều chủ nhật, các thành viên trong Câu lạc bộ Sáo trúc cùng về Công viên TP.Tân An tổ chức sinh hoạt

Cứ đều đặn, hàng tuần vào chiều chủ nhật, các thành viên trong Câu lạc bộ Sáo trúc cùng về Công viên TP.Tân An tổ chức sinh hoạt

Sáo trúc có lẽ là loại nhạc cụ lâu đời nhất trong các loại nhạc cụ dân gian Việt Nam. Âm của tiếng sáo rất đa dạng, phù hợp với dòng nhạc dân ca, cổ điển và cả dòng nhạc hiện đại. Không chỉ gìn giữ, bảo tồn cây sáo dân tộc mà các bạn trẻ còn ấp ủ dự định kết hợp nhạc truyền thống biểu diễn cùng nhạc điện tử, nhằm góp phần tạo đà phát triển cho nhạc cụ dân tộc nói riêng và cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam nói chung.

Anh Nguyễn Tấn Tài - thành viên CLB Sáo trúc TP.Tân An, tâm sự: “Hướng sinh hoạt sắp tới của CLB là biểu diễn ở những nơi công cộng, kết hợp giữa nhạc dân tộc và nhạc hiện đại. Xu hướng này vẫn còn rất mới, chúng tôi là những người đi đầu nên chắc sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng để đưa không gian âm nhạc truyền thống đến gần hơn với khán giả”.

Hy vọng, với những nỗ lực “nạp” thêm “sinh khí” mới vào tiếng sáo của mình, các bạn trẻ sẽ “chắp cánh” để những thanh âm đặc trưng này vang xa hơn nữa, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của âm nhạc dân tộc./.

Thiên Minh

Chia sẻ bài viết