Tiếng Việt | English

15/07/2020 - 10:37

Khi người trẻ là bí thư, trưởng ấp

Thường thì làm bí thư, trưởng ấp tại các địa phương đa phần là người lớn tuổi, có uy tín và giàu kinh nghiệm sống lại không vướng bận quá nhiều về kinh tế gia đình. Nhưng có những người trẻ, bằng sự nhiệt tình và năng lực của mình, được người dân tín nhiệm, ủng hộ. Họ là những bí thư, trưởng ấp chưa quá 30 tuổi.

Về huyện biên giới Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, chúng tôi gặp anh bí thư, trưởng ấp chưa tròn 30 tuổi, có 2 nhiệm kỳ làm bí thư, trưởng ấp và được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

1. Anh là Trần Hoàng Khê (Bí thư, Trưởng ấp Bàu Cát, xã Vĩnh Trị), một thanh niên trầm tính, có vẻ kiệm lời. Sau khi xuất ngũ về lại địa phương, anh được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng ấp. Anh luôn nhiệt tình và hết lòng vì công việc, dù là ngày hay đêm, khi cần anh đều có mặt. Bóng đèn đường hỏng giữa đêm, người dân gọi, anh có mặt kiểm tra, đánh dấu, sáng hôm sau liên hệ người sửa chữa ngay. Mùa mưa, lũ, những tuyến đê bao lửng đứng trước nguy cơ vỡ, anh Khê “trực chiến” suốt 24/24 giờ để cùng người dân gia cố đê bao, cứu lúa. Không kể là giữa trưa nắng hay trầm mình dưới sông khi mưa rả rích, anh đều hăng hái xung phong, cùng mọi người chung tay, chung sức. Chính vì vậy mà anh trưởng ấp trẻ luôn được người dân địa phương tín nhiệm. Trong đợt bầu cử trưởng ấp vừa qua, anh Khê là trưởng ấp trẻ nhất xã, cũng là người được tín nhiệm với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất, trên 90%.

Thỉnh thoảng, anh Trần Hoàng Khê tự mình đi phát quang cây cỏ dọc các tuyến đường

Thỉnh thoảng, anh Trần Hoàng Khê tự mình đi phát quang cây cỏ dọc các tuyến đường

Anh Khê chia sẻ: “Làm bí thư, trưởng ấp thì công việc không kể thứ bảy, chủ nhật nhưng quan trọng nhất là mình biết sắp xếp, dành thời gian chăm lo kinh tế gia đình. Tôi nghĩ, mình cứ hết lòng rồi bà con sẽ thấy, tin và thương”. Nhờ sự tin và thương đó mà nhiều công trình tại ấp Bàu Cát, xã Vĩnh Trị được hoàn thành, giúp người dân có cuộc sống tốt hơn.

Theo chân anh, chúng tôi đến đoạn đường kết hợp đê bao của ấp. Mặt đường trải đá, khá cao, rộng. Trước đây, đoạn đường này thấp, nhỏ, hẹp, sình lầy. Mùa mưa, nước lên, nhiều đoạn bị ngập, trẻ em đến trường vất vả và nguy hiểm. Sợ người dân đi lại khó khăn, anh Khê đứng ra vận động kinh phí nâng cấp, cải tạo. Đường được đắp cao, trải đá, đi lại thuận tiện hơn. Trên đường đi, anh dừng lại bên mấy bụi cây ven đường, vừa bẻ bớt nhánh cây, anh vừa giải thích: “Đoạn này đường cong, cây mọc như vầy đi mà không quan sát dễ tai nạn lắm!”. Thì ra, đây cũng là một trong những việc hàng ngày quen thuộc của anh Bí thư, Trưởng ấp Trần Hoàng Khê. Anh kể: “Lâu lâu, tôi lấy xe chạy một vòng quanh ấp, xem đường nào cây cối um tùm quá thì dọn bớt. Không làm bỏ đó chờ ai? Việc cũng nhỏ, không đáng gì”. Và cũng vì những chuyện “không đáng gì” ấy mà công việc bí thư, trưởng ấp của anh thêm phần vất vả.

2. Rời biên giới, chúng tôi về vùng hạ gặp anh Nguyễn Phạm Tấn Phong (Bí thư, Trưởng ấp Phú Xuân 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành). Với vai trò bí thư, trưởng ấp, anh cùng ban ấp vận động người dân thực hiện nhiều công trình cầu, đường giao thông nông thôn, đài nước qua lắng lọc. Theo chân anh trên hành trình đi vận động mới thấy làm công tác vận động chẳng đơn giản chút nào. Suốt buổi sáng len lỏi khắp các ngõ xóm, đoàn vận động chỉ thu được phần đóng góp của… 2 hộ. Còn lại là những cái lắc đầu ái ngại, những lời hẹn lần sau và sau nữa. Được biết, đó là chuyến đi thứ 11 của đoàn để kịp có kinh phí hoàn thành đài nước qua lắng lọc của ấp. Về nhà khi quá giữa trưa, anh chỉ kịp ăn vội bữa cơm, nghỉ trưa chừng 30 phút. Anh Phong nói: “Công việc này quan trọng là sắp xếp thời gian, sẽ có những giai đoạn rất bận nhưng cũng có ngày thư thả. Tôi phải tranh thủ để còn dành thời gian làm việc nhà, phụ gia đình làm kinh tế”.

Với anh Nguyễn Phạm Tấn Phong, đi lại nhiều là điều bắt buộc để thuyết phục người dân không có cách nào khác là kiên trì và tận tâm

Với anh Nguyễn Phạm Tấn Phong, đi lại nhiều là điều bắt buộc để thuyết phục người dân không có cách nào khác là kiên trì và tận tâm

Khi hỏi về những khó khăn lúc đi vận động, anh chỉ cười: “Vận động bắt buộc phải như vậy, đâu có cách nào khác. Riết cũng quen! Ngày mới làm bí thư, trưởng ấp, tôi còn chưa biết hết mọi người. Giờ thì nhà nào cũng biết rồi. Tôi với mấy chú tranh thủ vận động cho công trình này, vì đài nước đã đưa vào sử dụng rồi. Còn một đài mới chuẩn bị khởi công”. Với anh Phong, đi lại nhiều là điều bắt buộc, để thuyết phục người dân không có cách nào khác là kiên trì và tận tâm. Đó là cách tốt nhất giúp người dân thay đổi nhận thức, nhiệt tình tham gia thực hiện tốt các chủ trương của địa phương. 28 tuổi, anh Phong được xem là quá trẻ nhưng nhìn những công trình, phần việc anh đã làm, chúng tôi hiểu vì sao anh được người dân địa phương tín nhiệm.

Chọn một người trẻ vào vị trí bí thư, trưởng ấp tất nhiên sẽ có những khó khăn nhất định: Thiếu kinh nghiệm, khó có được sự tin tưởng, tín nhiệm của người dân khi đứng ra vận động hoặc hòa giải. Nhưng bù lại, đó sẽ là người xông xáo, nhiệt tình cùng với sự nhạy bén, tinh thần ham học hỏi, họ sẽ là lớp kế thừa đầy triển vọng./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết