Tiếng Việt | English

04/08/2017 - 10:45

Khi phòng, chống tham nhũng trở thành xu thế của xã hội

Trong những ngày qua, các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin, bình luận về sự kiện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức phiên họp thứ 12 dưới sự chủ trì của Trưởng Ban chỉ đạo, Tổng Bí thư - Nguyễn Phú Trọng để thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017.

Qua theo dõi thông tin trên báo chí, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hết sức phấn khởi trước những kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Công tác này luôn được đảng viên, nhân dân quan tâm, bởi gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, uy tín của Đảng, Nhà nước, cũng như việc củng cố niềm tin, thượng tôn pháp luật và sự phát triển lành mạnh của đất nước. Đây là một cuộc đấu tranh phức tạp, khó khăn. Trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ với cử tri Hà Nội: “Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn”.

Dư luận xã hội phấn khởi, đồng tình trước đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. Đây là đánh giá rất thẳng thắn, đúng bản chất của vấn đề, bởi “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. Đây là kinh nghiệm rất quý. Tạo ra được xu thế, được phong trào mới là cơ bản”. Tổng Bí thư nói rất ấn tượng: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.

Qua các vụ điều tra, xét xử các đại án kinh tế, qua xử lý các vụ việc cán bộ, đảng viên vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng, các đảng viên, nhân dân đều nhận thức rằng Đảng, Nhà nước ta kiên quyết, chống tham nhũng; nói đi đôi với làm; làm bài bản. Đặc biệt, đấu tranh phòng, chống tham nhũng không còn là hành động “đơn thương độc mã” của tổ chức, cá nhân nào, mà trở thành một phong trào rộng lớn, xu thế xã hội.

Trong phiên họp thứ 12, Tổng Bí thư biểu dương vai trò của báo chí đã đóng góp rất lớn vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cần tiếp tục phát huy; cần tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm tính công khai và phát huy vai trò của báo chí tham gia giám sát. Tuy nhiên, đồng chí cũng nhắc nhở: Báo chí cần thông tin đúng, chuẩn xác, góp phần thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời đấu tranh phản bác những thông tin sai lệch, xuyên tạc, không xây dựng.

Những kết quả quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua và chỉ đạo của Tổng Bí thư về công tác này là định hướng quan trọng, khẳng định sự kiên quyết cũng như nhân rộng niềm tin để tất cả cùng chung sức, chung lòng chống tham nhũng, lãng phí./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết