Tiếng Việt | English

24/12/2018 - 13:57

Khi thanh niên dám nghĩ, dám làm

Họ là những thanh niên nông dân, dám trải nghiệm, ham học hỏi và chấp nhận khó khăn để vươn tới thành công.

Vườn gấc do chính tay anh Nguyễn Hoàng Trung ươm, ghép giờ đây cho trái vừa sai, vừa đẹp

Vườn gấc do chính tay anh Nguyễn Hoàng Trung ươm, ghép giờ đây cho trái vừa sai, vừa đẹp

1. Vừa đưa chúng tôi tham quan vườn gấc, anh Nguyễn Hoàng Trung, ngụ ấp 5, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An vừa kể: “Trước đây, vùng này rộ lên mô hình trồng gấc do có một công ty đến chào bán giống cây và hứa sẽ bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi trồng một thời gian, nông dân nhận ra giống cây công ty giao không có chất lượng và lời hứa bao tiêu cũng “bay theo gió” nên họ lần lượt bỏ, chỉ còn một mình tôi trồng. Giờ bắt đầu có vài hộ muốn trồng lại và tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ”.

Câu chuyện tóm tắt chỉ có vậy, nhưng đó là cả một quãng thời gian hết sức khó khăn mà anh Trung đã phải vượt qua. Khi được công ty giới thiệu, gia đình anh đầu tư mua cây giống trồng 1ha gấc, sau 1 năm mới “tá hỏa” vì đa phần là gấc “đực”, không ra trái. Những dây cho trái thì mỗi dây một loại trái khác nhau. Thời điểm đó, anh Trung cũng muốn bỏ, trồng lại cây trồng truyền thống của địa phương, nhưng rồi anh nghĩ, nếu không thử một hướng đi mới, biết khi nào có thể thành công? Vậy là anh nông dân trẻ quyết định tìm tòi, học hỏi về cây gấc, từ thông tin trên Internet đến các vườn gấc thực tế tại Tiền Giang, Tây Ninh, đầu mối thu mua gấc ở tỉnh lân cận,... Cuối cùng, anh tìm ra cách cải tạo vườn gấc nhà mình. Với hàng trăm gốc gấc, anh chọn ra vài gốc có trái đẹp để nhân giống và tiến hành cấy ghép lên thân gấc “đực”. Cây được cấy ghép có lợi thế gốc rễ khỏe, nuôi được phần thân trên là giống gấc tốt, cho trái sai và đẹp.

Cứ thế, ngày từng ngày, anh mày mò vừa ươm trồng, vừa ghép để thay dần vườn gấc tạp trồng trước đó. Và những nỗ lực của anh Trung được đền đáp khi vườn gấc do chính tay anh ghép cho lứa trái đầu tiên sai trĩu, đẹp, chất lượng thịt tốt được đầu mối thu mua hài lòng. Thành công đầu tiên ấy khiến anh càng thêm hăng hái, quyết tâm học hỏi kỹ thuật, chăm sóc tốt vườn gấc của mình. Giờ đây, sau nhiều năm, anh Trung là nông dân duy nhất trong vùng đang làm giàu nhờ cây gấc. Anh chia sẻ: “Gấc cho trái quanh năm, nếu chăm sóc tốt, mỗi năm, vườn gấc mang đến cho tôi hàng trăm triệu đồng. Cây gấc vốn “dễ tính” nên chi phí đầu tư không cao, công chăm sóc không nhiều, với 1ha hiện tại, chỉ cần 1 người có thể chăm sóc được. Đầu ra hiện ổn định vì tôi hợp đồng đơn vị bao tiêu với mức giá ổn định. So với khoai hay khóm thì gấc có hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn”.

Anh Trung chưa có dự định mở rộng quy mô sản xuất nhưng anh sẵn sàng cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua gấc nếu những người dân lân cận muốn trồng. Anh giải thích, vì muốn tập trung chăm sóc và khai thác tốt vườn gấc hiện có, anh dự định đầu tư theo hình thức vườn - ao - chuồng trong vườn gấc để tăng thu nhập và năng suất cho cây. Hành trình của anh Trung nhiều vất vả, nhưng cuối cùng, anh đã “chạm” được thành công.

2. Cũng bằng cách kiên trì học hỏi và dám làm điều mới mẻ mà gia đình anh Nguyễn Hữu Trường và gia đình chị Trần Thị Hồng Nhung đang từng bước khẳng định tên tuổi vườn lan Như Ý trong giới trồng và cung cấp hoa lan. Được biết, sau khoảng 15 năm làm việc trong lĩnh vực chăm sóc lan, anh Trường nghĩ đã đến lúc bản thân nên “tự làm chủ chính mình”. Sau khi bàn bạc, gia đình anh và gia đình chị Nhung quyết định “chung tay” thành lập vườn lan Như Ý tại ấp Mới 1, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa.

Để có được vườn lan Dendro 70.000 gốc phát triển tốt như hiện nay, anh Trường phải sang tận Thái Lan chọn mua giống. Chị Nhung giải thích: “Mua phôi giống tốt thì vườn hoa mình chăm sóc mới phát triển tốt được. Chúng tôi chú trọng từ giống đến chăm sóc nên vườn rất được lòng khách. Từ khi bắt đầu khai thác đến nay, chúng tôi xuất bán khoảng 20.000 chậu và luôn nhận được phản hồi tốt”.

Vườn lan của gia đình chị Nhung được đầu tư bài bản với nhà lưới, hệ thống tưới,... Lan được xử lý ra hoa thành từng đợt để luôn đủ hàng cung cấp cho khách mọi thời điểm. Chị Nhung cho biết, hoa lan không phải khó trồng mà quan trọng là hiểu rõ về cây để có cách chăm sóc tốt giúp hoa ra nhiều, đẹp mà sau khi trổ, cây không bị mất sức, như vậy mới được lòng khách hàng. Trong suốt quá trình làm việc tại các vườn lan khác, anh Trường mày mò vừa học, vừa làm nhằm tự nâng cao tay nghề. Ngoài học hỏi kỹ thuật từ sách vở, người đi trước, anh còn tìm hiểu thông tin trên Internet. Và nếu có dịp, anh đến các vườn lan khác để quan sát, học hỏi. Nhờ vậy, sau từng ấy năm, anh tự tin về sự am hiểu của mình dành cho hoa lan và quyết định cùng gia đình chị Nhung mở vườn lan Như Ý. Toàn bộ kỹ thuật đều do anh đảm nhiệm, còn chị Nhung chịu trách nhiệm làm việc với khách hàng để tạo đầu ra ổn định và ngày càng mở rộng cho vườn.

Chị Trần Thị Hồng Nhung (trái) trong vườn lan của gia đình

Chị Trần Thị Hồng Nhung (trái) trong vườn lan của gia đình

Vì hiện tại, anh Trường chưa học được cách ươm phôi nên ban đầu, tất cả cây giống đều phải nhập từ nước ngoài để bảo đảm chất lượng. Với lượng khách ngày càng tăng như hiện nay, vườn lan Như Ý của gia đình chị Nhung và gia đình anh Trường đang không đủ số lượng cung cấp. Anh, chị dự định mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chị Nhung chia sẻ: “Trồng lan đòi hỏi chi phí đầu tư và kỹ thuật, nên trong vùng, chúng tôi là một trong số những người đầu tiên mở vườn. Thành công thì chưa dám nói, nhưng chúng tôi rất tin tưởng vào con đường mình đang đi”. Vừa nói, chị vừa nhanh tay đóng gói chậu lan cho đợt giao vài trăm chậu ngày hôm sau.

Anh Trường, chị Nhung hay anh Trung đều là những người còn rất trẻ và họ có chung đặc điểm là không ngại khó, không sợ thất bại, dám nghĩ, dám làm để vươn lên làm giàu chính đáng./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết