Tiếng Việt | English

13/11/2019 - 10:22

Khi thanh niên nông thôn mạnh dạn khởi nghiệp

Với tinh thần chịu khó học hỏi, mạnh dạn và nỗ lực không ngừng, nhiều thanh niên (TN) nông thôn trên địa bàn huyện Cần Đước, tỉnh Long An thành công trên con đường khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Áp dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng rau màu
Áp dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng rau màu

Nhiều TN tự tìm được hướng đi, con đường sản xuất, kinh doanh hiệu quả như mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật, đầu tư nhà lưới, nhà màng trồng dưa lưới, trồng rau an toàn, xây dựng hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn Việt, xã Long Khê. Một số bạn trẻ mạnh dạn chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang thực hiện mô hình VAC, trồng xen canh những cây trồng mới, mang lại hiệu quả kinh tế. Đó là trường hợp anh Võ Duy Tân, ngụ ấp Hòa Quới, xã Tân Chánh. Tốt nghiệp khoa Sinh học, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, sau khi làm nhiều công việc khác nhau, anh Tân quyết định trở về quê, nuôi 5.000m2 tôm của gia đình theo mô hình công nghệ cao. Với những kiến thức đã học và kinh nghiệm nuôi tôm của gia đình, anh thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm lãi trên 1 tỉ đồng.

Còn anh Huỳnh Thanh Hải, ngụ ấp Hòa Quới, xã Tân Chánh, trước đây sống dựa vào nghề đi ghe, mua bán, sau khi bàn bạc với gia đình, anh quyết định thuê đất nuôi tôm. Với quyết tâm của mình, anh tìm gặp nông dân có kinh nghiệm để học hỏi và quyết định đầu tư nuôi tôm theo mô hình công nghiệp. Quyết định đúng đắn này mang đến cho anh thành công. Với 8.000m2 ao nuôi, anh thả tôm với mật độ 80 con/m2, sau 70 ngày nuôi, thu hoạch được trên 9 tấn (bình quân 55 con/kg); sau khi trừ chi phí, anh lãi 500 triệu đồng. Mỗi năm, anh nuôi 2 vụ chính và 1 vụ nghịch, thu lãi gần tỉ đồng. 

Với bản tính cần cù, chí thú làm ăn, anh Dương Văn Tỷ, ngụ ấp Bà Chủ, xã Tân Lân, khởi nghiệp bằng việc nuôi gà đẻ lấy trứng. Nhờ sự hỗ trợ của gia đình, từ 200 con gà đẻ đầu tiên nuôi theo kiểu truyền thống, hiện nay, anh xây dựng trang trại lạnh và nuôi 10.000 con gà đẻ, thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm. 

Phát huy ngành, nghề truyền thống để khởi nghiệp

Phát huy ngành, nghề truyền thống để khởi nghiệp

Từng là vận động viên bơi lội khuyết tật, thường xuyên tiếp xúc với nước nên mái tóc và da bị ảnh hưởng, chị Nguyễn Thị Kim Hoàng, ngụ xã Long Trạch, hình thành ý tưởng nghiên cứu loại dầu gội thảo dược từ thiên nhiên để phục hồi tóc. Sau gần 2 năm nghiên cứu, chị cho ra mắt thị trường sản phẩm dầu gội không bọt YOPOO chiếc xuất từ thiên nhiên. Từ ý tưởng này, chị xây dựng Dự án thương hiệu mỹ phẩm Hafabo - trẻ hóa từ thiên nhiên. Đây là dự án duy nhất của tỉnh Long An tham gia tranh tài cùng 29 dự án khởi nghiệp sáng tạo TN cả nước năm 2019 do Trung ương Đoàn phát động. 

Qua các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại nông thôn cho thấy, đoàn viên, TN có thể tự tìm hướng đi phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế gia đình. Trong buổi đối thoại với đoàn viên, TN địa phương, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng nhấn mạnh: TN phải phát huy sức trẻ, mạnh dạn thực hiện ý tưởng. Nhà nước có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng TN trong quá trình lập thân, lập nghiệp. Ông cũng yêu cầu các ngành chức năng phối hợp Huyện đoàn tổ chức hội thi phát triển các dự án khởi nghiệp, mời chuyên gia, doanh nghiệp cùng tham gia và chọn những dự án có điều kiện phát triển để đầu tư. 

Với sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng sự năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, hành trình khởi nghiệp của TN sẽ bớt gian nan và chạm đến thành công./.

Huỳnh Nguyên

Chia sẻ bài viết