Tiếng Việt | English

11/05/2018 - 10:35

Khi tình là sợi tơ mong manh

Hạnh phúc gia đình thật thiêng liêng. Thế nhưng, vì những bất đồng về quan điểm sống, không chung thủy, áp lực cơm, áo, gạo, tiền,... dẫn đến nhiều vụ ly hôn.

Minh họa: Hữu Phương

Minh họa: Hữu Phương

Đường tình không chung lối

Chị V.K.H (SN 1983) và anh L.C.D (SN 1977), ngụ TP.Tân An, tỉnh Long An kết hôn năm 2002. Thời gian đầu, vợ chồng chung sống hạnh phúc và có với nhau 2 mặt con. Bất ngờ, năm 2016, chị H. làm đơn gởi đến tòa án yêu cầu được ly hôn với anh D. Ngày ra tòa, chị H. bùi ngùi nói về nguyên nhân: Chồng cờ bạc, không lo cho gia đình. Dù không đến dự nhưng qua biên bản tự khai với tòa, anh D. cũng thống nhất ý kiến với chị H.

Trường hợp chị N.T.L (SN 1984) và anh H.V.L (SN 1983), ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An kết hôn vào năm 2003 và có 2 đứa con chung, 1 trai, 1 gái. Thế nhưng, đến cuối năm 2011, chị đệ đơn ly hôn. Theo chị L., mâu thuẫn bắt đầu từ năm 2009, khi anh chị ra ở riêng. Chị cho rằng, anh H.V.L đi làm ăn xa, có mối quan hệ với người phụ nữ khác, lại còn ghen tuông vô cớ. Còn về phía anh H.V.L cũng cho rằng, chị L. có mối quan hệ bất chính với người khác.

Những năm gần đây, án ly hôn trên địa bàn tỉnh luôn tăng cao. Riêng năm 2017, tòa án tiếp nhận ở cấp sơ thẩm gần 5.500 vụ ly hôn (trong đó, có gần 3.400 vụ công nhận thỏa thuận của đương sự, còn lại tòa xét xử). Qua phân tích, ly hôn xảy ra ở nhiều lứa tuổi, trình độ, nghề nghiệp, trong đó có gần 1.000 vụ vợ chồng từ 18 đến 30 tuổi; số vụ vợ chồng có con chưa thành niên gần 1.000 vụ.

Cần tổ chức nhiều buổi sinh hoạt và lắng nghe ý kiến, tâm sự của chị, em

Cần tổ chức nhiều buổi sinh hoạt và lắng nghe ý kiến, tâm sự của chị, em

Tại anh, tại chị hay cả hai?

Theo ông Lương Minh Trí - Chánh án Tòa án nhân dân TP.Tân An, những nguyên nhân dẫn đến ly hôn là vợ chồng mâu thuẫn, bất đồng về quan điểm, ngoại tình, bạo lực gia đình, cờ bạc, rượu chè bê tha, chồng hoặc vợ xao nhãng việc chăm lo cuộc sống gia đình, áp lực kinh tế chi phối, lý do sức khỏe, ly hôn để trốn tránh thực hiện một nghĩa vụ nào đó về tài sản,...

“Sau khi thụ lý đơn ly hôn, tòa án tiến hành gặp gỡ 2 vợ chồng để hòa giải. Có những trường hợp nhận thấy có khả năng cứu vãn, hàn gắn được hạnh phúc thì tòa tiến hành hòa giải 3 đến 4 lần. Thế nhưng, tỷ lệ hòa giải thành rất thấp, như năm 2017, Tòa án nhân dân TP.Tân An tiếp nhận gần 400 vụ việc ly hôn nhưng không hòa giải được vụ nào” - theo Tòa án nhân dân TP.Tân An.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, trong số gần 5.500 vụ yêu cầu ly hôn năm 2017 mà tòa các cấp tiếp nhận, chỉ có 33 vụ hòa giải thành. Ngoài ra, chỉ có 14 trường hợp tòa không đồng ý cho ly hôn vì thấy “lý do ly hôn không chính đáng”, có thể hòa giải được để cùng xây đắp hạnh phúc gia đình.

Chủ tịch UBND phường Tân Khánh, TP.Tân An - Lương Công Đức cho biết, các cặp vợ chồng muốn ly hôn đều trực tiếp làm đơn yêu cầu ly hôn gửi ra tòa án giải quyết. Địa phương chỉ tiến hành hòa giải khi 1 trong 2 người có đơn nhờ hòa giải mâu thuẫn. Tuy nhiên, không phải như các vụ việc khác, hòa giải trong các vụ việc hôn nhân - gia đình rất khó thành. Bởi vì, một người đã quyết định làm đơn ly hôn thì thường là những mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm.

Theo Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp tỉnh) - Lê Trung Trực, mỗi ngày, trung tâm tiếp khá nhiều người đến tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, trường hợp đến nhờ tư vấn để hàn gắn mâu thuẫn gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lẽ, nhiều cặp vợ chồng còn ngại và không muốn thổ lộ với người khác. Trong khi đó, theo luật sư Lê Văn Lâm - Giám đốc Công ty Luật Sài Gòn Mê Kông, Đoàn Luật sư tỉnh, văn phòng thường xuyên tiếp xúc với các cặp vợ chồng đến tư vấn thủ tục ly hôn, phân chia tài sản sau ly hôn, có những cặp rất trẻ, cũng có trường hợp đòi ly hôn vì vài lần chồng lớn tiếng hoặc vài lần vợ không nghe lời hay áp lực từ người lớn trong gia đình,... “Nghe vậy, chúng tôi tư vấn để họ nhìn nhận lại, thế nhưng, vì “cái tôi” của mỗi người quá lớn nên rất khó hòa giải” - luật sư Lâm nói.

Ly hôn là điều bất đắc dĩ nhưng đôi khi là sự “giải thoát”

Ly hôn - một cái kết buồn vì để lại những dư chấn về tâm lý, tinh thần cho những người trong cuộc. Và người chịu ảnh hưởng lớn nhất sau những cuộc ly hôn là những đứa con trong gia đình. Thực tế, những vụ ly hôn, ngoài phát sinh tranh chấp tài sản thì còn tranh chấp quyền nuôi con. Trong trường hợp con đủ 7 tuổi thì tòa tham vấn ý kiến của trẻ xem muốn sống với cha hay mẹ để xem xét thêm trước khi quyết định. Tuy nhiên, người viết cũng từng dự nhiều phiên tòa và có lần nghe con trẻ trả lời “Con muốn sống với cả cha lẫn mẹ”. Dù tòa sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố để phải đưa ra quyết định nhưng câu nói của con trẻ cũng làm người lớn suy nghĩ và người nghe thấy nhói lòng.

Tuy nhiên, nếu vợ chồng bất đồng, mâu thuẫn lên đỉnh điểm, bạo lực gia đình xảy ra liên tục thì có lẽ ly hôn lại là một giải pháp tốt. Như trường hợp chị H. (40 tuổi), ngụ huyện Đức Hòa, sau gần 20 năm ly hôn, chị tìm được hạnh phúc mới. Theo chị H., chưa biết tương lai rồi sẽ ra sao nhưng trải qua một lần “gãy gánh” chị càng trân quý hạnh phúc hiện tại và có niềm tin rất lớn với người chồng mới. Dù không muốn đề cập đến chuyện cũ nhưng khi chúng tôi hỏi về “sợi tơ” đầu tiên bị đứt từ 20 năm trước, chị H. thổ lộ đôi điều. Theo chị, hồi đó, vì “tiếng sét ái tình”, chị vội vàng lập gia đình với anh hàng xóm khi mới 18 tuổi. Sau thời gian ngắn về nhà chồng, chị và anh có với nhau 1 đứa con gái. Thế nhưng khi con chưa tròn 1 tuổi, chồng cũ lại hay rượu chè và đánh đập chị, trong khi gia đình chồng lại không ai quan tâm.

Gia đình chính là tế bào của xã hội

Gia đình chính là tế bào của xã hội

Sau thời gian đưa con về nhà mẹ ruột, chị quyết định ly hôn. Thế nhưng, con gái lớn lên, hay bị bạn bè trêu chọc, chị rất lo lắng đến tâm lý của bé. Rất may, được gia đình dạy dỗ chu đáo, con chị ngoan ngoãn và chia sẻ với nỗi đau trong quá khứ của chị. Hiện, con gái chị có việc làm ổn định và lập gia đình riêng.

“Vì sao ly hôn, tại anh, tại chị hay cả hai thì người trong cuộc mới cảm nhận rõ nhất. Nếu chỉ vì mâu thuẫn nhỏ thì vợ chồng cần ngồi lại giải quyết. Còn nếu đã hết nghĩa, hết tình, không thể tiếp tục đi chung đường, vun vén, chăm lo cho gia đình, bạo lực xảy ra nhiều lần thì nên “giải thoát” cho nhau. Đừng vì những ràng buộc, sợ điều tiếng dư luận mà phải chịu đựng lẫn nhau, có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề về sức khỏe, tính mạng, chính con trẻ cũng bị ảnh hưởng những điều không tốt từ gia đình không hạnh phúc...” - chị H. bộc bạch./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết