Tiếng Việt | English

14/03/2018 - 20:06

Khó khăn đời sống công nhân

Cuộc sống còn khó khăn, tiền lương ít ỏi nên nhiều công nhân, lao động (CNLĐ) nghèo phải đắn đo, tính toán trong từng bữa cơm,...

Chị Nguyễn Diễm Hương - CN Công ty (Cty) Simone, Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, chia sẻ: "Hàng tháng, mỗi CN thu nhập bình quân khoảng 6-7 triệu đồng, trong khi có rất nhiều khoản cần chi tiêu như tiền thuê phòng trọ, phí sinh hoạt,... Vì vậy, để tiết kiệm, mỗi lần đi chợ, tôi phải đắn đo, tính toán thật kỹ. Bữa cơm CN thường là rau, trứng, cá biển loại rẻ tiền, thỉnh thoảng mới mua thịt".

Mặc dù mức lương tối thiểu vùng tăng nhưng thực tế cho thấy, đời sống của CNLĐ còn khó khăn. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Lê Thị Thu Cúc cho biết: "Lương tối thiểu vùng tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu đời sống nên nhiều CN vẫn sống rất chật vật với đồng lương ít ỏi của mình. Lương thấp, vật giá lại liên tục “leo thang”, phải khéo tính toán thì CN mới đủ sống".

Công nhân, lao động nghèo chọn mua thực phẩm cho bữa cơm chiều

Chị Nguyễn Lê Dạ Thảo - CN Cty Kannan, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tâm sự: "Thu nhập của tôi và chồng gần 12 triệu đồng/tháng. Vì quê miền Bắc nên khi vào đây làm CN, vợ chồng phải thuê trọ. Hàng tháng, tiền thuê trọ, chi phí học tập của 2 con tốn rất nhiều. Vì vậy, tôi phải cố gắng gói ghém khi đi chợ. Vẫn biết mua thịt, cá, rau, củ không tươi, ngon thì không bảo đảm sức khỏe nhưng mức thu nhập và điều kiện như vậy phải đành chấp nhận”.

Theo khảo sát, mức lương hiện nay chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu sinh hoạt của CNLĐ. Chị Trần Thị An - CN Cty May An Đạt, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, cho biết: "Vợ chồng tôi đều làm CN, thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng nên chỉ đủ nuôi 2 con nhỏ và trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Vì vậy, hầu như bữa cơm của vợ chồng tôi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có rau luộc, xào, trứng chiên, luộc,...".

Theo Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty Tanimex-LA - Nguyễn Văn Phúc, để bảo đảm đủ tiền chi tiêu, sinh hoạt hàng tháng, nhiều CNLĐ đăng ký tăng ca để có thêm thu nhập, do đó, họ ít có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, tái tạo sức lao động".

Còn chị Lê Kim Phượng - CN Cty Cổ phần INTERHOUSE LA, Khu công nghiệp Hòa Bình, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, bộc bạch: "Không chỉ riêng tôi, ở khu nhà trọ này, nhiều chị em CNLĐ nghèo cũng đắn đo mỗi khi đi chợ. Thường thì 3-4 CN cùng thuê trọ, hùn tiền nấu ăn để giảm bớt chi phí. Thu nhập thấp nên CN phải tiết kiệm chi tiêu như vậy mới bảo đảm cuộc sống”.

Mỗi lần lương tối thiểu vùng tăng khoảng 15% thì giá cả các mặt hàng lại tăng cao hơn. Cuộc sống khó khăn, nhiều CNLĐ nghèo thường than thở với nhau “Giá ơi, sao không chờ lương với!”./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích