Tiếng Việt | English

11/05/2016 - 17:54

Khoảnh khắc với Di sản văn hóa thế giới Chùa Thiên Mụ

“Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương/
Thuyền về xuôi mái sông Hương/ Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay”.

Nối theo dòng người trẩy hội, chúng tôi bước lên những bậc tam cấp đi dần lên đồi Hà Khê. Đứng bên cổng tam quan nhìn xuống chân đồi, dòng sông Hương xanh biếc, lờ lững thuyền đò, thuyền chài ngược xuôi trong khoảng trưa êm ả và đầy nắng.

Tiếp tục đi lên nữa là tòa tháp Phước Duyên bảy tầng gạch xây phủ vôi xám ngã màu rêu cổ. Các tầng tháp đều được trang trí pháp lam mà giới chuyên môn cho là “đạt tới đỉnh cao nghệ thuật”. Quanh chân tháp là những cây hoa đại qua mấy trăm năm cổ thụ mà bàn tay thiên nhiên đã vặn thân cây thành những hình thù cổ quái, cành nhánh trút sạch hoa lá theo mùa, trơ phần xương xẩu càng làm cho khung cảnh nơi đây thêm trầm mặc, kỳ vĩ và thâm u hơn.

Ảnh: Internet

Vào điện Đại hùng, điện Địa tạng, điện Quan Âm… đầy nét linh thiêng. Ở điện Đại Hùng có khắc bài thơ bát quái của vua Thiệu Trị: “Tiếng chuông diệu huyền làm cho chúng sanh thức tỉnh cơn mê…”. Tiếng chuông lay động tâm linh kỳ diệu - “Tiếng chuông ngân vang trong bóng câu và vọng âm đến tận miền đất Phật, bóng tháp chạy dài đến tận chân trời trông giống như bước chân đi chiến thắng và mầu nhiệm của chân lý trên sự lầm mê”- lời người xưa nói vậy.

Và đây hai tầng tháp chuông và trống ở phía sau tháp Phước Duyên, tầng dưới treo quả đại hồng chung cao 2,5m, đường kính miệng 1,40m, nặng hơn 2.000kg do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc và đề tặng năm 1714, được Nhà nước công nhận là “Bảo vật quốc gia” năm 2013.

Giới chuyên gia nhận định: “Đây là một tác phẩm mỹ thuật đặc sắc của ngành điêu khắc, hội họa và kỹ nghệ đúc đồng thời chúa Nguyễn, xứng đáng là bảo vật trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam”. Phải chú mục vào từng nét hoa văn, họa tiết và cách tạo hình mỹ thuật khác trên mặt chuông mới cảm nhận được sự bình phẩm ấy.

Ở tầng trên của tháp có treo cái trống tổ to đến bốn vòng tay ôm chưa giáp. Để bịt cái trống này, người thợ phải dùng tới bộ da hai con trâu đực to tướng mới đủ.

Khuôn viên chùa là cả ngọn đồi Hà Khê xưa san bằng nên rất rộng. Sân chùa với những hàng cây hoa cảnh. Tòa chánh điện là một dãy dài như điện Thái Hòa ở Thành nội Huế, nằm ngang sân. Du khách, có cả người nước ngoài, vừa đi tới giữa sân chùa gặp cái lư nhang khổng lồ thường dừng lại đốt một cây nhang cắm vào cho nhẹ hẫng tâm hồn.

Mặt trước chùa Thiên Mụ  Ảnh: Internet

Cũng như nhiều chùa lớn khác, bên trong chùa Thiên Mụ có nhiều tượng Phật ngự trên các bàn thờ. Có hai bình hoa phong lan Hồ điệp trắng tinh ở ngay chánh điện, tỏa hương nhẹ quyện cùng hương khói nhang trầm.

Ra sau chùa gặp một sân vườn tràn đầy chậu hoa và chậu kiểng cổ phô dáng cổ thụ kỳ mỹ. Nhiều gốc cổ thụ tự nhiên lưu dấu rừng xưa với vô số nhánh phong lan phủ lên thân, lên cành nhánh nở hoa thơm ngát.

Bất ngờ một đoàn du khách phương Tây đến. Hướng dẫn viên trạc ngoài 30 tuổi, ra dấu cho cả đoàn dừng lại trước gian phòng trưng bày một chiếc xe Austin xanh lá cây. “Đây là chiếc xe đưa Bồ tát Thích Quảng Đức đến ngã tư Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng, Sài Gòn (nay là Cách mạng Tháng Tám-Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM), vào lúc 10 giờ sáng ngày 11-6-1963, để ngài thực hiện ý nguyện “vị pháp thiêu thân” nhằm thức tỉnh chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo(…)”.

Hướng dẫn viên người Sài Gòn nói tiếng Anh rành rẽ, càng nói, khách Tây càng trố mắt kinh ngạc, nhất là khi mô tả thần thái và trái tim bất hoại của vị Bồ tát vị pháp thiêu thân…

Đến đây, xin được phép mở dấu ngoặc. Sự kiện trên được nhà báo Mỹ tường thuật tại chỗ vào thời điểm đó: “…Tôi có thể nghe từ sau lưng tôi tiếng khóc thổn thức của những người Việt Nam đang tụ tập tại đó. Tôi đã quá choáng váng nên không khóc được, quá bối rối nên không ghi chép hay hỏi han gì được, quá hoang mang nên không thể nghĩ gì được. Khi vị sư tự thiêu, bắp thịt của ngài không hề cử động, ngài không thốt ra một âm thanh nào, cái vẻ ngoài điềm tĩnh của ngài trái ngược hẳn với đám đông khóc than chung quanh”…

Trên Tạp chí Hồn Việt (số tháng 7-2013), tác giả Nguyễn Chính, nguyên Quyền Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ, viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 11-6-1963 và sau đó, cho trang trọng công bố đôi câu đối kính viếng, thể hiện tấm lòng của Người và của đồng bào cả nước, đối với Hòa thượng Thích Quảng Đức:

“Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt;
Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà”.

Tạm dịch:

“Vị pháp thiêu thân muôn thuở hùng huy trời nhật nguyệt;
Lưu danh bất tử trăm năm chính khí đất sơn hà”.

Tác giả Nguyễn Chính cũng ghi lời phát biểu (năm 2007) của cố GS, NGND, AHLĐ Trần Văn Giàu: “Trong lòng tôi, mấy mươi năm nay chỉ biết Thích Quảng Đức vị quốc thiêu thân. Và tôi thường nói Hòa thượng Thích Quảng Đức là một người yêu nước (…) cũng là một vị đại anh hùng của dân tộc…”.

Chùa Thiên Mụ được coi là gắn liền với bước đầu mở cõi để xây dựng cơ nghiệp của chúa Tiên Nguyễn Hoàng tại xứ Đàng Trong. Ngôi quốc tự được chúa Tiên khởi dựng vào năm 1601. Hơn 400 năm trôi qua với bao biến thiên lịch sử, chùa bao lần bị phá hủy, bị hư hại và được trùng tu, tái thiết nhiều lần. Ngày nay, đây là điểm du lịch không thể thiếu của các đoàn lữ khách trong nước và nước ngoài./.

Quang Hảo

Trong bài, một số chi tiết có dựa theo Tạp chí Văn hóa Phật giáo (các số 71, 223 và 227)

Chia sẻ bài viết