Tiếng Việt | English

21/04/2017 - 05:16

Kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4:

Khơi dậy văn hóa đọc

“Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn” - câu danh ngôn của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama như lời khẳng định vai trò, lợi ích của việc đọc sách. Để sách mãi là người bạn, là trường học tri thức bổ ích trong đời sống, Ngày Sách Việt Nam 21/4 hàng năm, ngoài ý nghĩa tôn vinh các giá trị của sách, còn là hoạt động khơi dậy văn hóa đọc trước tình trạng mai một như hiện nay.

Để giữ gìn và phát huy văn hóa đọc, cần tạo niềm đam mê đọc sách trong giới trẻ

Mai một văn hóa đọc trong giới trẻ

“Mấy năm gần đây, lượng độc giả đến Thư viện tỉnh Long An ít dần. Người đọc đến mượn sách chủ yếu là người lớn tuổi, còn người trẻ không nhiều. Hiện tại, trung bình, hàng tháng, Thư viện tỉnh thu hút khoảng 800 lượt bạn đọc”. Lời chia sẻ của bà Lê Thị Ngọc Lệ - Phó Trưởng phòng Công tác bạn đọc, Thư viện tỉnh, cho thấy văn hóa đọc trong giới trẻ ngày nay đang dần mai một.

Ngày trước, các kênh để học tập, giải trí như thời đại công nghệ bây giờ rất ít, chỉ có đọc sách là phương pháp thư giãn và mang kiến thức. Chính vì thời đại ngày nay có nhiều kênh giải trí như internet, tivi,... nên giới trẻ dần quay lưng với văn hóa đọc.

Khi được hỏi về việc đọc sách, em Nguyễn Tuấn Pháp - học sinh Trường THCS Nguyễn Trung Trực, huyện Bến Lức, tỉnh Long An hồn nhiên trả lời: “Hàng ngày, sau một buổi học ở trường, thời gian ở nhà, em học bài, lúc rảnh rỗi thì lướt web trên điện thoại chứ hiếm khi đọc sách”.

Khi điện thoại di động được sử dụng phổ biến, những tiện ích mạng xã hội, các trò chơi,... hấp dẫn hơn việc cầm một quyển sách nghiền ngẫm từng trang nên người trẻ lười đọc sách. Hơn nữa, khi cầm một quyển sách nhưng không hiểu được giá trị, ý nghĩa của nó thì việc đọc sách càng trở nên vô nghĩa.

“Em cũng đọc sách nhưng chỉ đọc truyện Đôrêmon và một vài truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mượn từ thư viện của trường. Đó là những lúc rảnh, em đọc giải trí chứ không đọc thường xuyên vì sách dày, khi đọc rất ngán” - em Nguyễn Thị Tuyết Băng - học sinh Trường THCS An Thạnh, huyện Bến Lức chia sẻ.

Ngoài “sức mạnh” từ các kênh giải trí làm người trẻ dần quay lưng với văn hóa đọc thì cuộc sống tất bật hôm nay cũng khiến nhiều người không còn thời gian đọc sách. Có người, trước đây cũng yêu thích đọc sách nhưng bây giờ, vì bận rộn nên dần “đánh rơi” thói quen đọc sách.

Theo chị Trần Ngọc Thy, ngụ thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, thời sinh viên, chị thường xuyên vào thư viện đọc sách hoặc mượn về nhà. Nhưng từ khi lập gia đình, cả ngày đi làm, chiều về bận bịu với con nên không còn thời gian đọc sách. Đọc sách rất tốt, giúp trang bị nhiều kiến thức nên nếu có thời gian, điều kiện thì hãy duy trì thói quen này.

Để văn hóa đọc mãi còn sức sống

Ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định, lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Khơi dậy, giữ gìn văn hóa đọc là trách nhiệm của mỗi người trong xã hội chứ không của riêng ai. Trong đó, Thư viện tỉnh - “linh hồn” của văn hóa đọc phải có nhiều đổi mới nhằm thu hút bạn đọc. Cũng theo bà Lê Thị Ngọc Lệ, thư viện phải thường xuyên cập nhật, bổ sung sách mới để đáp ứng kịp nhu cầu độc giả.

Ngoài ra, thư viện phối hợp các trường học mang sách đến với học sinh trong những giờ học ngoại khóa, các tiết sinh hoạt,... Đây là ý tưởng hay, nếu được thực hiện sẽ tạo niềm đam mê, hứng thú cho giới trẻ đối với việc đọc sách.


Thư viện - nơi đam mê, hứng thú cho giới trẻ đối với việc đọc sách

Hơn nữa, tạo niềm đam mê với sách cũng bắt nguồn từ gia đình. Cha mẹ phải hiểu tầm quan trọng của sách và định hướng cho con việc đọc sách ngay từ lúc nhỏ.

“Có nhiều cha mẹ nghĩ rằng, đọc sách là vô bổ, tốn thời gian nên bắt con “cắm đầu” vào chuyện học hoặc vui chơi, giải trí bằng cách xem tivi, đi du lịch. Các bậc phụ huynh quên rằng, sách cũng là công cụ giải trí lại mang đến nhiều kỹ năng, kiến thức bổ ích. Cha mẹ phải hiểu điều này mới giúp con có thói quen đọc sách từ nhỏ. Cha mẹ hãy tặng con những quyển sách hay, ý nghĩa, phù hợp lứa tuổi thay vì những món quà “thực dụng”, điều này sẽ khơi gợi niềm say mê đọc sách của con” - bà Lệ cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Huyết, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa - người gắn bó hơn nửa cuộc đời với các trang sách cũng buồn khi thấy văn hóa đọc trong đời sống ngày nay dần “xuống cấp”. Vì vậy, muốn giữ gìn văn hóa đọc, theo ông Huyết, trước tiên phải gìn giữ, phát huy trong giới trẻ. Người trẻ - những chủ nhân tương lai, xây dựng, phát triển quê hương cần tích lũy nhiều kiến thức mà chỉ có sách là trường học quý giá nhất. Muốn vậy, mỗi người phải xem sách là người bạn mang lại nhiều lợi ích và không nhàm chán.

“Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua” - tất cả chặng đường trong suốt chiều dài lịch sử, những kiến thức trên mọi lĩnh vực của đời sống đều đủ đầy trong sách mà chỉ có đọc, mỗi người sẽ nhận được một kho tàng tri thức vô giá làm hành trang trong cuộc sống./.

Ngày Sách Việt Nam 21/4, tỉnh Long An hưởng ứng với chủ đề “Sách với cuộc sống”, gồm nhiều hoạt động: Lễ phát động diễn ra vào ngày 25/4; trưng bày, xếp sách nghệ thuật, bán sách giảm giá từ ngày 20/4 đến 25/4/2017; nói chuyện chuyên đề về sách,..

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết