Tiếng Việt | English

26/05/2017 - 21:26

Khối G7 thống nhất mặt trận chung chống chủ nghĩa khủng bố

Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 26/5 khai mạc tại thị trấn ven biển Taormina trên đảo Sicily, miền Nam Italy.

Theo các nhà phân tích, ngoại trừ cuộc chiến chống khủng bố, cũng giống như những cuộc gặp trước đó, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ khó có thể tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề như biến đổi khí hậu hay thương mại quốc tế.

Vụ đánh bom tại Manchester khiến chống khủng bố trở thành chủ đề chính trong cuộc chiến chống khủng bố. Ảnh: Reuters

Diễn ra trong bối cảnh cộng đồng thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng sau các vụ tấn công khủng bố tại Anh, Hội nghị năm nay được đặt dưới tình trạng an ninh nghiêm ngặt.

Các lực lượng an ninh và cảnh sát Italy đã triển khai công tác đảm bảo an ninh 3 vòng ở mức cao nhất. Theo thông báo của Bộ Nội vụ Italy, hơn 7.000 đơn vị thuộc Lực lượng Cảnh sát Italy cũng được triển khai tại các địa điểm nhạy cảm trên khắp cả nước nhằm phục vụ hội nghị.

Riêng tại thị trấn Taormina, số cảnh sát được được tăng cường đã là 2.900 người. Bộ Nội vụ cũng giao cho Ủy ban Phân tích chống khủng bố chiến lược (CASA) nhiệm vụ điều phối trao đổi thông tin tình báo giữa các cơ quan an ninh trong và ngoài nước trong trường hợp cần thiết.

Với giới truyền thông, chỉ có nhân viên của một số hãng truyền thông phục vụ việc đưa tin về hội nghị mới được hoạt động tại các khu vực gần nơi diễn ra sự kiện.

Theo các nhà phân tích, sau vụ tấn công đẫm máu tại Anh ngày 23/5 làm 22 người chết và 64 người khác bị thương, trong đó có nhiều trẻ em, thì hội nghị G7 lần này sẽ dễ dàng đạt được sự đồng thuận trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, bất chấp những căng thẳng mới đây giữa Anh và Mỹ sau vụ rò rỉ thông tin liên quan tới các cuộc điều tra về vụ tấn công khủng bố tại Anh. Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cũng là chủ đề đầu tiên được các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận tại Italy ngày 26/5.

Phát biểu bên lề Hội nghị cấp cao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Brussels, Bỉ, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni, nước chủ nhà Hội nghị G7 cảnh báo, các cuộc thảo luận sẽ không dễ dàng, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực hết sức để đưa quan điểm của các bên lại gần nhau hơn, cũng như để cuộc gặp lần này giữa 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ trở thành “một cuộc họp hữu ích”.

“Chúng tôi đang làm việc với nỗ lực cao nhất nhằm gửi đi một thông điệp chung khẳng định cam kết mạnh mẽ nhất chống chủ nghĩa khủng bố từ Hội nghị G7 lần này", ông Gentiloni nói. "Tại Taormina này, chúng ta sẽ có cơ hội để nhắc lại rằng, những kẻ hèn nhát đang tìm cách phá hoại cuộc sống của những người trẻ sẽ không thể chiến thắng nền tự do của chúng ta”,

Dự kiến tại Hội nghị cấp cao G7, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ kêu gọi các quốc gia chung tay chống khủng bố, đặc biệt trong lĩnh vực mạng Internet. Trong bối cảnh các tay súng Hồi giáo cực đoan và tổ chức IS dần mất đi những thành trì quan trọng ở thực địa, thì cuộc chiến dần chuyển sang mặt trận mạng Internet.

Bà Theresa May cho rằng các công ty cung cấp dịch vụ mạng phải tham gia tích cực hơn nữa bằng cách thiết lập các công cụ tự động nhận diện và xóa bỏ những nội dung tuyên truyền khủng bố, cực đoan cũng như khóa các tài khoản đăng tải những nội dung này và đó là "trách nhiệm xã hội" của mỗi công ty công nghệ.

“Tại hội nghị cấp cao G7 này, tôi sẽ dẫn đầu cuộc thảo luận về chống khủng bố và cách chúng ta cùng làm việc để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố qua mạng, cũng như ngăn chặn sự lan rộng của hệ tư tưởng cực đoan hận thù trên mạng xã hội. G7 và NATO sẽ cho phép chúng ta hợp tác chặt chẽ hơn để đánh bại chủ nghĩa khủng bố tàn bạo”, bà May nói.

Tuy nhiên, vấn đề lại hoàn toàn khác đối với các cuộc thảo luận về khí hậu hay thương mại quốc tế, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu đạt được cuối năm 2015.

Theo các nhà phân tích, dù điều này không thể ngăn cản một số nước, trong đó có Italy, Pháp hay Đức làm nổi bật tầm quan trọng của thỏa thuận Pari, song cũng không thể tạo ra sự khác biệt so với những lần gặp trước đó.

Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây cảnh báo, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ rất phức tạp, trong khi gần như toàn bộ nền ngoại giao châu Âu đều đang được huy động để thúc đẩy Mỹ đi cùng một hướng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu./.

Theo VOV.VN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết