Tiếng Việt | English

14/11/2019 - 14:47

Khởi nghiệp bằng thực phẩm xanh

Chùm ngây không chỉ là loại rau ăn lá giàu dinh dưỡng mà còn có nhiều dược tính phòng và chữa bệnh. Những năm gần đây, anh Phạm Ngọc Anh Tuấn (ấp Bình Tây, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) chọn loại cây này để khởi nghiệp bằng cách chế biến ra nhiều sản phẩm như trà, bánh, tinh bột hay tinh dầu làm đẹp cho phụ nữ.

Sản phẩm từ chùm ngây tham gia Hội nghị kết nối cung cầu tại TP.HCM vào tháng 9/2019
Sản phẩm từ chùm ngây tham gia Hội nghị kết nối cung cầu tại TP.HCM vào tháng 9/2019

Quyết tâm khởi nghiệp

Anh Phạm Ngọc Anh Tuấn từng có dịp tiếp cận nhiều thông tin là cây chùm ngây gồm cả lá, cây đều có chất dinh dưỡng cũng như dược tính.Vậy là hơn 4 năm qua, anh mạnh dạn khởi nghiệp bằng sản phẩm chùm ngây.Đầu tiên, anh đầu tư khoảng 0,1ha đất trong vườn nhà mình để trồng trên 500 cây chùm ngây.

Anh Tuấn nói: “Cây chùm ngây là loài thực vật đặc biệt, có giá trị dinh dưỡng rất cao. Lá cây chứa nhiều chất đạm cùng hàm lượng lớn các vitamin thiết yếu nên đặc biệt tốt cho trẻ đang lớn, người già và người cần tăng cường sức khỏe. Hiện nay, chùm ngây được nhiều người quan tâm sử dụng làm rau trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, lá chùm ngây rất khó bảo quản tươi lâu nên tôi đã nghiên cứu cách chế biến thông qua sấy khô lá”.

Từ 500 gốc chùm ngây lúc khởi nghiệp, đến nay, anh Tuấn nhân lên 4.000 gốc với quy mô 1ha, liên kết với nông dân trong vùng thêm 3ha. Tất cả diện tích trồng chùm ngây của anh Tuấn cũng như nông dân đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Theo anh Tuấn, trồng cây theo hướng hữu cơ để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người sử dụng và giữ gìn sức khỏe của chính bản thân mình trong suốt quá trình canh tác. Đặc biệt, chùm ngây là loại cây rất ít khi bị sâu, bệnh tấn công nên dường như không phải sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào.

Hiện tại, mỗi tháng, anh thu mua khoảng 4 tấn lá tươi, thông qua công nghệ sấy còn lại khoảng 500kg lá khô. Qua thử nghiệm, lá khô sau sấy vẫn giữ được hoàn toàn hàm lượng chất dinh dưỡng.Từ lá sấy khô, anh nghiên cứu sản xuất ra trà túi lọc, bánh, bột chùm ngây, dầu dưỡng da dành cho phụ nữ.Tất cả sản phẩm được anh đặt tên Vườn nhà mình.Năm 2019, tất cả sản phẩm từ cơ sở Vườn nhà mình làm ra đều được công nhận là Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Thêm chất xúc tác

Ngoài tập trung sản xuất nhiều sản phẩm từ chùm ngây, anh Tuấn còn được sự hỗ trợ từ Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và các đơn vị khác trong tỉnh thông qua xúc tiến thương mại tại TP.HCM, các tỉnh, thành khác như Phiên chợ xanh, Phiên chợ tử tế. Tại đây, anh Tuấn luôn nhiệt tình tư vấn, mời khách dùng thử sản phẩm. Anh Tuấn nói: “Ban đầu, khách hàng tại TP.HCM chưa tin dùng nhưng tôi kiên trì giải thích, mời dùng thử sản phẩm. Lòng kiên trì của tôi được đền đáp, hầu hết khách đều quay trở lại ở những Phiên chợ xanh hàng tuần tại TP.HCM để mua sản phẩm.Phản hồi của họ là rất thích dùng, đặc biệt là trà túi lọc, sau dùng thì huyết áp ổn định”.

Lòng tin của khách hàng là động lực giúp anh Tuấn kiên trì hơn với sản phẩm từ chùm ngây. Ở các buổi xúc tiến thương mại, nhiều đối tác từ khắp nơi biết đến sản phẩm của anh. Hiện sản phẩm của anh được các đơn vị bán lẻ như Siêu thị Thất Sơn (An Giang), Siêu thị Thiên Đường (Đồng Nai), các cửa hàng tiện ích tại TP.HCM,...phân phối ra thị trường. Đặc biệt, sản phẩm dầu dưỡng da đang được các spa tại TP.HCM sử dụng và phản hồi khá tích cực.

Mới đây, anh Tuấn quyết định đầu tư thêm cối nghiền bột từ lá chùm ngây. Anh Tuấn cho biết, sau sấy khô, lá chùm ngây được nghiền bằng cối thông thường, sau đó nghiền thêm một lần nữa bằng cối nghiền để cho ra sản phẩm bột mịn. Điều này đáp ứng tốt nhu cầu liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm cũng như dược phẩm. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang ngỏ lời thu mua sản phẩm bột mịn do anh làm ra. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất nhỏ nên anh còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Mới đây, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh xây dựng đề án khuyến công địa phương, hỗ trợ một phần kinh phí để cơ sở Vườn nhà mình đầu tư máy nghiền nhằm gia tăng năng suất sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. 

Theo đó, đề án có tổng kinh phí trên 200 triệu đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ cơ sở 100 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của cơ sở. Anh Tuấn chia sẻ, máy nghiền này giống như công nghệ xay trà matcha của Nhật. Đây là công nghệ nghiền quay thớt, 2 bề mặt thớt cọ xát, nghiền mịn lá. Tốc độ xay chậm nhằm hạn chế sinh nhiệt, giữ được màu diệp lục và dưỡng chất trong lá tốt hơn nhiều lần so với các loại máy xay công nghiệp bằng lưỡi kim loại. Bột thành phẩm mịn, dễ dàng hòa tan trong nước. Đặc biệt, công nghệ nghiền này giảm tỷ lệ hao tốn nguyên vật liệu.

Có thể nói, từ một nguyên liệu tưởng như bình thường cộng với ý tưởng sáng tạo, dù quy mô hoạt động nhỏ nhưng anh Tuấn chịu khó nghiên cứu, học hỏi, cải tiến công nghệ nên khách hàng ngày càng đặt niềm tin. Anh chia sẻ thêm, khi công nghệ nghiền bột này thành công, chắc chắn bột mịn có đầu ra rất ổn định. Khi đó, anh sẽ mở rộng diện tích liên kết với nông dân trồng chùm ngây và tiêu thụ theo hướng bao tiêu. Trên 0,1ha đất, nông dân có thể thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm, ít tốn chi phí sản xuất và bảo đảm sức khỏe người trồng./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích