Tiếng Việt | English

18/02/2020 - 14:45

Khởi nghiệp từ học nghề

Những năm qua, nhiều bạn trẻ mạnh dạn chọn học nghề để khởi nghiệp và khẳng định bản thân. Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ không chỉ thành công mà còn giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Học nghề giúp anh Lưu Văn Sơn tự làm chủ, đồng thời có điều kiện sống gần gia đình, người thân
Học nghề giúp anh Lưu Văn Sơn tự làm chủ, đồng thời có điều kiện sống gần gia đình, người thân

Làm lại tử đầu

Năm 2004, anh Võ Văn Được (xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) đang học lớp 11 thì nghe theo lời bạn bè, bỏ nhà lên TP.HCM làm công nhân. Cuộc sống xứ người vất vả, hàng ngày tất bật với công việc nhưng không có dư; đồng thời, nhớ nhà, nhớ quê nên chỉ mới 1 năm, anh quyết định quay về quê học nghề để làm lại từ đầu. 

Anh Được tâm sự: “Bỏ học 1 năm, kiến thức không còn, bạn bè cũng ra trường, không quen ai, từ đó tôi quyết định chuyển sang học nghề thay vì học hết THPT. Đang dự định học nghề lái xe thì được gia đình định hướng học nghề Kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí tại Trường Cao đẳng Nghề Long An. Khi tham gia học nghề, tôi rất hứng thú, say mê”.

Năm 2008, anh Được ra trường và vào làm việc ở một công ty tại TP.Tân An, với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Tại đây, anh vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm. Sau 2 năm, anh quyết định ra mở cửa hàng chuyên sửa chữa máy lạnh, tủ giặt,... tại xã Hướng Thọ Phú. 

Nhờ nhiệt tình, giỏi chuyên môn, cửa hàng ngày càng phát triển. Anh Võ Minh Toàn (em trai anh Được) cho biết: “Ban đầu, cửa hàng chỉ có 4 người làm, trong đó chủ yếu theo anh Được học nghề. Còn bây giờ, cửa hàng có 12 người, bình quân thu nhập gần 9 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, thời gian tới, cửa hàng tiếp tục thuê thêm người làm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Thấy anh Được thành công trên con đường học nghề, anh Toàn mạnh dạn tham gia học nghề, góp phần cùng anh trai khởi nghiệp. Và giờ đây, hai anh em đã thành công trên con đường lựa chọn. Hơn hết, anh Được không còn là một thanh niên lêu lổng, ham chơi, ngược lại, là một ông chủ có uy tín, được nhiều người thương yêu, tin tưởng. Anh Được cho biết thêm: “Nếu tôi không chọn học nghề thì cuộc sống sẽ không ổn định như hôm nay. Sau khi trừ chi phí, hàng tháng, tôi có thu nhập vài chục triệu đồng. Từ đó, tôi có điều kiện lo cho gia đình, báo hiếu cha mẹ”.

Học nghể để làm chủ

“Nhiều người thường nói học nghề chỉ có thể đi làm công nhân. Thực tế cho thấy, học nghề có thể tự mở cơ sở làm chủ, thu nhập hàng tháng vài chục triệu đồng là chuyện bình thường” - anh Lưu Văn Sơn (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ.

Năm 2011, anh Sơn tốt nghiệp THPT và quyết định học nghề Điện lạnh tại Trường Cao đẳng Nghề Long An trước sự phản đối của gia đình. Với sự kiên trì và quyết tâm, nhất là trước tình trạng sinh viên đại học ra trường không có việc làm, anh Sơn thuyết phục được gia đình để theo đuổi đam mê. 

Năm 2013, anh Sơn ra trường, được một công ty nhận vào làm việc với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Hai năm sau, khi tay nghề thành thạo, anh quyết định về quê lập nghiệp. Mẹ anh Sơn trải lòng: “Gia đình có mình Sơn là con trai nên rất thương, sợ con vất vả. Khi nghe con có ý định về quê lập nghiệp, gia đình tạo điều kiện cho Sơn mở tiệm ngay chợ Thạnh Hóa. Cửa tiệm giờ làm ăn được lắm, phải thuê thêm người làm, bình quân có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng. Điều tôi hài lòng nhất không phải là thu nhập cao mà con tôi được sống gần gia đình, người thân”.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển, thị trường lao động rất cần công nhân có tay nghề cao. Do đó, trong khi sinh viên tốt nghiệp đại học đang loay hoay tìm việc làm thì học sinh, sinh viên học nghề đã có được việc làm ổn định ngay sau khi tốt nghiệp, nhất là còn tự mở cơ sở, làm chủ. Trường hợp anh Được, anh Sơn là một trong số những học sinh, sinh viên thành công từ con đường học nghề./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết