Tiếng Việt | English

22/08/2019 - 18:12

Khôi phục gần 60ha đất nông nghiệp bỏ hoang tại Tân Chánh và Long Hựu Tây

Qua công tác giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Long An đã kiến nghị ngành chức năng thực hiện các giải pháp nhằm khôi phục, giảm diện tích đất nông nghiệp - thủy sản bị bỏ hoang tại 2 xã Tân Chánh và Long Hựu Tây, huyện Cần Đước vào năm 2017. Đến nay, bằng các giải pháp đồng bộ, diện tích đất hoang hóa tại 2 xã trên giảm đáng kể.

Một khu ao nuôi tôm diện tích 02ha được chuyển đổi từ vùng đất bỏ hoang thuộc địa ấp Đông Trung, xã Tân Chánh.

Một khu ao nuôi tôm diện tích 2ha được chuyển đổi từ vùng đất bỏ hoang thuộc ấp Đông Trung, xã Tân Chánh

Nhằm khôi phục phát triển thủy sản cho vùng hạ, trong đó có 2 xã Tân Chánh và Long Hựu Tây, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền; hỗ trợ mô hình sản xuất đầu tư ao lắng trong nuôi tôm nước lợ; hỗ trợ cây giống, vật nuôi, thủy sản để khôi phục vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Riêng năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh, đã hỗ trợ 2 tổ hợp tác nuôi tôm trên địa bàn huyện Cần Đước số tiền 91 triệu đồng.

Trong 2 năm 2017 - 2018, ngành NN&PTNT phối hợp UBND huyện Cần Đước và các đơn vị liên quan chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi tôm vùng hạ. Đặc biệt, ưu tiên các hộ nuôi tôm trên vùng đất hoang hóa của xã Tân Chánh và Long Hựu Tây. Tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm nước lợ (tại Long Hựu Tây và Tân Chánh), 1 cuộc hội thảo chuyên đề về nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) xã Tân Chánh, 1 cuộc hội thảo lưu ý nuôi tôm đầu vụ xã Long Hựu Tây.

Đồng thời, triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn và 2 mô hình trình diễn về nuôi tôm ƯDCNC ở xã Tân Chánh. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cử cán bộ tham gia Tổ Tư vấn kỹ thuật nuôi tôm tại xã Long Hựu Tây để đo mẫu nước và tư vấn kỹ thuật trực tiếp cho nông dân.

Nuôi tôm công nghiệp đang phát triển mạnh tại vùng hạ.

Nuôi tôm công nghiệp đang phát triển mạnh tại vùng hạ

Thực hiện phương án cấp nước bền vững để phục vụ sản xuất và cho người dân vùng hạ nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, ngành NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn nạo vét hàng loạt các kênh mương thủy lợi trong vùng, thường xuyên kiểm tra và kịp thời sửa chữa các cống ngăn mặn.

Từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, từ năm 2017 - 2019, ngành NN&PTNT đầu tư nạo vét đắp bờ bao xây dựng công trình thủy lợi kết hợp giao thông trên địa bàn huyện Cần Đước với tổng số tiền trên 18 tỉ đồng. Bên cạnh đó, UBND huyện đầu tư công trình thủy lợi nội đồng với tổng số tiền gần 4 tỉ đồng tại 2 xã Long Hựu Tây và Tân Chánh.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Chánh - Phạm Văn Xum cho biết: “Hiện nay, nhu cầu nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn xã tăng cao vì giá tôm đang lên. UBND huyện hỗ trợ kinh phí nạo vét rạch Sông Lu nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi tôm của nhân dân trong xã”.

Rạch Sông Lu đang được huyện Cần Đước cho nạo vét nhằm thúc đẩy việc nuôi tôm trên địa bàn xã Tân Chánh.

Rạch Sông Lu đang được UBND huyện Cần Đước cho nạo vét nhằm thúc đẩy việc nuôi tôm trên địa bàn xã Tân Chánh

Ông Phạm Văn Xum thông tin thêm: “Trên địa bàn xã còn trên 100ha đất hoang hóa có khả năng nuôi tôm công nghiệp, nhưng khó khăn chính là nông dân thiếu vốn, hạ tầng giao thông còn khó khăn nên chưa mạnh dạn đầu tư”.

Nhằm đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất, nuôi tôm cho các xã vùng hạ, năm 2018, ngành Điện lực Long An xây mới và nâng cấp các đường dây trung, hạ áp và các trạm biến áp phục vụ nuôi tôm công nghiệp tại các xã Long Hựu Đông, Long Hựu Tây và Tân Chánh với tổng số tiền 13 tỉ đồng.

Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Cần Đước, bằng các giải pháp đồng bộ, đến nay diện tích hoang hóa của xã Tân Chánh chỉ còn 143/195ha so với năm 2017; diện tích hoang hóa của xã Long Hựu Tây chỉ còn 80/83ha so với năm 2017.

Tại xã Tân Chánh, người dân đầu tư hàng chục hecta để nuôi tôm, chuyển từ hình thức nuôi tôm quảng canh sang nuôi tôm công nghiệp. Ngoài ra, còn cải tạo đất hoang hóa sang nuôi tôm công nghiệp và loại hình nông nghiệp khác.

Tại xã Long Hựu Tây, người dân chuyển đất hoang hóa sang trồng lúa, tuy nhiên, diện tích chuyển đổi không nhiều (3ha).

Theo UBND huyện Cần Đước, để thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên của vùng đất hoang hóa thuộc địa bàn xã Long Hựu Tây và nâng cao đời sống người dân, thời gian tới, ngành chức năng của huyện có kế hoạch thử nghiệm một số mô hình trồng cây chịu phèn, chịu hạn như mãng cầu xanh, sa pô chê,...

Cán bộ địa chính –giao thông thủy lợi xã Tân Chánh –Nguyễn Hoàng Vũ chỉ tay vào khu vực chuẩn bị xây mới cống Bà Nghĩa, ấp Bà Nghĩa, xã Tân Chánh giáp với sông Vàm Cỏ.

Khu vực chuẩn bị xây mới cống Bà Nghĩa, ấp Bà Nghĩa, xã Tân Chánh giáp sông Vàm Cỏ

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trong năm 2019, với mục tiêu cải thiện hạ tầng, điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 2 xã Long Hựu Tây và Tân Chánh, Sở tham mưu UBND tỉnh ghi vốn chuẩn bị đầu tư các công trình thủy lợi: Sửa chữa cống Bà Xiểng, Nhà Thờ, Mương Tam phục vụ tưới tiêu diện tích 450ha cho 2 xã Long Hựu Tây và Tân Chánh; Sửa chữa cống Mương Lá (xã Long Hựu Tây) phục vụ tưới tiêu 180ha, xây mới cống Bà Nghĩa (xã Tân Chánh).

Dự kiến, các công trình trên triển khai từ năm 2020 đến các năm tiếp theo./.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết